“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ ông bà ta truyền từ rất lâu lại cho con cháu, ám chỉ rằng một thứ gì đó hay một người nào đó có một tâm hồn, một phẩm chất hay một điểm gì đó tốt đẹp sẽ tốt hơn rất nhiều lần so với vẻ ngoài “nước sơn sáng bóng”. Trong trường hợp này là chiếc bàn phím cơ chơi game có dây Corsair K70 RGB MK.2 thì quả thực ông bà ta rất ít khi sai.
Về thiết kế
Về bên ngoài thì chiếc bàn phím K70 RGB MK.2 này có một chút “nửa kín nửa hở” với thiết kế khá lạ mắt, phần cụm phím chính được làm lõm xuống và hở chân, trong khi đó phần kê tay nhỏ và khu vực đặt phím chức năng lại làm nhô lên cao.
Mặt trên ngoài 104 phím chính của một bàn phím full size thì còn có các phím chức năng gồm thanh cuộn âm lượng, bộ phím media (Stop, Previous, Play/Pause, Next) đặt bên phải và ba phím chức năng đặc biệt được đặt bên trái.
Cụm phím QWER, ASDF tặng kèm và Space được làm họa tiết nổi đan xéo, logo Corsair cũng được tích hợp đèn LED RGB rất bắt mắt.
Mặt sau của K70 gồm 4 feet cao su lớn ở bốn góc, hai chân chống mở sang hai bên và đặc biệt là phần rãnh đi dây hoạt tiết hình chữ X khá đẹp, dưới sát cạnh dưới là hai khe nhỏ để gắn miếng đệm kê tay.
Phía cạnh trên là cổng USB Passthrough, vì sở hữu cổng USB này dây kết nối của K70 sẽ có hai đầu. Phần dây của chiếc bàn phím được bọc dù, đường kính dây khá to, dày và hơi cứng khi uốn để đi dây.
Nói một chút về vẻ ngoài K70 RGB MK.2
Đầu tiên mình cần phải nói rằng mình thật sự không mấy ấn tượng về thiết kế và bên ngoài của K70 RGB MK.2. Trong bài đánh giá Logitech G512 Carbon mình có đề cập rằng mình thích “đơn giản, hiện đại nhưng mạnh mẽ” thì đáng tiếc là K70 RGB MK.2 chỉ đạt được “mạnh mẽ” mà thôi. Chính vì có sự mạnh mẽ nhưng thiếu đi một chút đơn giản kết hợp với một chút gọn gàng mà cá nhân mình thấy chiếc bàn phím này vẫn có phần thô. Rất may là K70 không quá hầm hố như một số phím cơ khác mà vuông vức và gọn gàng hơn nên cũng có thể xem là một điểm vớt vát.
Cụm phím ASDF và QWER với họa tiết nổi đan xéo nhưng lại làm màu bạc không đồng bộ với phím Space trông không đẹp mắt cho lắm.
Mặt bàn phím với màu đen họa tiết xước phay nhẹ cũng dễ trầy và dễ nhìn thấy bụi hơn so với màu bạc kim loại trên một số bàn phím cơ khác trên thị trường (ví dụ như phiên bản màu bạc K70 RGB MK.2 SE chẳng hạn).
Một điểm rất khó chịu trên K70 trong quãng thời gian mình sử dụng chính là hai góc trên của bàn phím. Hai góc này được làm hơi nhọn và do mình thường xuyên sử dụng laptop trong không gian hẹp nên trong quá trình sử dụng mình liên tục vung chuột hơi quá tay dẫn đến việc va quẹt.
Hướng đến người dùng máy tính để bàn là chính nên phần vẻ ngoài không thu hút được vẻ ngoài của một người xử dụng laptop phần lớn thời gian là dễ hiểu, bên cạnh không gian làm việc của mình không lớn nên việc va quẹt có thể chấp nhận được.
Đâu là “gỗ tốt” trên Corsair K70 RGB MK.2?
Vẻ ngoài của K70 không thu hút được mình, nhưng trải nghiệm sử dụng lại hoàn toàn ngược lại so với những gì thoạt đầu mình nghĩ về chiếc bàn phím cơ này. Dưới đây là ba điểm mà cá nhân mình đánh giá là điểm sáng, thu hút sự chú ý từ người dùng:
1. Chất lượng hoàn thiện rất tốt, bền bỉ và chắc chắn
Nói về chất lượng hoàn thiện thì K70 rất tốt, có thể vì vậy mà mình cảm nhận sự “thô” trong thiết kế bên ngoài. Mặt trên sử dụng chất liệu nhôm, kết hợp với phần dây bọc dù khá to và cứng giúp cho K70 rất bền bỉ. Tuy vậy nhưng xét về trọng lượng thì chiếc bàn phím này không quá nặng.
2. Chiều lòng người dùng với tùy chọn lên đến 5 switch
Đã bao giờ bạn cực kì thích thiết kế của một chiếc bàn phím cơ, nhưng switch sử dụng lại không có loại mà bạn yêu thích? K70 RGB MK.2 được Corsair trang bị tùy chọn lên đến 5 switch Cherry MX gồm: Silent, Blue, Brown, Speed và Red. Có thể nói chiếc bàn phím K70 này có thể chiều lòng hầu hết nhu cầu của người dùng, nếu bạn muốn clicky đã tai đã có Blue, hay muốn trải nghiệm gõ phím êm ái hơn thì đã có Silent,…
Phiên bản switch mình sử dụng là Cherry MX Red, đây loại switch tuyến tính (Linear), trong hành trình của phím không có cú bật nào để phản hồi dẫn đến việc không có lực phục hồi tạo cú bật nên dễ nhấn liên tục. Chơi game với switch Red này mình cảm nhận là không đã tai như Blue, nhưng chơi game thì rất sướng khi nhấn nhanh liên tiếp 2, 3 lần mà phím vẫn nhận đủ.
3. Khả năng tùy chỉnh kinh ngạc với phần mềm iCue
Khi K70 lên đèn thì chiếc bàn phím này thật sự tỏa sáng, phần mềm iCue từ Corsair đòi hỏi phải nghịch và mày mò một chút, nhưng một khi đã quen thì việc tùy chỉnh hiệu ứng đèn LED RGB trên phím là rất đã. Bạn có thể tùy chỉnh từng hiệu ứng riêng biệt cho từng phím, từng vị trí riêng biệt, mình thì hơi màu mè một chút nên tùy chỉnh ba khu vực phím là một hiệu ứng khác nhau. Đây chính là vẻ đẹp khó cưỡng lại với những ai thích màu mè như mình.
Đặc biệt hơn, trên K70 có tích hợp bộ nhớ 8MB cho phép lưu trữ lên đến ba bộ hồ sơ hiệu ứng, thiết lập và nhómđã tùy chỉnh trước của người dùng. Với cách này bạn có thể thoải mái sử dụng K70 trên nhiều thiết bị khác nhau mà không lo phải tùy chỉnh lại các hiệu ứng hay nhóm tổ hợp phím.
Tổng kết
Sau cùng thì thứ để lại lâu nhất vẫn là trải nghiệm, mặc dù bên ngoài có phần không thu hút nhưng chắc chắn cảm giác để lại khi sử dụng là không thể chê được. Tất nhiên với mỗi người sẽ có đòi hỏi những yếu tố khác nhau cho bàn phím của họ, có thể bạn sẽ thấy ba điểm trên quá bình thường với bạn nhưng với mình thì đó là thứ giúp cho chiếc K70 vẫn đạt được sự lôi cuốn dù cho thiết kế của không ấn tượng với bản thân minh.
Với chất lượng hoàn thiện rất tốt, khả năng tùy chọn lên đến 5 switch phù hợp cho bất kì nhu cầu và sự yêu thích của người dùng, phần mềm iCue cung cấp khả năng tùy chỉnh cao, có USB Passthrough thuận tiện và đặc biệt là tặng miếng lót kê tay và cụm keycaps ASDF, QWER bề mặt sần thì mình cảm nhận đã quá đủ để bỏ qua các nhược điểm ảnh hưởng rất ít đến quá trình trải nghiệm.
Các nhược điểm trên K70 trong quá trình mình trải nghiệm chỉ là dễ thấy bụi kém thẩm mỹ và cạnh trên khó chịu mà thôi, còn về phần thiết kế là ở bạn đánh giá. Vậy theo bạn thì liệu những ưu điểm mà mình chỉ ra có đủ để bỏ qua các nhược điểm đó?