LG G5 là chiếc điện thoại dạng module đầu tiên trên thế giới, nhưng đến khi Moto Z được ra mắt thì kiểu thiết kế này mới trở nên thiết thực hơn. LG G5 vẫn được đánh giá tốt nếu không có module, liệu Moto Z có được như vậy?
Kiểu kết nối giữa Moto Z và các Moto Mods được xem là thiết thực hơn vì các Mod này được gắn vào dưới dạng một nắp lưng của chiếc điện thoại, dễ dàng tháo lắp mà không ảnh hưởng đến việc sử dụng. Thật không công bằng nếu đánh giá một chiếc điện thoại dạng module mà không bao gồm các module của nó. Nhưng vì giá bán của các Moto Mods khá cao nên liệu chỉ mua chiếc điện thoại Moto Z về để dùng thì có còn thú vị như bản ngã của nó?
Thiết kế đẹp, cầm hơi cấn tay
Một điều không thể phủ nhận khi nhìn qua tổng thể chiếc Moto Z rằng nó rất đẹp. Moto Z được thiết kế theo kiểu của các điện thoại trước đây, tức sẽ có một khung sườn kim loại chạy dọc quanh thân máy, màn hình và mặt lưng sẽ được ép vào trước và sau. Kiểu thiết kế này khiến cho Moto Z lộ khá nhiều chỗ ghép nối giữa các chi tiết, mức độ hoàn thiện sản phẩm trên chiếc điện thoại này chỉ đạt mức khá tốt.
Kiểu thiết kế như trên khiến cho mặt lưng của chiếc điện thoại này nó hơi thấp hơn so với cạnh sườn, điều này lại ảnh hưởng khiến cho cảm giác cầm trên tay hơi cấn lấn, không thân thiện. Dù vậy, khi bạn gắn tấm ốp lưng trong bộ Moto Mods vào thì mọi thứ tốt hơn hẳn, thân thiện với tay hơn khi cầm. Một điểm nhấn ấn tượng ở mặt lưng là cụm camera, mặc dù lồi khá nhiều nhưng cả đèn flash được gom chung vào cụm này đồng thời được bao quanh viền kim loại, được làm hơi nhô hơn so với mặt kính, điều này vừa bảo vệ tốt vừa tăng tính thẩm mỹ rất cao.
Mặt trước của chiếc Moto Z rất nhiều chi tiết và khá rối rắm. Phần bên trên, chiếc loa thoại thực sự rất rất “lạc trôi” so với phần còn lại, nếu sờ vào thì nó lồi lên kha khá, sẽ tốt hơn nhà sản xuất này thiết kế kiểu loa thoại ẩn bên dưới.
Một điểm mà mình rất khó hiểu tiếp theo và cũng khiến cho mặt trước rất rối là phần bên dưới của chiếc máy này. Tổng cộng tại vị trí này bạn sẽ có một cảm biến vân tay (chỉ để đọc vân tay vì 3 phím điều hướng được đặt trong màn hình), logo “moto”, 2 cảm biến hồng ngoại, 2 mic thoại. Cảm biến hồng ngoại phục vụ cho Moto Display, nhưng mình ước gì nhà sản xuất này cho 3 phím điều hướng ra ngoài, bỏ bớt logo Moto đi thì chiếc máy sẽ tạo cảm tình tốt hơn.
Màn hình hiển thị đẹp, vẫn còn đặc trưng của AMOLED
Moto đã thay đổi tấm nền trên điện thoại của họ liên tục trong mấy năm qua, từ AMOLED sang IPS rồi lại quay về AMOLED. Về chất lượng hiển thị của màn hình này rất tốt, đẹp, thích mắt, mặc dù dùng tấm nên AMOLED nhưng lại không quá rực rỡ. Nếu thấy sự khác biết giữa Note 7 và Note 5 như thế nào thì Moto Z cũng như vậy. Tuy nhiên vẫn còn đó những đặc trưng của tấm nền AMOLED, độ bão hoà hơi cao hơn so với những máy IPS.
Moto Z có màn hình 5.5 inch, tấm nèn AMOLED cùng với độ phân giải 2560 x 1440, không có gì để phàn nàn về độ nét của hình ảnh trên màn hình này. Việc chuyển sang AMOLED cũng là một điều dễ hiểu, tấm nền này sẽ giúp cho Moto Z đạt được độ mỏng cần thiết để không quá cồng kềnh khi kết hợp với các Moto Mods. Thực tế khi mình dùng với các Mods thì độ dày tổng thể lúc này vẫn ổn, không quá mức dày cộm.
Không cần bận tâm về thông số cấu hình
Có một sự thật là từ khi nhận chiếc máy này đến khi thực hiện bài viết này thì mình chẳng màng bận tâm đến thông số cấu hình của chiếc điện thoại này. Một flagship cuối năm 2016 cộng hưởng với giao diện Android gốc của Google cho một tốc độ xử lý rất nhanh. Mọi thao tác từ nhẹ đến nặng đều được xử lý tốt, nhanh chóng.
Moto Z được trang bị con chip Snapdragon 820, 4GB RAM và bộ nhớ trong chuẩn UFS 2.0. Cấu hình này giúp Moto Z đạt được trên 120 ngàn điểm Antutu, một con số rất cao đối với nhu cầu của một người dùng thông thường. Mình đặc biệt ấn tượng về chuẩn bộ nhớ UFS 2.0 được sử dụng trên Moto Z, tốc độ truy cập dữ liệu hay mở ứng dụng nhanh hơn rất nhiều, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến trải nghiệm của người dùng. Dễ hình dung hơn thì nó giống như việc bạn chuyển sang dùng ổ cứng SSD từ HDD vậy.
Chạy Android gốc là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu. Điểm mạnh là chiếc Moto Z chắn chắc sẽ là một trong những chiếc máy được lên Android 7 sớm nhất. Điểm chưa ngon ở đây là giao diện Android gốc sẽ dễ gây nhàm chán đối với những bạn thích vọc vạch trên Android, cách khắc phục là có thể cài thêm bộ giao diện Nova Launcher hay cái nào đó tương tự mà bạn thích, còn nếu bạn cảm thấy hài lòng với giao diện gốc thì không cần bận tâm.
Camera tốt nhưng không quá nổi bật trong phân khúc
Sở hữu một phần cứng khá ấn tượng với camera sau 13Mp khẩu độ 1.8, đi cùng với đó là đèn laser hỗ trợ lấy nét và chống rung quang học OIS. Về tổng thể thì camera của Moto Z khá tốt trong các hoàn cảnh khác nhau, tốc độ chụp và lưu file thì hơi chậm hơn những máy khác trong cùng phân khúc, bạn cần 0.5 giây delay giữa 2 lần bấm chụp.
Chất lượng ảnh từ camera là khá tốt, nhưng nhìn chung thì nó vẫn không quá nổi bật nếu so với các đối thủ trong phân khúc 17 triệu đồng. Ưu điểm của camera này là độ nét và chi tiết của bức ảnh rất tốt, ở cả những tấm chụp cảnh rộng, close-up, cũng như khẩu độ lớn và OIS phát huy rất tốt trong hoàn cảnh thiếu sáng. Màu sắc của ảnh từ camera này có phần hơi rực so với thực tế, ảnh xem trên màn hình Moto Z sẽ trông rực rỡ, thích mắt hơn khi xem trên máy tính.
Để cải thiện hơn, dĩ nhiên chúng ta sẽ cần tới Mod Camera cho Moto Z mà mình sẽ nói đến trong bài viết khác.
Vân tay nhạy, có thể dùng để tắt màn hình
Vân tay trên Moto Z được thiết kế dạng hình vuông, nằm ở mặt trước. Vân tay này không phải là phím cứng mà chỉ là một cảm biến thông thường. Chức năng của vân tay ngoài dùng để unlock máy thì còn để …. tắt màn hình. Khi màn hình tắt, bạn đặt tay vào cảm biến vân tay thì máy sẽ sáng lên và unlock máy. Còn khi đang sử dụng, bạn giữ tay trên cảm biến này khoảng nửa giây, máy sẽ tắt màn hình, có rung nhẹ để báo hiệu. Tốc độ nhận diện vân tay là rất tốt và nhanh, máy cũng sẽ rung nhẹ để báo hiệu nhận diện thành công.
Pin đủ dùng với cường độ vừa phải
Viên pin 2,600 mAh trên một chiếc máy 5.5″ độ phân giải 2K tỏ ra khá đuối. Thời lượng pin sử dụng của chiếc máy này không tương xứng với một chiếc máy flagship. Chiếc máy này chỉ cho thời gian onscreen khoảng 3,5 giờ.
Đây lại là một hệ quả đến từ thiết kế mỏng của chiếc điện thoại này, khiến cho không đủ khoảng trống để tăng dung lượng pin nhưng cũng chính vì thế mà Mod pin cho máy sẽ phát huy hiệu quả nếu bạn kết hợp chúng với nhau.
Mặt lưng làm bằng kính có một điểm trừ là dễ bám vân tay và nhiệt độ toả ra cũng tương đối nếu dùng tác vụ nặng. May thay, công nghệ Turbo Charge cho phép bạn sạc trong 30 phút kể từ cạn pin sẽ có khoảng 50% và khoảng 1giờ 15phút để đầy pin.
Tạm kết
Không thể vội vàng kết luận Moto Z là một chiếc máy tốt hay không nếu không thử nghiệm với các Moto Mods. Nhưng nhìn chung, Moto Z đứng riêng mình nó thì chỉ dừng lại ở mức ổn, sức hút về sự thú vị của nó giảm đi khá nhiều. Mình sẽ thử nghiệm Moto Z với các Mods của nó để có một cái nhìn chính xác hơn về chiếc máy này.
Leak một chút về bài thử nghiệm với Mod loa JBL 😀