Trong thời điểm khó khăn hiện tại, Tim Cook đã có những bước đi hạ thấp tỷ suất lợi nhuận của Apple với những đổi mới trong sản phẩm.
Nếu so sánh với các smartphone Apple đã ra mắt trong 4 năm trở lại, iPhone SE là chiếc smartphone đáng chú ý nhất với mức giá bán rẻ nhất chỉ 400 USD. Với mức giá này, iPhone SE được xem là một chiếc iPhone giá rẻ nhưng Apple lại đem đến những phần cứng cao cấp như chip A13 Bionic để người dùng có thể trải nghiệm tốc độ nhanh nhất và rẻ nhất mà không cần phải mua iPhone 11 hay iPhone 11 Pro.
Bên cạnh iPhone SE mới, chiến thuật của Apple có lẽ cũng đã thay đổi khi vào tháng 3 vừa rồi công ty ra mắt chiếc iPad Pro. Thông thường, Apple sẽ dành tháng 3 này cho sản phẩm iPad thường và iPad Pro sẽ được giấu cho tới tháng 9. Việc ra mắt các sản phẩm mạnh mẽ vào cuối năm để có thể lợi dụng sức mua của người dùng vào thời điểm này để tăng lợi nhuận. Nhưng năm nay lại khác khi Apple ra mắt iPad Pro vào tháng 3.
Hi sinh lợi nhuận
Tại sự kiện vào hồi tháng 9 vừa rồi, Apple đã ra mắt iPhone 11 với mức giá tiền khởi điểm chỉ 700 USD, thấp hơn tận 50 USD so với chiếc iPhone XR trước đó vốn được xem là iPhone giá rẻ của công ty. Ngoài ra dòng MacBook Air sau nhiều năm cũng đã được làm mới lại, mức giá tiền khởi điểm đã bắt đầu từ 1,000 USD và thấp hơn 300 USD so với chiếc MacBook 12-inch trước đó. Chưa hết, khi Apple Watch Series 5 ra mắt, giá bán của Series 3 đã giảm xuống 200 USD và đây là mức bán chính hãng thấp nhất trong lịch sử của chiếc đồng hồ mác Táo.
Có thể thấy được rõ ràng là Apple đã bắt đầu ra mắt nhiều sản phẩm với giá mềm hơn trước đây. Đây là những bước khi hiếm hoi vì từ trước tới nay Apple luôn là một thương hiệu cao cấp và đắt tiền. Theo các số liệu tính toán trước đây, tỷ suất lợi nhuận của Apple thường là khoảng 35% đến 40%. Nghĩa là một chiếc iPhone 11 Pro bán ra sẽ thu về 400 USD lợi nhuận, nhưng với giá bán của iPhone SE thì 400 USD bán ra sẽ không thu về 400 USD lợi nhuận.
Những người mua iPhone SE chắc chắn sẽ không mua iPhone 11 Pro hay iPhone 12 Pro sắp ra mắt nữa. Khi bán chiếc iPhone SE, Apple chắc chắn sẽ phải hi sinh lợi nhuận và điều này tương tự với iPad hay MacBook Air. Họ thay thế những sản phẩm đắt tiền trước thành các sản phẩm quan trọng của công ty. Không một nhà sản xuất nào lại bỗng dưng thay đổi chính sách giá bán như thế này, trừ khi nhà sản xuất đó đã tìm ra được một nguồn thu lợi nhuận mới.
Nguồn thu lợi nhuận mới
Nguồn thu mới của Apple mà đang nhắc tới chính là các dịch vụ số. Trong quý 4/2019 vừa qua thì các dịch vụ như Apple Music, iCloud, App Store và các dịch vụ khác đã thu về cho công ty 12.72 tỉ USD. Hiện tại đây là mảng đem về doanh thu nhiều thứ hai của Apple và thậm chí đã vượt qua Mac, iPad. Riêng iPhone vẫn là mảng đem về doanh thu nhiều nhất.
Nhưng vậy mà với iPhone SE, Apple thể hiện sự sẵn sàng hi sinh lợi nhuận từ iPhone để tập trung vào dịch vụ. Với 1 năm Apple TV+, iPhone SE sẽ là cầu nối đưa người dùng tới hệ sinh thái các nội dung của Apple. Với cấu hính mạnh mẽ bên trong, người dùng đồng thời cũng có thể trải nghiệm được các tựa game hay và hấp dẫn trong dịch vụ Apple Arcade. Hay Apple Card đem đến nhiều trải nghiệm mua sắm khác.
Tầm nhìn cho tương lai
COVID-19 trong thời gian hiện nay là một ví dụ cho thấy vì sao Tim Cook lại theo đuổi tương lai nơi dịch vụ đặt lên trên cả phần cứng. Khi đại dịch bùng nổ tại Châu Âu và Mỹ vào tháng ba, Apple đã cắt giảm chất lượng phát sóng của Apple TV+. Bước đi không mong muốn này thể hiện điều mà Tim Cook muốn từ lâu, đó là nhu cầu về dịch vụ của Apple là thật.
Trong một năm đặc biệt như 2020, không cần bàn cãi rằng vai trò của mảng dịch vụ đang được đưa lên cao hơn bao giờ hết. Khi các cửa hàng Apple Store đóng cửa, khi dây chuyền cung cấp tại Trung Quốc bị rối loạn thì Apple vẫn có thể thu được tiền từ các dịch vụ kỹ thuật số. Với bước đi này, Apple có thể có được lợi nhuận cao trong nhiều trường hợp khó khăn. Từ đây có thể thấy Tim Cook thật sự rất “cáo già” khi chấp nhận giảm một phần lợi nhuận từ phần cứng để đổi lại lợi nhuận lâu dài về mảng dịch vụ.