Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng tốc quá trình chuyển đổi số trên toàn nền kinh tế, hội nghị thượng đỉnh Số do GSMA tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ chính phủ, các bộ ban ngành và lĩnh vực công nghệ để cùng bàn luận về những thách thức lớn trong hành trình số hóa. Một trong những chủ đề trọng tâm được đề cập là nguy cơ lừa đảo ngày càng lan rộng và sự suy giảm lòng tin của người tiêu dùng – những yếu tố có thể cản trở đà phát triển của nền kinh tế số.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển dịch vụ di động nhanh chóng trong khu vực, với tiềm năng trở thành quốc gia số hàng đầu tại Châu Á – Thái Bình Dương. Lợi thế của Việt Nam đến từ tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, hạ tầng kết nối mạnh và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ. Theo chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, mục tiêu đến năm 2030 là đưa Việt Nam vào top 30 quốc gia số hàng đầu thế giới, với các chỉ tiêu cụ thể như phổ cập 5G và cáp quang trên toàn quốc, phát triển trên 100,000 doanh nghiệp công nghệ số, và xây dựng đội ngũ 1.5 triệu lao động có kỹ năng số.
Hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam cũng đang thể hiện sự sẵn sàng mạnh mẽ, khi quốc gia này dẫn đầu toàn cầu trong triển khai giao thức IPv6, với hơn 55% người dùng đã chuyển sang sử dụng. Cùng với đó, các công nghệ như AI, 5G và Open Gateway đang dần thay đổi cách thức vận hành của các ngành công nghiệp, cải thiện chất lượng dịch vụ công và rút ngắn khoảng cách số giữa các khu vực.
Tuy nhiên, quá trình phát triển số cũng đang phải đối mặt với làn sóng lừa đảo kỹ thuật số ngày càng tinh vi, đe dọa đến lòng tin của người dân và cản trở tiềm năng đổi mới công nghệ. Dữ liệu từ các báo cáo như “Nền kinh tế di động Châu Á – Thái Bình Dương”, “Các quốc gia số” và đặc biệt là báo cáo mới nhất “Hướng tới một quốc gia số toàn diện” của GSMA cho thấy: tại Việt Nam, có đến 74% người dùng sử dụng ví điện tử, nhưng 89% trong số đó lo ngại bị xâm nhập tài khoản và 95% bày tỏ quan ngại về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng.
Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của GSMA, nhận định: “Việt Nam đang ở thời điểm then chốt của quá trình số hóa. Việc phổ cập thiết bị di động và sự phát triển nhanh chóng của ví điện tử mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Tuy nhiên, các mối đe dọa về lừa đảo và đánh cắp danh tính cũng đang làm xói mòn lòng tin của người dùng. Hội nghị lần này là dịp để các lãnh đạo ngành và cơ quan quản lý cùng đưa ra những giải pháp cụ thể – từ điều chỉnh quy định đến đổi mới công nghệ chống gian lận – nhằm đảm bảo Việt Nam có một tương lai số an toàn và toàn diện.”
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp chống gian lận kỹ thuật số như xác minh giao dịch theo thời gian thực, áp dụng xác thực đa yếu tố, sử dụng giải pháp Silent OTP và tăng cường hợp tác giữa các nhà mạng, ngân hàng và các doanh nghiệp công nghệ tài chính. Một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm là tình trạng gian lận đánh tráo SIM – mối đe dọa mà 78% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại, cao hơn đáng kể so với mức trung bình trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tích hợp các công cụ bảo mật API, như sáng kiến GSMA Open Gateway, vào các ngành nghề khác nhau cũng được đưa ra như một hướng đi quan trọng để nâng cao năng lực phòng vệ an ninh số.
Một phiên thảo luận chuyên sâu đã tập trung phân tích khái niệm “nền kinh tế lừa đảo”, cảnh báo rằng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, vấn nạn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận các dịch vụ số, từ đó gây tổn hại đến nền tảng của hệ sinh thái số. Các diễn giả đồng thuận rằng cần có sự phối hợp giữa các bên để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giám sát chặt chẽ hành vi gian lận và triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Viettel – một trong những nhà mạng lớn tại Việt Nam – cũng đóng vai trò nổi bật tại hội nghị khi tích cực giới thiệu các ứng dụng thực tiễn của công nghệ 5G. Nội dung liên quan đến Viettel chiếm gần một phần ba chương trình hội nghị, cho thấy sự quan tâm lớn đối với tiềm năng của mạng di động thế hệ mới. Từ sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác cho đến các dịch vụ công, những ứng dụng này đang mang lại lợi ích rõ rệt về mặt xã hội và kinh tế. Điều này cũng phản ánh vai trò ngày càng nổi bật của Việt Nam trong khu vực, không chỉ về tốc độ triển khai 5G mà còn ở tầm nhìn dài hạn về đổi mới sáng tạo.
Mặc dù Việt Nam đang có bước tiến nhanh trong hành trình chuyển đổi số, nhưng vẫn tồn tại không ít thách thức liên quan đến việc nâng cao kỹ năng số và mở rộng vùng phủ sóng kết nối đến các cộng đồng chưa được phục vụ đầy đủ. Các đại biểu tại hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của quan hệ đối tác công – tư trong việc thúc đẩy các sáng kiến mở rộng hạ tầng di động, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân, và xây dựng một khuôn khổ pháp lý vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn thông tin.
Xuyên suốt hội nghị, chủ đề “niềm tin” luôn là điểm tựa chính trong mọi cuộc thảo luận. Dù là thúc đẩy việc sử dụng ví điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân hay nâng cao chất lượng dịch vụ công, yếu tố then chốt để đảm bảo sự thành công của tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn là duy trì được lòng tin của người dùng. Các đại biểu tham gia đã kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, nhằm thiết lập một môi trường số an toàn, minh bạch, và có khả năng chống chịu trước các mối đe dọa đang ngày càng gia tăng.
Nhằm củng cố định hướng này, GSMA cũng đã công bố việc đổi tên Diễn đàn Fintech APAC thành Diễn đàn Fintech ASEAN. Động thái này thể hiện cam kết tập trung hơn vào hợp tác nội khối ASEAN trong việc đối phó với các hình thức gian lận và lừa đảo ngày càng phức tạp, đồng thời ngăn chặn việc lan truyền các hành vi gian lận xuyên biên giới ra ngoài khu vực. Vòng thảo luận đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn Fintech ASEAN cũng đã được tổ chức ngay bên lề hội nghị, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo từ các lĩnh vực tài chính, viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước để cùng tìm kiếm giải pháp đối phó hiệu quả với các mối đe dọa chung, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ngành công nghệ tài chính được nhấn mạnh là một mắt xích quan trọng trong bức tranh kinh tế số tại Việt Nam. Không chỉ đóng vai trò mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, lĩnh vực này còn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Trong bối cảnh ví điện tử đang phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao về sự an toàn và liền mạch trong các giao dịch, Việt Nam được xem là môi trường lý tưởng để khởi động các sáng kiến bảo vệ niềm tin vào dịch vụ tài chính số trên quy mô toàn khu vực ASEAN.
Hội nghị thượng đỉnh Số do GSMA tổ chức tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng đối thoại, hành động và đổi mới cho các bên liên quan trong hệ sinh thái số. Thông qua việc nêu bật những thành tựu, ưu tiên chiến lược của Việt Nam, cùng với các dữ liệu nghiên cứu khu vực và toàn cầu mới nhất, hội nghị đã góp phần vạch ra con đường hướng tới một tương lai số toàn diện, đáng tin cậy và phát triển bền vững.