Không hẳn tất cả các hacker đều là người xấu, các chuyên gia thường dùng các thuật ngữ “mũ đen”, “mũ trắng” và “mũ xám” để định nghĩa các nhóm hacker dựa trên hành vi của từng nhóm.
Định nghĩa “hacker” là một vấn đề khá gây tranh cãi. Họ có thể là những người phát hiện những lỗ hổng bảo mật của hệ thống, những nhà phát triển các phần mềm miễn phí hay các phần mền mã nguồn mở.
Hacker mũ đen
Hacker mũ đen là loại hacker hay được nhắc đến nhất. Họ thâm nhập vào các trang web, tấn công vào các hệ thống nhằm phục vụ lợi ích cá nhân như đánh cắp thông tin người dùng hay tài khoản ngân hàng.
Khi tìm được các lỗ hổng bảo mật “zero day” họ sẽ đem bán chúng cho các tổ chức tội phạm hoặc sử dụng nó để xâm nhập vào hệ thống máy tính.
Hacker mũ trắng
Các hacker mũ trắng đối lập hoàn toàn với các hacker mũ đen. Họ là những hacker có “đạo đức”, họ sử dụng khả năng của mình có các mục đích tốt, hợp pháp hơn là để phục vụ những mục đích tội phạm.
Nhiều hacker mũ trắng được sử dụng để kiểm tra an ninh của các hệ thống máy tính cho các tổ chức. Các tổ chức này sẽ ủy quyền cho các hacker mũ trắng để họ xâm nhập vào hệ thống, giống cách mà hacker mũ đen thường làm. Tuy nhiên, thay vì đánh cắp dữ liệu hoặc phá hoại hệ thống, các hacker mũ trắng sẽ báo cáo các lỗi tìm được để các tổ chức này tìm cách khắc phục. Hoạt động này được gọi là “thử nghiệm thâm nhập”.
Một hacker mũ trắng sẽ tìm ra lỗ hổng bảo mật, sau đó tiết lộ thông tin này cho nhà phát triển, cho phép họ và sản phẩm của họ cải thiện được tính bảo mật. Các tổ chức khác nhau sẽ trả “tiền thưởng” hoặc trao giải cho họ khi tiết lộ các lỗ hổng được phát hiện.
Hacker mũ xám
Một hacker mũ xám nằm đâu đó giữa hacker mũ đen và hacker mũ trắng, số lượng của loại hacker này cũng khá hiếm gặp. Nhóm này không đánh cắp thông tin cá nhân hay gây ra các tổn thương cho hệ thống, nhưng họ dễ dàng trở thành tội phạm từ những việc mình đã làm.
Như đã đề cập, một hacker mũ đen sẽ xâm nhập một hệ thống mà không cần xin phép. Trái lại, các hacker mũ trắng sẽ cần sự cho phép trước khi kiểm tra tính bảo mật của bất kỳ hệ thống nào. Hacker mũ xám cũng không cần xin phép để cấp quyền đột nhập vào hệ thống. Mặc dù không nhằm mục đích xấu nào, nhưng hành động này của họ là bất hợp pháp.
Nếu một hacker mũ xám phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật nào trong phần mềm hay trang web, họ có thể sẽ tiết lộ công khai thay vì bí mật gửi chúng đến cho các tổ chức đó. Hành động này sẽ làm một thảm họa cho các tổ chức bị công khai và là cơ hội tuyệt vời cho các hacker mũ đen tận dụng.
Tóm lại, thuật ngữ “mũ đen”, “mũ trắng” và “mũ xám” dùng để chỉ các hành vi của từng nhóm hacker khác nhau. Nếu bạn là một người có khả năng tuyệt vời trong lĩnh vực này, hãy dùng chúng cho những mục đích tốt đẹp nhất!