Apple ra mắt hai chiếc MacBook mới sử dụng Apple Silicon M1 là MacBook Air và MacBook Pro, nhưng ngoài khác biệt hiệu năng, số nhân GPU thì khác biệt nữa được xem là lớn nhất chính là quạt.
Apple giới thiệu chip Apple Silicon M1 mới và đồng thời ra mắt những chiếc máy Mac đầu tiên sử dụng con chip này. Trong số đó có hai chiếc MacBook mới là MacBook Air và MacBook Pro 13-inch, cả hai đều rất mỏng, rất nhỏ gọn, rất nhẹ và rất mạnh, đồng thời thời lượng pin được cải thiện rất nhiều.
Nhưng cả hai đều trang bị chung một chip M1, không hề có chỉnh sửa gì từ Apple nhưng lại có khác biệt về hiệu năng vì Apple cho biết chiếc MacBook Pro hướng tới “người dùng sáng tạo và chuyên nghiệp hơn”. Vậy thì giữa cả hai có gì để tạo ra sự khác biệt?
Theo trang The Verge, khác hiệt lớn nhất của cả hai chính là nằm ở quạt. Đúng vậy, mẫu Air không trang bị quạt, mẫu Pro lại có hệ thống “làm mát chủ động” mà chúng ta gọi là quạt. Một điều khá lạ là dù mẫu Pro có thêm hệ thống tản nhiệt bằng quạt, nhưng máy vẫn mỏng hơn một chút so với mẫu Air. Mẫu Pro chỉ dày 1.56cm trong khi đó mẫu Air thì dày 1.61cm.
Nhưng đừng vội chê cười lý do này, như các bạn đã biết thì một hệ thống mạnh mẽ đang hoạt động hết công suất nếu được làm mát tốt và ổn định thì hiệu năng cũng sẽ rất ổn định ở mức cao trong thời gian dài. Apple cũng thừa nhận rằng cả ba con chip M1 trên MacBook Pro, MacBook Air và Mac Mini mới đều gần như giống nhau với một chút khác biệt, nhưng về cơ bản xung nhịp tối đa của cả ba đều như nhau nhưng với MacBook Pro có hệ thống quạt tản nhiệt nên sẽ hoạt động ở hiệu năng tối đa lâu hơn chiếc MacBook Air.
Khác biệt một chút của M1 giữa hai chiếc MacBook Air và MacBook Pro chính là ở nhân GPU. Mẫu Air chỉ có 7 nhân GPU thay vì 8, và đây đều là những con chip yếu sàng lọc khi sản xuất chip Apple Silicon M1 từ một quá trình gọi là bining (Wikipedia). Các vi xử lý được sản xuất từ các tấm wafer silicon và đây là một quá trình sản xuất đòi hỏi độ chính xác cực cao. Các tấm wafer này có hình tròn cỡ lớn được xử lý bằng nhiều vật liệu và được in quang khắc vi mạch theo kiến trúc vi xử lý đã được thiết kế. Quá trình sản xuất còn có nhiều khâu như bắn phá bằng chùm ion năng lượng cao, sửa cấu trúc tinh thể và tạo ra một lớp silicon oxide trong lò hấp rồi lại đưa vào buồng chân không để lắng đọng thêm một lớp đồng và khắc các lớp kim loại hay oxide bằng acid mạnh.
Quá trình này có hàng tá các khâu xử lý phức tạp nhưng thời gian xử lý có khi ngắn chỉ vài giây, có khi lại dài trong khi điều kiện xử lý có thể rất khắc nghiệt như nhiệt độ cao, môi trường acid cao, chưa kể là khiếm khuyết về vật liệu. Các CPU Core i9, i7, i5, i3 từ Intel cũng ra đời dựa trên tiến trình này, ví dụ như dòng Core i5 nếu có một CPU thành phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra thì Intel sẽ “bin” nó thành một con Core i3. Đối với dòng chip Apple M1:
- MacBook Air phiên bản cấu hình thấp nhất giá 999 USD chỉ có 7 nhân GPU thay vì 8 nhân, đây chính là những con chip yếu hơn được phân loại ra trong quá trình binning. Apple cố tình vô hiệu hóa 1 nhân GPU để chip giữ được hiệu năng đủ tốt
- MacBook Air phiên bản cấu hình cao với giá 1249 USD lại có đầy đủ 8 nhân GPU
- MacBook Pro 13-inch với giá khởi điểm 1299 USD có đủ 8 nhân GPU