Uniphore công bố huy động thêm 400 triệu Đô la Mỹ ở vòng gọi vốn series E để hỗ trợ sự bùng nổ về tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu về Tự động hóa Đàm thoại cho doanh nghiệp, nâng mức định giá công ty lên đến 2.5 tỷ đô-la Mỹ.
Uniphore, công ty hàng đầu trong lĩnh vực Tự động hóa Đàm thoại, công bố vừa huy động được 400 triệu đô la Mỹ ở vòng gọi vốn series E, nâng tổng số tiền đầu tư vào công ty lên hơn nửa tỷ (với 610 triệu đô la). Vòng gọi vốn mới này, do NEA dẫn dắt, đã nâng mức định giá của công ty lên đến 2.5 tỷ đô la. March Capital và các nhà đầu tư hiện tại của Uniphore cùng các tổ chức mới cũng tham gia vào đợt huy động vốn này.
Vòng gọi vốn mới này là vòng huy động vốn lớn nhất của Uniphore từ trước cho đến nay. Số tiền huy động được sẽ sử dụng để mở rộng công nghệ và củng cố vị trí dẫn đầu thị trường của Uniphore với những tiến bộ về voice AI, computer vision và tonal emotion, cũng như dùng để mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty trên toàn cầu, đặc biệt là ở thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương.
Thị trường Tự động hóa Đàm thoại cho doanh nghiệp đã tăng tốc nhanh chóng trong vài năm trở lại đây khi các công ty nhận ra tác động của các tương tác tích cực từ khách hàng đối với hình ảnh thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa để mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn và không bị gián đoạn, và Uniphore là đơn vị dẫn đầu về đổi mới trong ngành.
Ông Umesh Sachdev, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Uniphore chia sẻ: “Việc nắm bắt các cuộc đàm thoại và dữ liệu, cũng như thấu hiểu dữ liệu từ các cuộc gọi đó là vô cùng cần thiết với mỗi doanh nghiệp. Công cụ tự động hóa Đàm thoại của chúng tôi đã và đang cung cấp các giải pháp mạnh mẽ và sáng tạo, giúp các doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong bối cảnh phải đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khách hàng đặt ra. Đây là thời điểm cực kỳ thuận lợi để tham gia vào ngành công nghiệp này nói chung và Uniphore nói riêng, với cơ sở khách hàng đang phát triển nhanh chóng cũng như thế hệ nhân tài hiện đang tham gia vào đội ngũ lãnh đạo cũng như ban giám đốc của chúng tôi. Tôi mong sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp trên toàn thế giới để có thể góp phần thúc đẩy vào thành công của họ trong năm 2022 này.”
Với tốc độ phát triển như vậy, Uniphore cũng nhanh chóng đảm bảo có những bổ sung mới cho đội ngũ lãnh đạo của mình. Thông báo ngày hôm nay là việc bổ nhiệm bà Hilarie Koplow-McAdams, thuộc Đối tác liên doanh, NEA, vào Hội đồng quản trị của Uniphore. Bà Koplow-McAdams là một Giám đốc điều hành phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, người đã có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm cùng sự phát triển các công ty đang trong giai đoạn phát triển và cả những công ty lâu năm. Để củng cố sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo, gần đây Công ty cũng đã bổ nhiệm Balaji Raghavan làm Giám đốc Công nghệ, Andrew Dahlkemper làm Giám đốc Nhân sự và Vinod Muthukrishnan làm Phó Chủ tịch Cấp cao về Phát triển Nền tảng.
Ngoài hai thương vụ lớn – mua lại công ty Emotion Research Lab để phát triển khả năng của trí tuệ nhân tạo vào cảm xúc và mua lại công ty Jacada, để nâng cao khả năng tự động hóa low code/no code – Uniphore cũng đã có các cột mốc quan trọng khác vào năm 2021, bao gồm:
- Lọt vào bảng xếp hạng 500 công ty công nghệ phát triển nhanh nhất ở Bắc Mỹ vào năm 2021 Deloitte Technology Fast 500™
- Nhận Giải thưởng Frost & Sullivan 2021 về Dẫn đầu Đổi mới Công nghệ Toàn cầu
- Phát triển nhanh chóng cơ sở khách hàng toàn cầu
- Công bố kết quả khảo sát người dùng, theo đó xác nhận sự cởi mở của người dùng với AI / Tự động hóa trong việc cải thiện tương tác
Bà Hilarie Koplow-McAdams, đại diện từ NEA – Đối tác liên doanh của Uniphore cho biết: “Khi xem xét công nghệ của Uniphore và những tiến bộ vượt bậc mà công ty đã đạt được trong vài năm qua, chúng tôi rất phấn khởi về lộ trình sản phẩm trong tương lai và vô cùng vui mừng khi được tham gia vào vòng huy động vốn mới này. Khi con người tiếp tục hoạt động trong mô hình làm việc ngày càng số hóa như vậy, các công nghệ mà Uniphore mang đến là nhu cầu thiết yếu cho các tổ chức muốn phát huy lợi thế cạnh tranh và đưa hoạt động kinh doanh của họ lên một tầm cao mới.”