Razer Core X Chroma có thể nói là “phụ kiện” đắt tiền nhất dành cho laptop từ trước đến nay. Nó là một eGPU giúp laptop kết nối với một card đồ họa rời chỉ cần thông qua qua cổng Thunderbolt-3 thì sức mạnh đồ họa sẽ được tăng lên đáng kể. Ngoài việc tăng sức mạnh, nó còn đi kèm vài cổng kết nối USB giúp cho các laptop mỏng, nhẹ và thiếu cổng kết nối trở nên toàn vẹn hơn. Tuy vậy, Razer Core X Chroma vẫn còn vài hạn chế lớn khiến cho nó ít có thể thành công như mong muốn của nhà sản xuất.
Điểm tốt:
- Bổ xung thêm cổng USB mạnh mẽ cho laptop
- Hiệu ứng ánh sáng Chroma tinh tế
- Tăng đáng kể sức mạnh đồ họa cho laptop chỉ với một dây kết nối
Điểm chưa tốt:
- Đắt hơn $100 so bản Core X thường
- Nghẽn cổ chai hiệu năng GPU do hạn chế trên tiêu chuẩn Thunderbolt-3
Giống như bất kì các eGPU khác, Razer Core X Chroma vừa hứa hẹn các tiềm năng nó đem lại nhưng cũng có vài hạn chế nhất định. Đối với máy tính Windows, bạn sẽ cần phải có cổng Thunderbolt-3 và card đồ họa NVIDIA hoặc AMD, tuy nhiên với người dùng macOS thì chỉ có duy nhất AMD mà thôi.
Razer Core X Chroma sẽ đi kèm với nguồn 700W, mặc dù bị giới hạn ở mức sử dụng 500W nhưng phần công suất tăng thêm sẽ được dùng cho bốn cổng USB 3.1 ở mặt sau, để có thể được sử dụng cho các thiết bị ngoại vi như chuột và bàn phím.
Việc trang bị thêm cổng kết nối là một điểm cộng, khi hầu hết laptop có cổng Thunderbolt 3 sẽ cắt giảm đi bớt các cổng kết nối khác. Razer Core X Chroma còn có cả cổng Ethernet để tăng tốc độ tải và giảm khả năng giật/lag khi chơi game với kết nối Wi-Fi. Tất cả các cổng và kết nối bổ sung này có nghĩa là bạn có thể sử dụng Core X Chroma như là một dock, kết nối với chuột, bàn phím, màn hình ngoài và kết nối mạng có dây được cắm vào nó, thay vì phải kết nối tới laptop ít cổng của bạn.
Razer Core X Chroma cũng sẽ có kèm đèn LED nhiều màu của Razer, nó sẽ kết hợp tốt với các sản phẩm của Razer khác và đồng bộ màu qua phần mềm Synapse. Mặc dù trông có vẻ thừa thải, nhưng khi nhìn chiếc card đồ họa sáng các đèn trang trí lúc nào cũng đem lại cảm giác rất “sướng”.
Razer Core X Chroma trong bài đánh giá được đi kèm RTX 2070 để TheVerge trải nghiệm nhưng đã được tác giả thay bằng RTX 2080 Ti mạnh mẽ hơn. Việc thay thế GPU bên trong cũng tương đối đơn giản, bạn gạt một cái cần của Razer Core X Chroma rồi kéo ra, sau đó đặt GPU bạn muốn thay vào khe PCIe rồi đẩy vào khớp kết nối, khi nghe “cạch” là đã xong và bạn chỉ cần bắt vít vào là xong.
Thử nghiệm Razer Core X Chroma với chiếc laptop cấu hình thấp nhất của Razer là Razer Blade Stealth, chiếc laptop này vẫn còn sử dụng card đồ họa tích hợp. Mặc dù là một laptop chơi game nhưng Razer Blade Stealth khó có thể chơi các tựa game AAA mới nhất – là một đối tượng thử nghiệm hoàn hảo. Bạn có thể kết nối ra màn hình ngoài để trải nghiệm game tốt hơn, nhưng bạn cũng có thể không kết nối cũng được. Nhưng một lưu ý là trong tài liệu của Razer thì Razer Core X Chroma sẽ không tăng hiệu năng chơi game trên màn hình laptop MacBook, vì vậy bạn cần kết nối màn hình bên ngoài với MacBook để có thể tăng hiệu năng.
Quay trở lại với Razer Blade Stealth và Razer Core X Chroma, ở tựa game Prey and Rage 2 thì tốc độ khung hình luôn giữ ở mức 60FPS, thiết lập cấu hình tối đa. Màn hình của Razer Blade Stealth chỉ có độ phân giải 1080p, 60Hz nên tác giả đổi sang Razer Blade 15 với 144Hz. Tiếp tục thử nghiệm với hai tựa game trên cùng với Apex Legends và Shadow of the Tomb Raider, tất cả đều ổn định ở 60FPS và đôi khi còn nhảy lên 100FPS. Tuy nhiên, chưa có tựa game nào thật sự đạt được mức làm tươi 144Hz và RTX 2080 Ti là GPU mạnh nhất hiện tại, nên có thể nói cổng Thunderbolt-3 đã làm thắt nút cổ chai hiệu năng của nó.
Mặc dù hỗ trợ chuyển dữ liệu nhanh, nhưng Thunderbolt-3 chỉ hỗ trợ 4 làn băng thông GPU qua PCIe, trong khi đó bo mạch chủ máy tính desktop thông thường có đến 16 làn. Ngoài ra cần phải cân nhắc cổng Thunderbolt-3 trên một số laptop hỗ trợ còn ít hơn 4 làn nên bạn cần phải tìm hiểu kĩ từ nhà phát hành. Ngoài ra nếu sử dụng màn hình laptop để chơi game, cổng Thunderbolt-3 của máy sẽ phải đảm nhận tận 2 vai trò: gửi dữ liệu tới GPU để xử lý, sau đó nhận lại dữ liệu đã xử lý để hiển thị. Thế nên chơi các tựa game nặng, đặc biệt game có khối lượng công việc xử lý khổng lồ thì ngay cả các card đồ họa mạnh nhất cũng sẽ phải vật lộn để hiển thị tốc độ khung hình thực sự ấn tượng.
Tóm gọn lại, ý tưởng sử dụng eGPU rời như Razer Core X Chroma để tăng hiệu năng chơi game cho các laptop hạn chế cấu hình là một ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên công nghệ hiện tại vẫn chưa cho phép đưa ý tưởng này thật sự hiệu quả. Razer Core X Chroma bản thân nó đã làm tốt vai trò của một chiếc card đồ họa, nhiều tiềm năng để trở nên tốt hơn nhưng chúng ta có lẽ phải chờ đợi tương lai khi mà bỏ đi các giới hạn thì mới thật sự đem lại hiệu quả tối đa.
eGPU đã rất tốt, giờ đến lúc chờ đợi Thunderbolt-4 hoặc một tiêu chuẩn mới tốc độ cao hơn Thunderbolt-3.