Vừa mới được phát hành vào hôm 20/4 vừa qua, tuy nhiên tựa game Call of Duty: Mobile VN đã bắt đầu xuất các thành phần gian lận và thậm chí là còn rất lộ liễu.
Call of Duty: Mobile được cộng đồng game thủ đón chờ rất nhiều từ những ngày đầu tiên các nhà phát hành Activision, TiMi Studios, Tencent Games rục rịch hé lộ những thông tin ban đầu từ game. Cộng đồng game thủ Việt Nam lúc đó cũng rất hào hứng và thậm chí còn vui hơn khi nghe tin VNG sẽ phát hành một server riêng tại Việt Nam. Nhưng chưa phát hành được bao lâu, bên cạnh việc quá tải vì nhiều người chơi thì game thủ Việt còn “quá tải” tâm trạng vì đã bắt đầu xuất hiện lượng lớn người chơi gian lận.
Chỉ cần tìm kiếm Google hoặc YouTube cụm từ “hack call of duty mobile vn” thôi đã xuất hiện hàng loạt các kết quả. Thậm chí cả nền tảng iOS vốn rất khó để hack và là hệ điều hành kín cổng cao tường vẫn có kết quả hack.
Thực tế không chỉ có mỗi phiên bản Việt Nam mà trước đó game thủ Việt đã bắt đầu lo lắng tựa game này sẽ xuất hiện hack giống như nhiều tựa game bắn súng trên mobile trước đây. Call of Duty: Mobile VN bây giờ hay Call of Duty Mobile quốc tế đều đã bắt đầu có một bộ phận game thủ gian lận và chia sẻ các bản hack trong những nhóm riêng. Đặc biệt hơn bộ phân game thủ này còn không hề ngại ngùng mà thậm chí chia sẻ công khai lẫn livestream hành vi gian lận của mình.
Không chỉ riêng Call of Duty: Mobile, nhiều tựa game khác cũng đã gặp rất nhiều hack như Crossfire Legends, Rules of Survival, PUBG Mobile, Free Fire và thậm chí còn có một số tựa game đã bị huỷ hoại vì hack, trước đó là Chiến Dịch Huyền Thoại. Nói tới cộng đồng game thủ Việt, một số người chơi vẫn còn mang tư tưởng bênh vực cho hack và cổ suý cho những kẻ gian lận này. Với các suy nghĩ “nó hack được thì mình cũng hack được”, hoặc do không thể hoàn thành các yêu cầu của game dẫn tới tình trạng tụt lại phía sau và bắt đầu tìm tới hack thì lâu dần những người chơi này sẽ bắt đầu lạm dụng các phần mềm gian lận.
Mặc dù các tựa game lớn đều được phát hành bởi những cái tên hàng đầu như những tựa game kể trên đều được phát triển và phát hành bởi những “ông lớn” như Tencent và Netease. Đây là hai trong số các công ty phát hành game lớn bậc nhất Trung Quốc nhưng các tựa game của họ đều liên tục gặp hacker. Điều này cho thấy dù cho các nhà phát hành có lớn và ra sức đến đâu, người chơi vẫn sẽ có cách để khai thác lỗi và gian lận. Lúc này nếu thực sự cộng đồng game thủ muốn tạo nên một môi trường cân bằng, đúng chất là thi đấu thể thao điện tử thì buộc phải giữ ý thức chung. Nhưng có vẻ đây chỉ là điều “hão huyền” khi vẫn có nhiều người vẫn muốn vượt lên tất cả, bá đạo nhất, đỉnh nhất mà không phải bỏ ra sức lực và tìm đến hack.