3 đại sứ người sáng tạo thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

YouTube vừa công bố danh tính 3 nhà sáng tạo được lựa chọn trở thành Đại sứ của chương trình Người Sáng Tạo Thay Đổi YouTube, gồm Giang Ơi, Vlog 1977 và Tizi Đích Lép. 

Sở hữu ý tưởng xuất sắc nhất về dự án tạo tác động xã hội thuộc hai chủ đề nâng cao vị thế phụ nữ và chống bạo lực mạng, 3 nhà sáng tạo YouTube Việt, Giang Ơi, Vlog 1977 và Tizi Đích Lép đã được lựa chọn để trở thành những Đại Sứ của chương trình Người Sáng Tạo Thay Đổi YouTube đầu tiên tại Việt Nam.

Tháng 1/2020, 3 Đại sứ Người Sáng Tạo Thay Đổi của Việt Nam đã cùng 10 Đại sứ khu vực Châu Á Thái Bình Dương tham gia Trại Tác Động Xã Hội diễn ra tại Bangkok, Thái Lan để được cố vấn bởi các chuyên gia cho dự án của mình. Các video trong dự án của các Đại sứ sẽ được công chiếu vào tháng 4/2020.

Trước khi tham gia chương trình, cả 3 nhà sáng tạo đều đã tạo ra được những ảnh hưởng đáng chú ý với công chúng Việt.

3 đại sứ người sáng tạo thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

Giang Ơi – Biến sức mạnh cộng đồng thành động lực cá nhân cho phụ nữ Việt

Giang Ơi bắt đầu hành trình trở thành một nhà sáng tạo YouTube của mình từ năm 2015 khi còn là một du học sinh. Những câu chuyện Giang Ơi chia sẻ qua các video phản ánh tư tưởng của một phụ nữ trẻ thành thị hiện đại, truyền cảm hứng cho đông đảo các bạn nữ theo dõi kênh của cô. Trong 4 năm làm YouTube, Giang Ơi tiếp tục mở rộng những chủ đề về phong cách sống, kỹ năng mềm, chia sẻ quan điểm về tình yêu và các mối quan hệ, đến nay, cô đã có hơn 1.17 triệu lượt đăng ký trên kênh của mình và trở thành một trong những nữ vlogger thành công nhất tại Việt Nam.

Một trong những đặc trưng nổi bật của kênh Giang Ơi là tư tưởng nữ quyền. Bản thân Giang là một cô gái có phong cách mạnh mẽ, cá tính, với tư duy và cách suy nghĩ hiện đại. Giang đã truyền cảm hứng cho các khán giả nữ của mình về cách tự yêu bản thân, cách suy nghĩ tích cực, kiểm soát cảm xúc và làm chủ cuộc đời mình để có được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Có lẽ vì vậy nên khi quyết định tham gia chương trình Người Sáng Tạo Thay Đổi lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Giang đã lựa chọn chủ đề nâng cao vị thế phụ nữ. Bài dự thi của cô với ý tưởng sáng tạo độc đáo dựa trên những hiểu biết sâu sắc về chủ đề và đối tượng khán giả nữ của mình đã xuất sắc được lựa chọn trở thành 1 trong 3 đại sứ đầu tiên tại Việt Nam.

Đối với dự án của mình, định hướng của Giang Ơi là khai thác sức mạnh và cảm hứng từ cộng đồng để tạo nên những nỗ lực cá nhân. Giang sẽ thu thập những tâm tư, khao khát, nỗi sợ và ước mơ, bất cứ điều gì mà các khán giả nữ của cô đang ấp ủ. Cô sẽ kêu gọi họ gửi về một cách ẩn danh và đọc lên trong các video của mình. Thông qua những video như thế, Giang muốn cho các khán giả nữ của mình biết rằng họ không đơn độc, và nỗi sợ, nỗi lo lắng của họ cũng là nỗi sợ, nỗi lo của rất nhiều người. Và từ đó, cô hy vọng họ có thể vượt qua những nỗi sợ của mình để theo đuổi cuộc sống họ muốn. 

3 đại sứ người sáng tạo thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

Vlog 1977 – Nâng cao vị thế phụ nữ qua “người đàn bà làng chài” 
 

Năm 2019, YouTube Việt chứng kiến sự nổi lên của một cái tên mới, Vlog 1977. Thành lập từ tháng 8/2019 với vỏn vẹn 6 video tính đến nay, nhưng Vlog 1977 đã thực sự trở thành một hiện tượng mạng với hơn 1,75 triệu lượt đăng ký kênh và trung bình hơn 10 triệu lượt xem mỗi video. Các video của Vlog 1977 được thực hiện theo kiểu phim xưa, từ hiệu ứng hình ảnh, bối cảnh, trang phục, âm thanh đến cách đọc thoại của các nhân vật, dựa trên chất liệu văn học Việt Nam hiện đại. 

Điểm hấp dẫn khiến các video của Vlog 1977 được đông đảo giới trẻ Việt Nam yêu thích là cách xây dựng câu chuyện kết hợp với các chất liệu thời sự, phản ánh các xu hướng hiện tại, những câu thoại triết lý một cách hài hước tạo được hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội. Một trong những tư tưởng hiện đại nổi bật được thể hiện trong các video của Vlog 1977 là sự trỗi dậy của phái nữ. Những nhân vật nữ quen thuộc với hàng chục thế hệ học sinh Việt Nam như cô Mị trong Vợ chồng A Phủ, chị Dậu, cái Tý trong Tắt đèn đã được Vlog 1977 cho một câu chuyện khác, với một cái kết có hậu hơn, nơi họ đã giành lấy quyền làm chủ cuộc đời mình. 

Lần này, tác phẩm đã đưa Vlog 1977 trở thành Đại sứ Người Sáng Tạo thay đổi cũng là một trong những người phụ nữ “nổi tiếng” nhất trong chương trình Ngữ Văn lớp 12, người đàn bà làng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Nhân vật người phụ nữ trong tác phẩm truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu lam lũ, vất vả, cam chịu, và là nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ là nhân vật tiếp theo được Vlog 1977 cho một cái kết mới, giải thoát khỏi những bi kịch và vòng luẩn quẩn của số phận, truyền tải thông điệp riêng của nhóm về nâng cao vị thế phụ nữ Việt Nam.

3 đại sứ người sáng tạo thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

Tizi Đích Lép – Lắng nghe câu chuyện của “kẻ bắt nạt”

Khởi đầu với một trang nội dung giải trí chủ đề tình yêu, giới tính cho giới trẻ, cặp đôi Tizi Đích Lép – Trúc Nguyễn và Quang Minh đã có được một lượng fans đông đảo trên mạng xã hội và bắt đầu thành lập kênh YouTube Tizi Đích Lép. Bên cạnh quản trị 2 trang cộng đồng với hơn 750 nghìn người theo dõi và kênh YouTube Tizi Đích Lép, Huỳnh Quang Minh còn là đồng sáng lập của chuỗi cà phê Monkey In Black được giới trẻ yêu thích bởi hàng loạt các chiến dịch Marketing cực kỳ độc đáo như Cà phê ôm, Thứ 4 Không áo ngực, Valentine Yêu đến chết,… hay những món thức uống sáng tạo như cà phê đổi vị, cà phê ăn luôn tách, cà phê bia, bánh chuột Canh Tý.

Kinh nghiệm và sự sáng tạo trong lĩnh vực marketing của cặp đôi được ứng dụng vào việc sáng tạo nội dung cho các video trên kênh Tizi Đích Lép. Các video trên kênh ngoài những chia sẻ thẳng thắn, với những chủ đề rất gần gũi về quan hệ tình cảm, kỹ năng sống, tâm sự tình yêu, giáo dục giới tính, còn bàn luận sâu về những vấn đề đang được giới trẻ quan tâm như trầm cảm, miệt thị ngoại hình (body shaming). Đối với dự án cho chương trình Người Sáng Tạo Thay Đổi YouTube, sự sáng tạo và hiểu biết về hành vi công chúng được Tizi Đích Lép áp dụng để tạo ra một hướng tiếp cận mới cho chủ đề chống bạo lực mạng, tiếp cận từ “kẻ bắt nạt”.

Dựa trên kinh nghiệm bản thân đối với bạo lực mạng, Tizi Đích Lép cho rằng những phương pháp như xóa bình luận, suy nghĩ tích cực không thực sự hiệu quả, vì những bình luận đó vẫn tồn tại trong ký ức của nạn nhân. Thay vào đó, tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của kẻ bắt nạt có thể giúp người bị bắt nạt hiểu được động cơ, từ đó thông cảm hoặc ít nhất là không còn để tâm đến những bình luận ác ý đó nữa đồng thời cũng tác động tích cực vào những kẻ bắt nạt, giúp họ từ bỏ hành động bắt nạt người khác.

3 đại sứ người sáng tạo thay đổi YouTube đầu tiên của Việt Nam

Quảng cáospot_img
Quảng cáospot_img

Tin liên quan