iPhone là chiếc smartphone cao cấp thành công nhất từ trước đến nay. Đây cũng là chiếc smartphone được nhiều người săn đón nhất mỗi khi ra mắt phiên bản mới. Nhưng xoay quanh nó còn có khá nhiều câu chuyện mà không phải ai cũng biết.
Tháng này đánh dấu 10 năm kể từ ngày đầu tiên Apple ra mắt iPhone, một thiết bị đã thay đổi căn bản cách chúng ta tương tác với công nghệ, với các nền văn hóa, và với nhau. Trước ngày kỉ niệm đó, trang Motherboard đã có một cuộc điều tra về cách mà iPhone ra đời, về những câu chuyện chưa từng được kể. Bài này được trích từ cuốn sách THE ONE DEVICE: The Secret History of the iPhone của Brian Merchant, mình lược dịch lại, mời các bạn xem qua.
Nhiều nhân viên biến mất không lý do
Nếu bạn làm việc ở Apple vào giữa những năm 2000, bạn sẽ thấy một hiện tượng lạ: người ta biến mất. Lúc đầu nó diễn ra chậm chậm. Một ngày nào đó bỗng nhiên bạn thấy chỗ anh kĩ sư giỏi giỏi hay ngồi giờ chỉ còn cái ghế trống không. Một người chủ chốt nào đó, cũng tự nhiên mất tích. Chẳng ai có thể nói cho bạn biết họ đã đi đâu. Chẳng ai biết họ đang làm việc cho dự án nào, ở bộ phận nào, thậm chí là ở phòng nào.
Đây là những gì sẽ diễn ra: một vài người quản lý nào đó sẽ bước vào văn phòng, đóng cửa lại, thủ thỉ với người nhân viên trước mặt họ, và hôm sau người đó mất tiêu. Những người quản lý này là Henri Lamiraux, một giám đốc kĩ thuật, và Richard Williamson, giám đốc phần mềm. Và người nhân viên ở đây là Andre Boule, người chỉ mới về đội Apple được vài tháng.
Williamson nhớ lại: “Tôi và Henri bước vào văn phòng của Andre và nói: ‘Andre, bạn có thể không biết về chúng tôi, nhưng tôi đã nghe nhiều về anh và tôi biết anh là một kĩ sư tài năng. Chúng tôi muốn anh về làm cho dự án của chúng tôi, thứ mà chúng tôi không thể nói về nó lúc này. Và tôi muốn anh làm điều đó ngay lập tức. Ngay hôm nay”.
Boule tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, sau đó là nghi ngờ. Andre hỏi lại: “Tôi có thể suy nghĩ về điều này không?”. Williamson đáp ngay: “Không”. Họ không thể nói gì thêm với Andre, vậy mà cuối ngày hôm đó anh kĩ sư mới vào làm việc cũng đã gật đầu.
Williamson tiếp lời: “Chúng tôi làm như vậy hết lần này tới lần khác, trong cả công ty”. Một số kĩ sư nói không, và họ tiếp tục làm việc với những dự án đang có của Apple, Với những người gật đầu, giống như Andre, họ đi vào nhóm phát triển iPhone.
Kể từ đó, cuộc đời của họ thay đổi hoàn toàn, ít nhất là trong 2 năm rưỡi sau đó. Họ không chỉ phải làm việc và tìm kiếm những công nghệ tốt nhất thời bấy giờ mà còn phải từ bỏ cuộc sống cá nhân của mình. Đương nhiên, họ không thể nói cho bất kì ai biết về thứ mà họ đang phát triển. Steve Jobs không muốn tin này bị rò rỉ ra ngoài bằng bất kì cách nào, Tony Fadell – một trong những quan chức cấp cao nhất của Apple – cho biết. “Ông ấy chẳng muốn ai nói gì cả. Chỉ là không muốn vậy thôi – ông ấy kiểu như bị ám ảnh vậy”.
Jobs nói với Scott Forstall, người sau đó trở thành lãnh đạo bộ phận phần mềm iPhone, rằng anh không được hé nửa lời với bất kì người nào khác, kể cả trong hay ngoài Apple, về dự án siêu bí mật. Ông thậm chí còn không cho phép bất kì công ty bên ngoài nào được đụng vào giao diện của iPhone, “nhưng ông ấy cho phép tôi đem bất kì ai trong Apple về làm việc với nhóm”. Thế là những quản lý như Henri và Richard được giao nhiệm vụ tìm kiếm những người giỏi nhất để làm iPhone. Và Jobs muốn những người này phải biết những gì họ sắp đối mặt trước khi nhận lời. “Tôi không thể nói cho anh biết anh làm cho ai. Tôi không thể cho biết dự án này là gì. Thứ mà tôi có thể nói cho anh đó là nếu nhận lời, anh sẽ phải làm việc chăm chỉ nhất từ trước đến nay. Anh sẽ phải từ bỏ tất cả những buổi nghỉ đêm hay những ngày cuối tuần trong thời gian phát triển sản phẩm”.
Và theo lời Forstall thì “thật kỳ diệu”, nhiều nhân tài của Apple đã kí vào thỏa thuận tham gia. Những người này đến từ nhiều bộ phận khác nhau: có nhà thiết kế tài năng, có những lập trình viên đang lên, có những quản lý đã làm việc với Jobs nhiều năm, và cả những kĩ sư chưa từng gặp Jobs lần nào. Cùng với nhau, họ tạo thành một lực lượng sáng tạo có thể xem là biểu tượng của thế kỷ 21.
iPhone có thể nổi tiếng vì dễ dùng, nhưng để làm ra được một cái điện thoại như vậy thì chẳng dễ chút nào.
“iPhone là lý do tôi ly dị”, Andy Grignon, một kĩ sư phần mềm cho biết. Và đây không phải trường hợp cá biệt, rất nhiều cuộc hôn nhân đã phải tan vỡ vì iPhone. “Không khí rất căng thẳng, có lẽ là thời gian tồi tệ nhất cuộc đời tôi. Bạn được giao cho một cái nồi nấu ăn với vài chục người cực kì thông minh, kèm theo đó là những deadline không thể tin được, những nhiệm vụ không thể tin nổi, và bạn được nghe nói rằng tương lai của cả công ty phụ thuộc vào nó.”
Tạo ra iPhone
Chiếc iPhone bắt đầu được phát triển sau khi Steve Jobs duyệt dự án này vào cuối năm 2004. Nhưng ADN của dự án thì đã xuất phát từ rất lâu rồi. “Tôi nghĩ rằng nhiều người nhìn vào kiểu dáng máy và cho rằng nó không giống như bất kì cái máy tính nào, nhưng thực sự nó là một cái máy tính”, Williams nói. “Thực tế, iPhone còn phức tạp hơn về mặt phần mềm so với bất kì cái máy tính nào thời bất giờ. Hệ điều hành của iPhone cũng phức tạp giống như những chiếc PC hiện đại. Và mặc dù mới xuất hiện nhưng đây lại là hệ điều hành mà chúng tôi đã phát triển trong hơn 30 năm qua”.
Giống với những thiết bị được nhiều người sử dụng và mang lợi nhuận cao, iPhone cũng có nhiều dự án khác xảy ra trước khi người ta làm ra được một cái điện thoại như bạn biết. Có nhiều nhất là 5 điện thoại hoặc các dự án điện thoại đã được Apple nghiên cứu trong những năm 2000, từ những nghiên cứu nhỏ cho đến những mối hợp tác lớn. Không chỉ thế, iPhone ra đời còn nhờ sự kết hợp của rất nhiều công nghệ khác nhau từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Những phát minh đó đã được nhào nặn lại để cho ra một thứ có thể bán được và tạo được lợi nhuận. Ngay cả khi những lãnh đạo Apple đứng trước tòa, họ cũng không thể nói một điểm xuất phát cố định nào cả.
“Có rất nhiều thứ dẫn đến việc phát triển iPhone tại Apple”, Phil Schiller – phó chủ tịch marketing toàn cầu – cho biết vào năm 2012. iPhone là sản phẩm kết hợp giữa Mac – chiếc máy tính với thị phần nhỏ, với iPod, iTunes – những thành công lớn của Apple. “Lúc này người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng tôi có thể làm cái gì đó ấn tượng như là iPod hay không, có người gợi ý làm xe, có người gợi ý làm camera, đủ ý tưởng điên rồ”.
Và tất nhiên, tạo ra một chiếc điện thoại.
Mở cánh cửa POD
Khi Steve Jobs quay trở lại Apple vào năm 1997, ông đã cắt hàng loạt sản phẩm của Apple để giúp công ty có lại lợi nhuận và đưa việc kinh doanh Mac trở về đúng quỹ đạo. Nhưng Apple chỉ nổi lên như là một biểu tượng của kinh tế và văn hóa khi họ ra mắt iPod, thứ sau này trở thành tiền đề cho iPhone.
Tony Fadell, người đã tham gia làm cả iPhone và iPod, cho biết Apple sẽ không thể nào làm ra một cái điện thoại giống như iPhone nếu không có iPod. Fadell, đôi khi được gọi là “cha đẻ của Pod”, là người đã giúp tạo ra cú hit cho sản phẩm Apple và tất nhiên không có ai phù hợp hơn ông để kể về câu chuyện nối giữa iPod với iPhone.
“Căn nguyên của iPhone chính là sự thống trị của iPod”, Fadell cho hay. “Nó chiếm khoảng 50% doanh thu Apple”, nhưng khi iPod ra đời năm 2001 thì ít ai để ý tới điều này. “Chúng tôi mất 2 năm vì ban đầu iPod chỉ được làm cho Mac và chiếm ít hơn 1% thị phần tại Mỹ. Họ thích chê chúng tôi”. Người dùng cũng cần iTunes để tải nhạc vào hay sắp xếp, tổ chức các playlist của mình. Và iTunes lúc ấy chỉ chạy trên Mac mà thôi.
Steve Jobs nói với Fadell: “Anh muốn đưa iTunes lên PC hả, bước qua xác tôi trước đi” khi Fadell đề xuất ý tưởng đưa bộ phận mềm quản lý nhạc này lên Windows. Mặc cho lời nói nặng nề của Jobs, Fadell vẫn bí mật thành lập một nhóm và âm thầm xây dựng phiên bản iTunes tương thích với hệ điều hành của Microsoft. “Cần 2 năm để Steve Jobs thức giấc. Và khi iTunes có mặt trên PC, doanh số iPod cất cánh, và cửa hàng nhạc của chúng tôi đã trở thành một thành công lớn”. Sự thành công đó giúp iPod nằm trong tay của hàng trăm triệu người dùng, con số mà Mac có mơ mới làm được. Hơn thế nữa, iPod còn là một xu hướng thời trang, một đại diện cho phong cách sống trẻ trung và phần nào giúp người ta chú ý vào Apple nhiều hơn. Cũng nhờ vậy mà Fadell đã lên chức và được quản lý cả một bộ phận mới.
Ra mắt đầu năm 2001, tạo thành hit năm 2003, nhưng chỉ tới đầu năm 2004 iPod đã được cảnh báo là đang gặp nguy hiểm. Điện thoại di động là nguy cơ lớn nhất vì nó cũng có thể chơi nhạc MP3. “Vì bạn chỉ có thêm đem theo 1 thiết bị bên mình, bạn sẽ chọn cái nào? Và đó là lý do mà chiếc Motorola Rokr ra đời”.
Sự xuất hiện của Motorola Rokr
Năm 2004, Motorola đang sản xuất một trong những chiếc điện thoại nổi nhất thị trường. Đó là chiếc Moto Razr siêu mỏng huyền thoại. Ed Zander, CEO thời bấy giờ của Motorola, lại khá thân với Jobs, mà Jobs cũng thích thiết kế của Razr nữa, thế nên hai người ngồi với nhau bàn xem Apple và Motorola có thể hợp tác với nhau bằng cách nào. Thực ra năm 2003, Apple cũng đã từng cân nhắc mua lại Motorola nhưng số tiền quá lớn.
Vậy là chiếc “iTunes Phone” đã ra đời. Apple và Motorola bắt tay với nhà mạng Cingular để ra mắt chiếc Rokr vào mùa hè năm đó.
Ngoài mặt, Jobs luôn chối bỏ khi có ai đó hỏi liệu Apple có làm điện thoại hay không. Năm 2005, Jobs nói rằng: “Vấn đề của điện thoại là chúng tôi không giỏi đi qua những con đường khó chịu để tới được với người dùng cuối”. Con đường khó chịu mà Jobs nhắc tới ở đây chính là những nhà mạng như Verizon và AT&T. Họ có quyền không cho phép một cái điện thoại nào đó truy cập vào mạng di động của họ. Ở Mỹ, nhà mạng là những công ty cực kì quyền lực và họ có thể buộc nhà sản xuất phải làm theo chỉ dẫn của họ làm thế nào để cho ra đời một cái điện thoại mà họ sẽ chấp nhận. Nếu Nokia, LG không làm thì Samsung, BlackBerry sẽ làm, nhà mạng không sợ đói. “Chúng tôi thì không giỏi làm điều đó”, Jobs nói. Ông “không bị thuyết phục rằng smartphone sẽ có lợi cho mọi người”.
Nhưng đây chưa phải là nỗi lo duy nhất của Jobs. Một cựu nhân viên thường họp với Jobs nói rằng ông sợ Apple sẽ bị mất tập trung, sẽ lại thua lỗ một lần nữa. Thế nên việc hợp tác cùng Motorola là một cách rất dễ để diệt mối nguy hiểm đang đe dọa iPod. Motorola sẽ làm điện thoại, và Apple sẽ cung cấp phần mềm iTunes. Đây là cách mà Apple vừa có thể có mặt trên di động, vừa có thể buộc người dùng mua iPod. Chiến lược ban đầu đó là người dùng sẽ không cảm thấy hài lòng với iTunes trên điện thoại và họ sẽ phải nâng cấp lên iPod”.
Dù Rork có được người ta đánh giá cao tới mức nào đi nữa thì với nội bộ Apple, chẳng ai kì vọng nhiều vào nó. “Chúng tôi đều biết nó tệ như thế nào”, Fadell cho hay. “Nó chạy, nó không thể đổi bài hát nhanh như iPod, và nó còn giới hạn số lượng bài nhạc nữa chứ.” Fadell bật cười rồi tiếp tục nói: “Tất cả những thứ này là để đảm bảo trải nghiệm gớm nhất có thể”.
Và bạn nghĩ đó là tất cả? Không, Jobs rất khôn ngoan. Thông qua những cuộc họp với Motorola và Cingular, ông âm thầm thu thập thông tin và nghĩ về cách mà Apple có thể kiểm soát hoàn toàn thiết kế của chiếc điện thoại trong khi vẫn có lợi gì đó cho nhà mạng. Ông cũng từng nghĩ đến việc Apple sẽ mua băng thông dành riêng cho iPhone và trở thành một nhà mạng ảo riêng (MVNO, giống Google Fi hiện tại). Apple đã tiếp cận Verizon nhưng cả hai công ty đã không thể ký được hợp đồng nào vì Verizon vẫn muốn kiểm soát điện thoại quá nhiều. Trong khi đó, Cingular lại đồng ý cho Jobs kiểm soát cái máy của ông, đổi lại Apple sẽ chỉ bán thiết bị đó qua Cingular mà thôi.
Sửa chữa những gì người dùng ghét
Từ Steve Jobs, Jony Ive cho đến Tony Fadell hay các kĩ sư, nhà thiết kế, quản lý của Apple, có một thứ về iPhone mà họ đều đồng ý: trước iPhone, mọi người đều nghĩ rằng điện thoại cùi, chán, kinh khủng, “là một đống rác”, và liên tục mất sóng.
“Apple giỏi nhất là việc khắc phục những gì người ta ghét”, Greg Christie, người lãnh đạo nhóm giao diện người dùng của Apple, cho hay. Trước khi iPod xuất hiện, chẳng ai có thể dùng một chiếc máy nghe nhạc số dễ dàng. Người ta vẫn cảm thấy vui vẻ với những chiếc CD Player to oạch cồng kềnh phải vác theo mình mọi lúc mọi nơi. Và trước khi Apple II xuất hiện, PC chỉ là thứ phức tạp dành cho các chuyên gia.
Quay trở lại với iPhone, ngay cả khi dự án này ra đời, người của Apple cũng đã liên tục than phiền với nhau về việc một cái điện thoại dở và phiền như thế nào. Nó quá cồng kềnh, thô kệch, khó sử dụng. “Thế rồi chúng tôi cùng nói với nhau: ‘trời đất, chúng ta phải dọn dẹp thị trường này nữa – vì sao Apple lại không làm điện thoại đi?”.
Kêu gọi những người giỏi nhất
Andy Grignon là một kĩ sư tài năng đã làm cho Apple nhiều năm. Anh nhúng tay vào mọi thứ từ việc tạo ra phần mềm dùng cho iPod cho đến phần mềm chat iChat. Anh cũng làm quen với Tony Fadell khi họ phát triển camera iSight cùng với nhau.
Sau khi kết thúc dự án lớn khác – chính là tính năng Dashboard của Mac – Grignon tìm một thứ gì đó mới mẻ để làm. “Fadell tìm tới tôi và hỏi tôi có muốn gia nhập team iPod hay không? Họ có những thứ hay ho lắm. Tôi cũng có một vài dự án nhưng sẽ cần xây dựng trước vài thứ trước khi có thể thuyết phục được Steve”.
Thế là Grignon đã bắt đầu làm việc với một dự án bí mật. Ban đầu cứ nghĩ chúng tôi đang gắn một cái bánh xe lên một cái loa gì đó, và từ từ dự án dần thành hình. Tất nhiên thứ mà Fadell đang nói tới chính là một cái điện thoại”. Fadell biết Jobs đang muốn làm ý tưởng này, và ông muốn mọi thứ sẵn sàng khi Jobs cần. “Chúng tôi có ý tưởng như thế này: chẳng phải sẽ tốt nếu gắn Wi-Fi vào iPod sao?”, Grignon nói. Trong suốt năm 2004, Fadell, Grignon và những người đồng đội của mình đã phát triển nhiều thứ để kết hợp iPod với một thiết bị có khả năng kết nối Internet.
Và Steve Jobs, đúng như phong cách của mình, đã chê bai ngay phiên bản đầu tiên của chiếc iPod có khả năng nối mạng. Đó là một chiếc iPod cỡ lớn (vì phải nhét thêm linh kiện Wi-Fi) có khả năng lướt web, ra đời đâu đó vào đầu năm 2004. “Anh sẽ click vào bánh xe click wheel, anh sẽ cuộn trang web, và nếu có link, máy sẽ tự động tô đậm link đó, bạn có thể nhấn vào hoặc bỏ qua”. Steve Jobs cho rằng ý tưởng này là có thể hiểu được, có thể xài được, nhưng xin cảm ơn, trải nghiệm quá tệ. Lúc đó, nhóm lãnh đạo cũng đang cố gắng thuyết phục Steve rằng việc làm một cái điện thoại sẽ tốt cho Apple, nhưng Steve không nhìn thấy con đường thành công.
Trong số những người đang cố gắng làm điều này có Mike Bell. Là một nhân viên lâu năm với hơn 15 năm cống hiến cho Apple, Bell tin rằng máy tính, máy nghe nhạc và điện thoại sẽ hội tụ lại một nơi. Ông đã nhiều lần nói với Steve về smartphone nhưng ông không nghe. Thế rồi một hôm Bell tình cờ thấy thiết kế iPod mới của Jony Ive. Mọi chuyện bắt đầu từ đây.
Ngày 7 tháng 11 năm 2004, Bell viết cho Jobs một bức email vào buổi tối. “Steve, tôi biết anh không muốn làm điện thoại, nhưng đây là lý do chúng ta nên làm: Jony Ive có một số thiết kế rất hay dành cho iPod mà chưa ai thấy cả. Chúng ta hãy lấy một trong số đó, đập phần mềm Apple lên, và làm cái điện thoại từ đây thay vì đem đồ của chúng ta nhét vào điện thoại của người khác”.
Jobs gọi Bell ngay lập tức. Họ tranh luận nhau nhiều tiếng đồng hồ, Bell nói cho Jobs biết về lý thuyết hội tụ của mình, và Jobs phản bác lại. Cuối cùng, Jobs cũng thua. ‘Okay, tôi nghĩ rằng chúng ta hãy làm nó đi’. Khoảng 3-4 ngày sau đó, Steve, Bell, Jony và Sakoman đã ngồi ăn trưa với nhau và khởi động dự án iPhone”.
Hồi sinh tablet của Apple
Ở trụ sở Apple có một dự án máy tính bảng đã lâu đời. Nó sử dụng màn hình cảm ứng và một ngày kia, Bas Ording gọi điện thoại cho Steve rồi nói: “Chúng ta sẽ làm điện thoại”. Nhiều năm trước đó, một số kĩ sư và nhà thiết kế đã làm ra một nguyên mẫu tựa tựa như iPod ngày nay, nhưng vì nó quá to và đắt tiền nên không được thương mại hóa. Nhưng nếu thu nhỏ lại và sử dụng màn hình bé hơn, mẫu ý tưởng mang mã hiệu Q79 này có thể dùng được như một cái điện thoại.
“Chúng tôi sẽ dùng màn hình nhỏ hơn, nó phải là màn hình cảm ứng. Sẽ không có nút nào cả, và mọi thứ sẽ phải chạy dựa trên những thứ này”, Steve nói với Ording. May mắn thay, Ording và đồng nghiệp của mình đã dành nhiều năm xây dựng một giao diện cảm ứng, và giờ là lúc công sức của họ đơm hoa kết trái. Ording cho Steve xem một giao diện mô phỏng trên máy tính, trong đó có hiệu ứng cuộn nhanh chậm tùy tốc độ lướt, thấy vùng sáng lên khi chạm tới cuối danh sách, và Steve biết rằng giờ là lúc đem giao diện này lên điện thoại.
Có một điều thú vị: hiệu ứng sáng lên khi lướt tới cuối danh sách ra đời là do Ording không biết khi nào ông đã cuộn hết list. “Tôi nghĩ rằng phần mềm của tôi bị lỗi vì tôi đã cố cuộn thêm mà chẳng có gì xảy ra cả, và rồi ông nhận ra ông đã cuộn sai hướng”. Với một số thứ khác, Ording phải dùng đến cả toán học để làm ra thứ người dùng sẽ xài một cách tuyệt vời nhất.
Quyết định làm một cái điện thoại cũng được báo cho Christie biết. Ông gia nhập Apple vào những năm 90 khi công ty gặp khó khăn. Christie dẫn đầu dự án Newton, thời đó được đánh giá là một trong những thiết bị di động có tiềm năng nhất. Ông cũng từng thuyết phục Steve làm điện thoại nhiều lần nhưng chưa lần nào được chấp thuận.
Giờ thì nhóm Human Interface của ông sẽ tham gia vào làm iPhone và chuẩn bị đối mặt với những thách thức lớn nhất của họ. Nhóm tập hợp lại ở tầng 2 tại trụ sở Apple và bắt đầu làm việc trong một căn phòng kín. Jobs thích căn phòng này vì nó an toàn, không có cửa sổ và nằm ẩn đi dưới ánh mắt tò mò của người khác. Vị CEO khi đó đã định hình rằng iPhone phải thật sự bí mật. Ngay cả nhân viên dọn dẹp cũng không được bước vào. Hàng đống bảng trắng được dựng nên dọc bức tường, và những ý tưởng tốt nhất sẽ được giữ lại, không bao giờ bị xóa đi.
May mắn là Chaudhri cũng từng phát triển Dashboard, một tính năng của Mac có thể gắn widget thời tiết, chứng khoán, máy tính bỏ túi, lịch, ghi chú… Những thứ này lại vô tình là những cái mà điện thoại cần, là thứ mà Apple muốn đưa vào một thiết bị bạn có thể nhét trong túi. Thế là nhóm bắt đầu chuyển thể dần dần các widget đó vào iPhone. Và dưới áp lực muốn xem demo mọi thứ của Steve, nhóm thậm chí đã phác thảo ra biểu tượng chung cho iPhone chỉ trong 1 đêm. “Thật hài hước, hình dáng của icon app dành cho smartphone còn tồn tại đến ngày nay lại chỉ được sinh ra trong chỉ vài giờ”, Chaudhri nhớ lại.
Ngay cả quyết định làm ra màn hình chính của iPhone cũng được thử nghiệm kĩ càng dưới deadline sát đít. Thứ gì người ta muốn thấy khi vừa mở điện thoại? Một lưới ứng dụng là thứ mà người ta nghĩ ra, nhưng để chắc ăn Apple phải test kĩ trước khi đưa ra quyết định sử dụng màn hình chính với tên gọi Springboard, cũng là màn hình chính mà iPhone 7 vẫn còn đang sử dụng.
Và để chắc chắn rằng người dùng cảm thấy hài lòng, Chaudhri nhờ nhóm thiết kế công nghiệp làm ra một vài mẫu iPhone bằng gỗ để họ có thể chọn kích thước icon phù hợp nhất với ngón tay của người dùng. Nhóm cũng thử nghiệm nhiều thao tác cảm ứng đa điểm. Dần dần mọi thứ đang kết hợp lại với nhau thật nhuần nhuyễn.
Nhưng nhóm vẫn thiếu một thứ keo có thể gắn kết mọi người. Cả nhóm vẫn chưa hình dung được một cái điện thoại chỉ sử dụng màn hình cảm ứng sẽ như thế nào. Họ chỉ lo phần của riêng mình, mỗi người chịu trách nhiệm cho một mẫu ý tưởng nhỏ trong cả một phần mềm đồ sộ. Một chút này, một chút kia. Tất nhiên, khi đưa mớ này lên cho Jobs thì sẽ ăn chửi là cái chắc, ông ấy muốn một thứ hoàn chỉnh. Cũng vì vậy mà Jobs phát điên với những buổi thuyết trình của các team.
Thế rồi vào tháng 2 năm 2005, Steve ra tối hậu thư. “Các anh có hai tuần”, Steve nói, vậy là tất cả mọi người cuống cuồng làm việc để làm cho những ứng dụng này trở thành một khối thống nhất, có ý nghĩa. Họ làm việc không ngừng nghỉ để đưa ra một thứ mà Steve sẽ hài lòng, một thứ có thể xài được với nút home cứng, một thứ có thể uyển chuyển chạy trên màn hình cảm ứng.
“Chúng tôi cho Steve xem khái quát câu chuyện. Chúng tôi cho ông ấy xem home screen, cho ông ấy thấy cuộc gọi tới sẽ như thế nào, làm sao anh vào danh bạ, và Safari sẽ trông như thế này”. Cứ mỗi cái là một click. Nó không chỉ là những màn trình diễn hào nhoáng, nó là một câu chuyện”. Và Steve thích câu chuyện đó, thậm chí ông còn muốn xem lại phần demo này lần thứ hai. Sau này, ông đem nó cho nhiều nhân viên xem hơn. Steve trình diễn nó cho Top 100 nhân viên mà ông cho là xuất sắc nhất, họ thường có một lần họp bí mật tại một nơi xa trụ sở.
Với những người nhân viên này, iPhone là con đường phát triển sự nghiệp, và với Steve, phần trình bày của ông phải được cân nhắc rất kĩ vì thời điểm ra mắt đã tới gần. Ông cần phải tạo cảm hứng cho nhân viên của mình, và phải làm cho họ hiểu cái mà Steve đang làm. Cuối cùng, phần demo ở buổi họp Top 100 là một thành công lớn, và mọi người đều bị thuyết phục vì những gì Steve đang cho họ xem.
Chiếc điện thoại nào?
“Steve muốn làm một cái điện thoại, và ông muốn làm điều đó nhanh nhất có thể. Nhưng cái điện thoại đó sẽ ra sao?”.
Có 2 lựa chọn. Một: sử dụng chiếc iPod, vốn đã được yêu thích và sử dụng rộng rãi, hack nó thành một cái điện thoại. Cách này dễ hơn về mặt kĩ thuật, và Jobs cũng đang không xem iPhone như là một cái máy tính mà chỉ đơn giản xem đây là một cái điện thoại tuyệt vời. Hai: biến một cái Mac thành một chiếc máy nhỏ xíu có khả năng gọi điện. Cách này tuyệt hơn, ấn tượng hơn, nhưng lại không biết chắc có làm được hay không.
Nhóm kĩ sư thậm chí còn không biết là họ cần phải làm bao nhiêu việc, nhiều tới đâu, cần bao nhiêu thời gian. Họ cứ cắm đầu vào làm cho kịp hạn chót mà Steve đưa ra. Đó là một sự không chắc chắn, với tất cả mọi người. Nhưng rồi cuối cùng, những con người tài giỏi ấy cũng đã đem được Mac OS xuống iPhone, biến đổi nó cho phù hợp với một cái điện thoại, và để lắp ráp tất cả mọi thứ lại với nhau từ phần cứng cho tới phần mềm.
iPhone có tên mã là Purple, một cách che giấu về sản phẩm mà công ty đang phát triển. Không nhiều người nhớ vì sao cái tên này xuất hiện, họ chỉ biết rằng Apple đã từng dành riêng cả một tòa nhà chỉ để dành cho dự án iPhone mà thôi. Nếu bạn muốn bước qua những cách cửa đó, bạn phải có thẻ nhân viên, và chỉ những người được phép mới có thể đi qua. Có khả năng chữ Purple này xuất phát từ biểu tượng con kangaroo màu tím mà Scott Herz – một trong những kĩ sư đầu tiên làm việc với iPhone – sử dụng cho hệ thống theo dõi lỗi của Apple (gọi là Radar). Apple sử dụng Radar cho nhiều phòng ban khác nhau, và nếu ai đó tò mò thì có thể đi vòng vòng để xem người khác đang làm gì. Có lẽ Apple muốn tránh chuyện đó nên đã phần nào đặt tên Purple cho dự án.
Trong quá trình làm giao diện, Schiller, phó chủ tịch marketing của Apple, đã không đồng ý về việc iPhone sử dụng full cảm ứng. Ông cho rằng máy cần có bàn phím cứng vì BlackBerry cũng làm như thế và đã thành công. Ông ngoan cố với ý tưởng của mình ngay cả khi Steve Jobs đã chấp nhận việc sử dụng multi touch. Trong một cuộc họp, Schiller lại nói về chuyện này, và Steve đã tống cổ Schiller ra khỏi phòng. Họ nói với nhau ngoài hành lang: “Hoặc là anh theo dự án, hoặc là anh cút ra khỏi đây”. Schiller tất nhiên rất sợ, và phải thuận theo mọi người.
Vòng hai
Công cuộc làm ra iPhone không chỉ dừng ở phần cứng. Có cả một cuộc “thánh chiến” giữa nhóm iPod và nhóm Mac OS xoay quanh phần mềm của chiếc điện thoại này. Khi click wheel iPod bị loại bỏ và giao diện cảm ứng được chọn, câu hỏi đó là làm cách nào để xây dựng hệ điều hành cho máy đây? Điều này rất quan trọng vì nó quyết định iPhone sẽ là một món phụ kiện giống như iPod hay trở thành một chiếc máy tính di động thực thụ.
Richard Williamson nhớ lại: “Tony và nhóm của anh ấy nói rằng chúng tôi nên làm cho hệ điều hành của iPod tiến hóa lên. Còn tôi và Henri và Scott Forstall lại muốn sử dụng OS X”. Mac đã là hệ điều hành chính của Apple từ lâu. “Chúng tôi muốn dùng OS X và thu gọn nó lại”, Williamson nói.
Ông nhìn thấy được tiềm năng để iPhone trở thành một chiếc máy tính thực thụ và muốn nhét một nền tảng PC vào trong đó với đầy đủ các phiên bản app như trên Mac. Họ nắm Mac OS như lòng bàn tay vì họ là người đã tạo ra nó nhiều năm trời. “Chúng tôi chắc chắn rằng vi xử lý đủ mạnh để chạy một hệ điều hành hiện đại, và chúng tôi muốn dùng một con chip ARM cho iPhone”. Trong khi đó, nhóm iPod cho rằng chuyện này quá hoang đường và máy nên chạy một bản Linux vốn đã tương thích sẵn với chip ARM. Họ cho rằng họ rành phần mềm chạy trên những chiếc máy nhỏ, nhưng nhóm của Williamson lại xem iPhone như là một cái máy tính và nó có thể làm được điều đó. Thế là cả hai team bắt đầu một cuộc chạy đua.
Khi trình diễn thử OS X trên iPhone, nhóm OS X đã bị nhóm iPod chê cười. Thứ nhất, thời gian chạy lên quá lâu, trong khi bản Linux của iPod thì rất nhẹ và nhanh. Thứ hai, nó chạy chậm. “Chúng tôi phải chứng minh rằng OS X có thể hoạt động được với iPhone. Chúng tôi đã phải làm việc ngày đêm, tinh chỉnh cái này cái kia để biến mong muốn của mình thành hiện thực. Chúng tôi không chấp nhận để cho nhóm iPod làm ra sản phẩm trước chúng tôi đâu”.
Apple cũng từng thử nghiệm giao diện Click Wheel cho iPhone. Khi ở chế độ chơi nhạc, nó sẽ hiện vòng xoay giống như khi bạn xài iPod, tất nhiên là trên màn hình cảm ứng. Còn khi ở chế độ gọi điện, một vòng số sẽ hiện ra để bạn quay số. Đó là ý tưởng ban đầu, nhưng Steve Jobs cảm thấy cách này sẽ không dùng được trên màn hình của điện thoại, vậy nên họ cần phải thiết kế lại để nó chạy tốt hơn và thân thiện hơn.
Và khi Williamson liên kết với trưởng nhóm Ording, mọi thứ đã chạy. Thao tác cuộn mượt mà, mọi thứ di chuyển theo ngón tay đúng như ý muốn, lại thêm hiệu ứng sáng lên khi cuộn hết trang nữa. Đó là những thứ đã làm Jobs kinh ngạc, và cũng nhờ vậy mà Apple quyết định sẽ dùng OS X thay cho Linux.
Lúc này, phần mềm của iPhone sẽ được làm bởi những anh chàng OS X thuộc nhóm của Scott Forstall, còn phần cứng sẽ do nhóm của Tony Fadell chịu trách nhiệm. iPhone đã dần dần thành hình.