Ông Mark Zuckerberg, CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh vừa thông báo rằng Facebook sẽ ít tập trung vào các bài đăng công cộng hơn, dần dịch chuyển trọng tâm sang phương thức giao tiếp an toàn và được mã hóa thông qua các ứng dụng nhắn tin của họ.
“Tôi tin rằng các nền tảng giao tiếp lấy trọng tâm là tính riêng tư sẽ trở nên quan trọng hơn những nền tảng mở khác hiện nay. Hiện các kênh liên lạc theo kiểu nhắn tin, các story chỉ xuất hiện trong 24 giờ và các nhóm người dùng nhỏ mới là những nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất”, Zuckerberg cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng “mã hóa” sẽ là chìa khóa cho tương lai của Facebook và công ty sẵn sàng chặn các quốc gia nào từ chối cách hoạt động này.
Để đạt mục tiêu này, Facebook sẽ phát triển mạnh hơn các nền tảng chat của mình theo hướng giống như ứng dụng WhatsApp: mã hóa tất cả các nội dung từ đầu đến cuối. Hiện tại công ty đã bắt đầu thống nhất nền tảng và công nghệ bên dưới ứng dụng WhatsApp, Facebook Messenger và Instagram Direct. Tưởng tượng rằng Facebook Messenger trong tương lai sẽ đi theo kiểu giống như ứng dụng WeChat ở Trung Quốc: một công cụ có tất cả mọi thứ trên đó, trong khi tính năng giao tiếp chính vẫn là chat chứ không phải mạng xã hội mở giống như Facebook.
Zuck chia sẻ rằng ông đang có kế hoạch làm cho 3 ứng dụng chat của mình hoạt động được với nhau, không đứng độc lập như hiện nay. Ngoài ra, chúng cũng sẽ có khả năng tích hợp với SMS nữa (hiện chỉ mới có app Messenger trên Android là được tích hợp SMS). Zuckerberg cũng nói rằng việc tập trung vào các kênh giao tiếp riêng tư như thế này cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhất là những thứ liên quan tới thanh toán điện tử hay bán hàng. Đây cũng là thứ mà Facebook muốn tập trung trong các năm gần đây, ví dụ như việc thúc đẩy bán hàng qua Facebook hay các Group.
Facebook sẽ không lưu trữ dữ liệu tại các nước như Nga, Việt Nam hay Trung Quốc để đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng, vì những quốc gia này muốn các công ty phải chứa dữ liệu người dùng trên lãnh thổ của họ. Việc này cũng có thể khiến Facebook bị chặn tại những quốc gia này, nhưng Zuck cho biết Facebook sẵn sàng đánh đổi để thực hiện. Tuy nhiên, Facebook vẫn sẵn sàng làm việc với các cơ quan pháp luật, các nhà chức trách để cố gắng tránh các tình huống này khi có thể.
Và tất nhiên, Facebook sẽ làm nhiều cách để chặn những người xấu khỏi các app của mình, ví dụ như việc phát hiện những hành vi đáng ngờ ngay cả khi công ty không thể đọc được tin nhắn của người dùng (vì tin nhắn đã bị mã hóa). Facebook cũng sẽ khiến cho các tin nhắn không tồn tại lâu. Hiện công ty đang cân nhắc tự động xóa tin nhắn sau khoảng 1 tháng hoặc 1 năm, và nếu không thích thì người dùng có thể giữ nguyên lịch sử chat của mình. Ngoài ra thì Facebook cũng phát triển những tính năng cho phép tin nhắn tự biến mất sau vài giây hoặc vài phút.
Hiện tại Zuckerberg vẫn không đề cập khung thời gian nào áp dụng hướng đi mới này, ông chỉ cho biết là trong vài năm tới.