Galaxy S20 là dòng smartphone flagship mới nhất của Samsung, là bước nhảy vọt từ S10 lên thẳng S20 mà bỏ qua những con số còn lại. Cũng vì vậy mà Samsung đã trang bị cho S20 Ultra những thứ mạnh mẽ nhất từ công ty, trong đó có cụm camera ấn tượng Space Zoom.
Điểm nhanh về cấu hình của Galaxy S20 Ultra, nó mang trong mình các thông số tốt nhất hiện tại từ Samsung với màn hình lớn 6.9-inch Quad HD+ Dynamic AMOLED có độ phân giải 3200×1440 pixel, tốc độ làm tươi 60Hz hoặc 120Hz. Bên trong S20 Ultra là con chip Snapdragon 865 kết hợp cùng 12GB RAM LPDDR5 RAM, bộ nhớ trong 128GB có thể mở rộng lên 512GB và viên pin 5,000 mAh. Cuối cùng là cụm camera lồi hình chữ nhật với các ống kính gồm ống kính chính 108MP, ống kính góc siêu rộng 12MP, ống kính tele 48MP cùng hệ thống tiềm vọng cho khả năng zoom xa 100X mà Samsung gọi là Space Zoom, ở mặt trước là camera selfie 40MP.
Nếu mở một cuộc thi “độ lồi camera” thì lần này người thắng cuộc chính là Samsung với cụm camera lồi lên khá cao so với các đối thủ đặt cạnh là iPhone 11 Pro Max và Note 10+ 5G.
Để mở S20 Ultra ra cũng khá giống như các smartphone khác với một chút nhiệt để làm tan chất kết dính, rồi sau đó mở mặt lưng ra với các công cụ đặc biệt.
Sau đó iFixit tháo ra các mô-đun loa, ăng-ten và lõi đồng sạc không dây là sẽ thấy được bo mạch chủ. Nhìn chung thiết kế bên trong khá giống như Note 10+ 5G, chỉ có điều là viên pin lớn hơn vì cắt bỏ đi phần không gian của cây bút S-Pen.
Tiếp đến iFixit tháo phần bo mạch chủ ra và tiếp tục tháo các cảm biến camera của máy. Đầu tiên là cảm biến 108MP do chính Samsung phát triển, ấn tượng đầu tiên là cảm biến này cực kỳ lớn và bạn còn có thể cầm nó bằng tay. Đặt cạnh cảm biến chính 12MP của iPhone 11 Pro Max, chiếc cảm biến 108MP này có kích thước lớn hơn gần gấp đôi. Với cảm biến lớn này, điểm ảnh cho ra rất nhiều và sẽ cho khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng được tốt hơn.
Tiếp đến là hệ thống ống kính tiềm vọng của Samsung, thứ mà công ty tự hào thứ hai sau chiếc cảm biến 108MP kia. Đây là hệ thống ống kính tiềm vọng với một lăng kính bên trong giúp bẻ cong ánh sáng 90 độ, từ đó hệ thống này có khả năng zoom xa mà không làm tăng kích thước ống kính (thứ sẽ tăng độ dày của cụm camera). Lăng kính trong hệ thống này còn có cả hệ thống ổn định hình ảnh riêng, sau lăng kính còn có cả hệ thống ống kính zoom dài đặt kế bên lăng kính rồi mới tới được cảm biến.
Bỏ qua các cảm biến phụ còn lại, iFixit tiến thẳng tới bo mạch chủ của máy. Ở một mặt, bo mạch chủ này chứa các mô-đun thông thường như vi xử lý, bộ nhớ RAM, bộ nhớ trong và IC quản lý năng lượng. Tuy nhiên lật ngược ra sau còn có nhiều mô-đun quản lý năng lượng khác và còn có mô-đun WiFi, Bluetooth.
Tiếp tục đến với viên pin của máy, để lấy được viên pin này ra cần có dung dịch cồn đặc biệt isopropyl alcohol để làm chảy chất kết dính ra, có thể thấy lần này Samsung đã sử dụng khá nhiều chất kết dính cho thiết bị của mình. Viên pin của máy có dung lượng lớn 5,000 mAh với 3.86V, cho ra 19.30 Wh. Đặc biệt là tại khu vực viền máy gần pin còn có mô-đun ăng-ten nữa.
Cuối cùng là màn hình của Galaxy S20 Ultra, mặc dù có tốc độ làm mới 120Hz nhưng để tháo được phần màn hình này cũng mất một chút thời gian. Tuy nhiên Samsung cũng đã thiết kế cho phần màn hình này có phần gọn hơn chỉ với một dây cáp kết nối. Tại đây bạn có thể thấy được cảm biến vân tay siêu âm của Samsung ở khu vực ô vuông màu đỏ.
Tổng kết lại, mặc dù Samsung cũng đã thay đổi một chút thiết kế ở bên trong cho S20 Ultra, nhưng iFixit vẫn đánh giá máy cho khả năng sửa chữa hơi khó khăn với số điểm là 3/10 (10 điểm là dễ sửa nhất). Điều này tương ứng với khả năng tháo máy ra nhanh, thay thế linh kiện dễ dàng với các mô-đun thành phần nhưng vì Samsung sử dụng khá nhiều chất kết dính, cũng như phần màn hình – thứ dễ hỏng nhất vẫn phải trải qua nhiều công đoạn mở hơn.