Khi nói đến thông số thì tốc độ RAM là một trong những yếu tố quan trọng được cân nhắc để lựa chọn, nhưng thực tế trong thời điểm hiện nay thì đây không phải là thông số duy nhất để nói về hiệu suất của chúng mà còn có những thông số khác đáng kể cân nhắc.
Giống như các linh kiện khác, tốc độ RAM càng lớn thì sẽ càng tốt và chúng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất chơi game trên các hệ thống PC đắt tiền. Tuy nhiên lúc này giá thành của các thanh RAM tốc độ cao cũng sẽ tỉ lệ thuận. Vì vậy, khi lựa chọn RAM cho hệ thống của mình, bạn sẽ tự hỏi liệu tốc độ RAM lớn hơn có đáng với mức giá cao hơn hay không. Câu trả lời là có nhưng thực tế hiện nay con số này cao đến mức không thực sự quan trọng nhiều nữa mà thay vào đó còn có nhiều thông số khác đáng quan tâm hơn để lựa chọn.
Điều gì thực sự ảnh hưởng đến hiệu suất RAM?
Điều quan trọng trước tiên là phải hiểu rằng không có một con số duy nhất nào quyết định tốc độ RAM và hiệu suất bạn sẽ có khi sử dụng. Hiệu suất tổng thể của hệ thống bạn là kết quả của băng thông bộ nhớ và lượng dữ liệu mà nó có thể truyền trong một khoảng thời gian nhất định. Tần số RAM cao hơn, độ trễ thấp hơn, và có nhiều kênh hơn kết hợp lại là những yếu tố để xác định tốc độ tổng thể của RAM trong hệ thống của bạn.
- Tần số/xung nhịp: Đây là tốc độ RAM, được đo bằng MT/s ví dụ DDR4 thường có tốc độ nằm trong khoảng 3,000 MT/s, trong khi DDR5 hiện có thể lên đến 8,200 MT/s.
- Thời gian hoặc độ trễ: Đây là thời gian trễ giữa lúc CPU gửi yêu cầu đọc dữ liệu từ một ô nhớ cụ thể và lúc dữ liệu đó thực sự được đưa ra khỏi ô nhớ. Con số này càng nhỏ càng tốt.
- Kênh: Con số này được thiết lập bởi CPU và số lượng thanh RAM bạn đã cài đặt trong hệ thống. Hầu hết các bo mạch chủ và bộ vi xử lý cho người tiêu dùng có hai kênh bộ nhớ, vì vậy có hai hoặc bốn thanh RAM sẽ chạy ở chế độ kênh đôi, giúp bạn có băng thông nhiều hơn.
Như vậy tần số hay xung nhịp của RAM là tốc độ của linh kiện này, nó là một thông số quan trọng nhất nhưng không phải tất cả. Quan niệm rằng tốc độ RAM cao là tốt nhất đã có trong nhiều năm, nhưng hiện tại khi DDR4 và DDR5 đã có tần số cao, bất kể bộ kit nào bạn chọn cũng đều có tốc độ ấn tượng hơn so với các bộ kit DDR3 từ vài năm trước. Vì vậy hiện nay hai con số còn lại bắt đầu quan trọng hơn như sẽ giúp cải thiện hiệu năng. Việc tăng số lượng kênh trong bộ nhớ sẽ làm tăng băng thông, do đó lời khuyên là nên chọn bộ kit RAM từ 2 thanh trở lên, hoặc 4 thanh nếu bạn cần dung lượng.
Giảm độ trễ cũng sẽ tăng hiệu suất cho RAM, nó sẽ giảm thời gian CPU và RAM giao tiếp. Khi bạn di chuyển dữ liệu giữa hai thành phần thì tốc độ di chuyển càng nhanh thì càng tốt => bạn sẽ có hiệu suất cao hơn. Nếu bạn để ý trong 1-2 năm trở lại các bộ kit RAM cao cấp có số CL thấp hơn thường đắt hơn khi so sánh hai bộ kit có cùng dung lượng và xung nhịp.
Trước đây bạn sẽ phải thực hiện thao tác ép xung RAM để có thể có tốc độ tối đa mà RAM của bạn có thể chạy, cùng với độ trễ thấp nhất mà chúng đạt được. Nhưng hiện tại khi các linh kiện khác phát triển, các bo mạch chủ đã trở nên tốt hơn thì tất cả những gì bạn cần làm là bật một thiết lập trong BIOS. Đó là XMP hoặc EXPO (hoặc đôi khi là DOCP), các thiết lập này sẽ tự động thiết lập RAM của bạn ở tần số cao nhất và độ trễ thấp nhất mà nó được chứng nhận.
Lưu ý về tốc độ và dung lượng của RAM
Mặc dù tốc độ RAM cao hơn và độ trễ thấp hơn có sự khác biệt trong một số tác vụ, nhưng dung lượng RAM cũng sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến việc sử dụng hàng ngày. Hãy coi dung lượng như số lượng công việc máy tính của bạn có thể thực hiện cùng một lúc. Có quá ít dung lượng nghĩa là bạn sẽ phải chậm lại để phân bổ công việc khi thực hiện đa nhiệm hoặc thậm chí không thể chạy một số chương trình hoặc trò chơi yêu cầu dung lượng RAM cao.
Hiện tại với các nhu cầu cơ bản thì ít nhất 16GB là đủ cho làm việc, làm các công việc hiệu năng cao và chơi game. Nhưng nếu muốn đảm bảo trong tương lai và để hệ thống làm việc tốt hơn thì 32GB sẽ là sự lựa chọn tốt giữa dung lượng và chi phí vì giá các bộ kit RAM đã giảm đáng kể gần đây.
Làm sao để biết tốc độ RAM tối đa hệ thống của bạn hỗ trợ?
Khi quyết định chọn mua RAM cho một hệ thống PC mới hoặc khi nâng cấp thì điều quan trọng là biết các mô-đun RAM nào được hỗ trợ cho hệ thống của bạn. Phần khó là bạn sẽ muốn xem xét ở hai nơi, và các con số mà mỗi nơi cung cấp sẽ khác nhau. Đó là vì cả bộ xử lý và bo mạch chủ đều có vai trò trong việc xác định tốc độ và loại RAM bạn có thể sử dụng được vì thế hãy cố gắng đi tìm bảng thông số chính xác nhất cho vi xử lý và bo mạch chủ của hệ thống để so sánh.
Bạn có thể kiểm tra các trang thông số của CPU Intel và AMD, nhưng nên tìm các trang thông số kỹ thuật bo mạch chủ được sử dụng trên hệ thống của bạn để có được thông số cần thiết. Các CPU thường sẽ được liệt kê tốc độ RAM hỗ trợ thấp hơn nhiều so với những gì bo mạch chủ sẽ hỗ trợ, ngoài ra việc xem trong các trang thông số của bo mạch chủ sẽ có được thông tin tốt nhất để lựa chọn các bộ kit RAM đã được kiểm tra cụ thể trên bo mạch chủ đó để đảm bảo tương thích.
Tổng kết – Tốc độ RAM không tạo ra sự khác biệt nhiều như bạn nghĩ
Đối với game thủ, yếu tố hạn chế chính của hiệu suất PC khi chơi game là card đồ họa chứ không phải các thành phần khác. Điều đó có nghĩa là việc mua bất kỳ RAM tương thích nào cho máy tính của bạn sẽ mang lại hiệu suất tương tự, ngoại trừ các trường hợp khi bạn chơi game ở độ phân giải 1080p. Trong trường hợp đó, tốc độ RAM và CPU quan trọng hơn GPU, và việc có RAM nhanh hơn với độ trễ thấp hơn sẽ xứng đáng với chi phí cao hơn.
Còn thời điểm duy nhất mà RAM nhanh hơn sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất chính là khi bạn sử dụng một chương trình hưởng lợi từ độ trễ thấp hoặc tần số cao. Nếu bạn sử dụng một trong những chương trình này, bạn sẽ nhận ra mình cần RAM có tốc độ tốt hơn để cải thiện hiệu năng khi sử dụng. Lúc này bạn mới thật sự cân nhắc đến yếu tốc tốc độ RAM.