Gần đây Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công nhận biến thể COVID-19 mới có tên là Omicron và đây là biến thể được đánh giá là đáng lo ngại.
Trong buổi họp đột xuất gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá biến chủng COVID-19 mới mà họ phát hiện ở Nam Phi và phân loại đây là một biến chủng đáng quan ngại (VOC). Biến thể được đặt lên là Omicron và chính thức đứng cùng danh sách với các chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta trước đây.
Theo các bằng chứng được trình bày về biến thể SARS-CoV-2: B.1.1.529 mới sau khi Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) đã được triệu tập vào ngày 26 tháng 11 năm 2021, WHO cho biết dựa trên các bằng chứng được trình bày, cho thấy sự biến đổi bất lợi trong dịch tễ học của COVID-19. Nhóm đánh giá đã khuyến cáo đến WHO nên chỉ định biến thể mới này là đáng lo ngại và được đặt tên là Omicron.
Nhóm đánh giá TAG-VE là một nhóm các chuyên gia độc lập của WHO, nhiệm vụ của họ là theo dõi và đánh giá định kỳ về virus SARS-CoV-2 cùng sự lây nhiễm và tiến hoá của nó. Nhóm còn liên tục đánh giá xem các đột biến cụ thể và sự kết hợp của các đột biến đó có làm thay đổi hành vi của virus hay không. Và trong kết quả mới nhất của họ về chủng Omicon mới, nó có một số lượng lớn các đột biến, trong đó có nhiều đột biến đáng lo ngại. Theo nhóm này, các bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các biến thể đáng lo ngại VOC khác. Số lượng các ca mắc biến thể này dường như đang tăng lên ở hầu hết các tỉnh ở Nam Phi.
Đồng thời theo họ thì chẩn đoán SARS-CoV-2 bằng PCR hiện tại tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp nhiễm biến thể này. Một số phòng thí nghiệm đã chỉ ra xét nghiệm PCR thông dụng hiện nay đã không thể phát hiện một trong ba gen đích (được gọi là gen S bị bỏ quên hoặc không đạt đích gen S). Do đó các xét nghiệm này có thể được sử dụng làm điểm đánh dấu cho biến thể này trong khi chờ xác nhận trình tự gen. Sử dụng cách tiếp cận đó, biến thể này đã được phát hiện với tốc độ nhanh hơn so với các đợt lây nhiễm trước đây, nó cho thấy biến thể mới có thể có lợi thế về mặt tăng trưởng.
WHO cho biết có một số nghiên cứu đang được gấp rút tiến hành và nhóm đánh giá vẫn sẽ tiếp tục quan sát biến thể mới trong thời gian này, tổ chức sắp tới sẽ thông báo những phát hiện mới của mình tới các Quốc gia Thành viên và công chúng khi cần thiết. Các đặc điểm của một biến thể đáng lo ngại VOC trong thang đánh giá của WHO thì Omicron đã đạt được các tiêu chí:
1. Có những thay đổi di truyền được dự đoán hoặc được biết sẽ ảnh hưởng đến các đặc điểm của virus như: khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, trốn tránh miễn dịch, chẩn đoán hoặc biện pháp điều trị.
2. Gây ra sự lây truyền cộng đồng đáng kể hoặc sự bùng phát của nhiều cụm COVID-19, ở nhiều quốc gia với tỷ lệ lưu hành tương đối ngày càng tăng cùng với số ca mắc gia tăng theo thời gian.
3. Có thể có các tác động dịch tễ học rõ ràng khác để gợi ý một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
WHO khuyến cáo các quốc gia hiện tại:
- Nên tăng cường các nỗ lực giám sát và giải trình tự để hiểu rõ hơn về các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành.
- Gửi trình tự bộ gen hoàn chỉnh và siêu dữ liệu liên quan đến cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID.
- Báo cáo các trường hợp/cụm ban đầu liên quan đến nhiễm VOC cho WHO thông qua cơ chế IHR.
- Khi có năng lực và phối hợp với cộng đồng quốc tế, thực hiện điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để nâng cao hiểu biết về các tác động tiềm tàng của VOC đối với dịch tễ học COVID-19, mức độ nghiêm trọng, hiệu quả của các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, phương pháp chẩn đoán, đáp ứng miễn dịch, kháng thể trung hòa, hoặc các đặc điểm liên quan khác.
Các cá nhân được nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng ngừa như 5K để giảm nguy cơ mắc COVID-19, bao gồm: đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, cải thiện thông gió trong nhà, tránh không gian đông đúc và tiêm chủng vắc-xin đầy đủ.