Mặc dù sở hữu nhiều tính năng rất hấp dẫn, song chiếc bàn phím cơ không dây Keychron K1 này vẫn chưa thể đáp ứng được vài nhu cầu cơ bản của người dùng. Tuy vậy, theo như Dan Seifert đến từ trang The Verge đánh giá thì trong số ít ỏi các bàn phím cơ dành cho những máy Mac thì chiếc bàn phím này gần như hoàn hảo rồi.
Trong những năm gần đây thì phím cơ đang phát triển rất nhanh chóng và có thể dễ dàng thấy được. Nếu như trước đây cụm từ “Bàn phím cơ” chỉ là những sản phẩm xa xỉ và đắt tiền thì ngày nay không khó để có thể tìm được một chiếc bàn phím cơ với giá thành dễ chịu hơn, từ game thủ cho đến những người làm việc văn phòng hiện tại đã có thể sỡ hữu cho mình một chiếc rồi. Tuy nhiên thì những chiếc bàn phím cơ này vẫn chỉ tập trung vào người dùng hệ máy Windows với layout thường thấy, còn người dùng Mac đành ngậm ngùi với các lựa chọn hạn chế mà thôi.
Chính vì là một trong số ít các bàn phím cơ hỗ trợ cho máy Mac, mà còn là bàn phím cơ không dây nên Keychron K1 là một sản phẩm rất thú vị. Được ra đời trong một dự án gây quỹ (bài viết gây quỹ tại đây) vào năm trước và được đặc biệt thiết kế dành cho máy Mac (có phiên bản dành cho Windows), chiếc bàn phím này sử dụng Bluetooth để kết nối tới máy tính và có thể kết nối lên đến 3 thiết bị khác nhau cùng một lúc. Ngoài những phím chức năng của hệ máy Mac, phím đa phương tiện, Mission Control và Launchpad thì K1 còn có các phím đặc biệt khác như Siri, đọc chính tả (voice dictation) và screenshots.
K1 sẽ có 2 tùy chọn layout cho bạn gồm 87 hoặc 104 phím, và có 2 tùy chọn đèn nền gồm LED RGB hoặc LED đơn màu với 4 mức độ sáng. Switch của K1 khác so với phần lớn phím cơ trên thị trường, thay vì dày và được đặt sát nhau thì switch trên K1 có phần hơi thấp và các keycaps lại phẳng lì mà không bo theo đầu ngón tay. Ngay từ cái nhìn đầu thì K1 thực sự không giống phím cơ mà giống như các bàn phím laptop hay các bàn phím tiêu chuẩn dành cho máy tính. Kiểu switch trên K1 là Fraly Blue, một kiểu switch thấp có tiếng kêu khi gõ, có chiều cao 7.6mm, hành trình phím 3mm và điểm kích hoạt 1mm. Phím của K1 được xem là kiểu Tactile, vì khi nhấn xuống điểm kích hoạt thì có cảm giác vượt qua một nấc giúp bạn có thể cảm nhận rằng bàn phím đã nhận phím mà không cần phải nhìn để xem nhấn có đủ sâu hay không. Nhờ vào các switch thấp và mảnh mai này thì tổng chiều cao của K1 là 18mm, mỏng hơn so với hầu hết các phím cơ hiện nay.
Nói về các tính năng thì K1 cho phép bạn sử dụng kết nối không dây hoặc có dây thông qua cổng sạc USB-C (một công tắc trên đỉnh bàn phím cho phép bạn chọn sử dụng có dây hoặc không dây) và khả năng cho phép chuyển các layout từ Mac sang Windows hoặc Android khi chuyển thiết bị. K1 không đi kèm các keycaps đặc biệt gì cho nhiều layout nhưng may mắn là vẫn đi kèm vài keycaps không có nhãn. Keychron cho biết pin 2.000mAh trên K1 đủ tốt để sử dụng trong 15 giờ với mẫu LED đơn và 10 giờ sử dụng với phiên bản RGB.
Mặc dù có nhiều tính năng hấp dẫn nhưng thực tế thì K1 vẫn còn vài vấn đề khiến cho tác giả bài viết không thực sự hài lòng. Đầu tiên và trên hết đó chính là tùy chọn switch và keycaps, K1 hiện tại vẫn chỉ có một tùy chọn switch là blue mà thôi và switch blue khá kén người dùng. Sở dĩ như vậy là vì switch blue phát ra tiếng clicky khi gõ rất đã tai với một số người, nhưng với tác giả anh mô tả như là “hàng triệu con chuột nhỏ” mỗi khi anh gõ văn bản. Anh cũng đề cập anh thích dòng phím Linear hơn Tactile vì Linear không có khấc giúp cho việc gõ trơn tru hơn và ít ồn hơn.
Kế đến là keycaps, thậm chí còn tệ hơn cả switch vì những keycaps này được làm phẳng lì không bo theo đầu ngón tay. Với việc bo theo đầu ngon tay thì khi bạn gõ các ngón tay của bạn không bị trật đi, từ đó khiến cho việc gõ được chính xác hơn, còn với K1 thì do phẳng lì nên việc gõ sai phím hay gõ nhiều phím cùng một lúc xảy ra rất thường xuyên. Tác giả còn nhấn mạnh rằng một vài bàn phím laptop anh sử dụng thậm chí cho trải nghiệm gõ chính xác và tốt hơn cả K1. Vì là một bàn phím cơ nên K1 cho phép bạn thay keycaps, nhưng lựa chọn cũng rất hạn chế do keycaps đặc biệt của nó.
Bố cục phím cũng trở thành vấn đề với hệ thống đèn LED RGB của phím, đơn cử là việc đặt nút chuyển đổi giữa 18 chế độ đèn khác nhau dưới phím Shift bên phải và kế phím mũi tên trái khiến cho tác giả nhấn nhầm vào gần như là mọi lúc anh muốn sử dụng phím mũi tên. Nhấn vào nút này sẽ đổi màu bàn phím từ màu tĩnh sang kiểu chớp tắt liên tục lặp lại một cách kì lạ rất khó chịu. Không có phần mềm nào để cấu hình ánh sáng cả; tất cả đều được điều khiển bởi phím này, ngay cả khi bạn giảm hết cỡ độ sáng thì nhấn phím này sẽ đặt lại mức độ sáng về mặc định, không có cách nào để tắt đèn nền và tắt nó nên rất khó chịu.
Kết nối không dây của bàn phím rất ổn định với cả MacBook Pro cũ và MacBook Air mới, nó giúp cho tác giả sử dụng tốt hơn một tuần giữa các lần sạc và phím chụp màn hình chuyên dụng là một ưu điểm trên bàn phím Mac, phím Siri và phím đọc chính tả bằng giọng nói cũng khá hay nhưng tác giả hầu như không chú ý tới trong quá trình sử dụng. Sự linh hoạt chuyển đổi giữa Windows/Android sang Mac/iOS là một điểm cộng.
Tuy nhiên sau cùng thì bàn phím vẫn chỉ là bàn phím và trải nghiệm gõ là quan trọng nhất, đối với tác giả thì trải nghiệm gõ mà K1 đem lại không thật sự phù hợp với anh. Tuy nhiên quan điểm đánh giá mỗi người mỗi khác nhau, nên nếu bạn thích những chiếc clicky đã tai mỗi khi gõ, hay cảm giác mỗi khi nhấn thì K1 không quá thất vọng như tác giả đánh giá. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc K1 gần như hoàn hảo với Mac đã tạo nên một sự hi vọng rằng ai đó trong tương lai sẽ hoàn hảo chiếc bàn phím gần như hoàn hảo dành cho máy Mac này.
Giá bán hiện tại của Keychron K1 là $74 cho phiên bản cơ bản nhất, khoảng 1.8 triệu chưa bao gồm chi phí vận chuyển. Link mua hàng trong bài viết gốc tham khảo tại đây.