Một loại mắt nhân tạo mới được tạo ra bằng cách kết hợp các thiết bị điện tử cảm nhận ánh sáng với mạng lưới thần kinh trên một con chip nhỏ, đem đến cho nó khả năng nhận diện thứ mà nó đang quét với tốc độ lên đến nano giây.
Computer vision – lĩnh vực “Thị giác máy tính” một lĩnh vực bao gồm các phương pháp thu nhận, xử lý ảnh kỹ thuật số, phân tích và nhận dạng các hình ảnh,nói chung là dữ liệu đa chiều từ thế giới thực để cho ra các thông tin số hoặc biểu tượng trên máy tính, hoặc một hành động nào đó. Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực này đã đạt được nhiều đột phá và cho ra các sản phẩm ấn tượng như robot làm việc hay xe tự lái.
Tuy nhiên thông thường thì hầu hết các tác vụ nhận dạng hình ảnh cần rất nhiều sức mạnh tính toán để làm việc. Một phần của các vấn đề chính là hiện tượng thắt cổ chai lượng dữ liệu từ bên trong vi xử lý thông thường của cảm biến. Lượng dữ liệu này là rất lớn và chỉ một số dữ liệu là hữu ích và số còn lại đôi khi không. Việc “nghiền” các dữ liệu này ra để phân tích là rất lâu.
Nhưng một tin vui là các nhà nghiên cứu tại Viện Lượng tử Ánh sáng Vienna, Áo đã tạo ra một loại mắt nhân tạo mới, kết hợp các linh kiện cảm biến ánh sáng cùng với một mạng lưới thần kinh (neural network) và đặt cả hai trên một con chip nhỏ. Con mắt này có khả năng xử lý hình ảnh cực kỳ nhanh lên đến vài nano giây, thậm chí còn nhanh hơn cả các cảm biến hình ảnh mà khoa học đang sở hữu. Nhóm nghiên cứu đã vận dụng khả năng xử lý trước thông tin hình ảnh từ mắt động vật trước khi truyền các dữ liệu này đến bộ não.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng con chip từ một tấm vonfram diselenide chỉ dày một vài nguyên tử, được khắc bằng các điốt nhạy sáng. Sau đó các nhà khoa học đã kết nối với các điốt để tạo thành mạng lưới thần kinh. Vật liệu được sử dụng để chế tạo chip đem đến cho nó các đặc tính điện tử đặc biệt độc đáo, để mà độ nhạy sáng của các điốt có thể được tinh chỉnh chính xác. Bằng cách này, chip thông minh đã được đào tạo để nhận ra những chữ cái n, v và z được viết cách điệu.