Sở hữu những thiết kế, công năng cho đến kỹ thuật công nghệ đáng chú ý thì đây là 5 mẫu xe đã góp phần định hình và khẳng định xu hướng xe thế giới.
Từ thiết kế, công năng cho đến kỹ thuật công nghệ, nếu năm chiếc xe trong bài viết này không mở đường đi tiên phong, thì dám khẳng định, xu hướng và tình hình thị trường ô tô toàn cầu ở thời điểm hiện tại sẽ rất khác. Trong đó, có chiếc rất giản dị nhưng lại định hướng được tương lai, còn có chiếc thì định hình được cả phong cách thiết kế để những mẫu xe ra mắt sau này học hỏi. Gọi chúng là những cỗ máy tiên phong, có lẽ cũng không phải nói quá.
Lamborghini Countach
Ở cái thời những chiếc “siêu xe” thường là những mẫu Grand Tourer với những đường nét sexy, tính từ hợp lý nhất để mô tả những đường cong mà các nhà thiết kế từ Aston Martin , Lotus hay Ferrari tạo ra, thì những đường phác thảo của nhà thiết kế lỗi lạc Marcello Gandini tạo ra cho chiếc Countach lại đi theo một định hướng hoàn toàn khác. Những đường thẳng sắc lạnh biến Countach trở thành hình ảnh một lưỡi kiếm vút đi trong gió. Cũng nhờ thiết kế như thế này, những chiếc siêu xe ra mắt về sau cũng được đánh giá bằng một yếu tố mới: Độ ngầu của dáng xe.
Countach không chỉ tạo ra “vẻ đẹp” định hình thiết kế siêu xe về sau, mà chính bản thân cách các kỹ sư thiết kế nó cũng tạo ra xu hướng mới. Nhờ vào việc đặt radiator làm mát ở sườn xe, mũi xe có thể sở hữu số đo cực nhỏ, làm lợi cho tổng quan thiết kế và khí động học. Và kết hợp khối động cơ V12 đặt dọc, hệ thống truyền động bánh sau hướng về phía đầu xe, trọng tâm của Countach được đẩy về gần vị trí chính giữa chiếc xe, và cùng lúc cũng đẩy luôn vị trí ngồi của người lái lên phía trước. Năm 1974, thiết kế này đảo ngược hoàn toàn bố cục của một chiếc ô tô thể thao. Còn bây giờ, giống hệt như thiết kế của Countach, chúng ta có không ít huyền thoại khác: Ferrari F40, McLaren F1, hay chính bản thân những chiếc Lamborghini đương đại như Huracan và Aventador. Và thêm một điểm nữa, cũng nhờ Countach, giờ siêu xe đều phải dùng cửa cắt kéo, như thể các hãng sợ người ta không biết đó là siêu xe…
Range Rover
Range Rover không phải chiếc xe đa dụng đầu tiên. Trước đó, những chiếc Jeep Wagoneer đã được tạo ra để phục vụ mục đích tương tự rồi. Nhưng chỉ đến khi Range Rover ra mắt, thì mọi người mới được trải nghiệm cái chất thể thao cao cấp kết hợp với sự tiện nghi. Dù sao đi chăng nữa, Land-Rover cũng là đơn vị cung cấp xe cho hoàng gia Anh Quốc mà. Trước Range Rover, những mẫu xe đa dụng thường có thiết kế già cỗi, chứ không hề đơn giản đến mức tinh tế như chiếc Range Rover Classic ra mắt năm 1969.
Không có chiếc xe tạo ra xu hướng kết hợp sự tiện nghi trong nội thất với khả năng chinh phục mọi cung đường như thế này, thì giờ chúng ta cũng sẽ chẳng thể trải nghiệm được những chiếc SUV cao cấp từ rất nhiều những thương hiệu khác: Mercedes, BMW, Porsche, hay thậm chí là cả Lamborghini với chiếc Urus, hay sắp tới là cả Ferrari với chiếc Purosangue nữa.
Austin Mini
So với cái kích thước nhỏ nhắn xinh xắn của Mini, thì giá trị văn hóa những chiếc xe “con cóc” của người Anh lưu giữ và truyền lại cho những thế hệ ô tô sau này là quá lớn. Volkswagen Beetle có thể là chiếc xe nổi tiếng hơn trên màn ảnh, nhưng tác động của triết lý thiết kế của chiếc Austin Mini đối với những chiếc ô tô của tương lai lại lớn hơn rất nhiều. Hãy nhìn ngay vào chiếc Golf, hậu bối trực tiếp của Volkswagen Beetle là anh em sẽ thấy: Cũng là động cơ 4 xy lanh đặt ngang ở đầu xe, truyền động bánh trước,… và quan trọng nhất là tạo ra một trải nghiệm xe phục vụ hoàn hảo nhu cầu hàng ngày.
Vô vàn những chiếc xe gia đình ra mắt về sau đều dùng đúng bố cục thiết kế của Mini Cooper, kể cả Morning và i10 vô cùng quen thuộc với anh em chẳng hạn. Chỉ có điều, không một chiếc xe nào của thời điểm hiện tại có thể làm được thứ mà nhà thiết kế Alec Issigonis đã thành công hàng chục năm trước: 80% tổng không gian nội thất xe là dành cho hành khách. Và cũng có rất ít chiếc xe bình dân nào đủ sức trở thành một biểu tượng như Mini Cooper.
Toyota Prius
Chiếc xe đầu tiên nào đem xu hướng điện hóa tới số đông? Dám khẳng định đó không phải Tesla, mà thay vào đó là một chiếc xe phổ thông của Toyota: Prius. Với phát súng mở màn mang tên Prius, cùng xu hướng lo ngại cho tốc độ ấm lên toàn cầu, chúng ta đang đứng trước một bước chuyển không thể ngăn cản: Điện hóa xe hơi.
Dù vậy, cũng không thể bỏ qua thực tế là chiếc xe phổ thông của Toyota không có những đường nét thiết kế đủ sức biến nó trở thành một mẫu xe cổ điển. Thậm chí vài đời Prius còn phải thừa nhận là thiết kế xấu. Nhưng hệ thống hybrid kết hợp động cơ đốt trong và động cơ điện lại là thứ giúp Prius trở thành một phương tiện định hình được tương lai.
Porsche 959
Cùng thời điểm ra mắt với Ferrari F40, một chiếc siêu xe có những trang bị cơ bản nhất, thậm chí thô sơ nhất để chinh phục tốc độ, thì Porsche 959 lại giống một chiếc xe đến từ một bộ phim khoa học viễn tưởng: Dẫn động 4 bánh có thể lập trình, giảm chấn điều chỉnh được độ cao, động cơ tăng áp kép, có cả cảm biến theo dõi áp suất lốp, và thân vỏ sử dụng những chất liệu mới toanh để đạt được trọng lượng ưng ý.
Nếu những chiếc siêu xe hiệu suất cao nhất thời điểm bấy giờ đều là những phiên bản “hiệu năng thấp hơn” của những mẫu xe đua của các hãng để đảm bảo vận hành hàng ngày hoàn hảo, thì 959 là một định hướng ngược lại hoàn toàn. Nó giống như một nền tảng thử nghiệm về mặt kỹ thuật để sản xuất ra những chiếc xe thương mại hiệu suất cao, cùng lúc đủ khả năng tạo ra một cỗ máy để đem thi đấu tại các cuộc đua (chiếc 961 chính là phiên bản xe đua của 959). Nhờ học theo quy trình phát triển cỗ xe 959, mà giờ đây các hãng có được những tuyệt phẩm như Nissan GT-R, Bugatti Veyron, hay gần đây có SF90 Stradale của Ferrari chẳng hạn.