Ánh sáng luôn là yếu tố phức tạp trong nhiếp ảnh, đặc biệt khi bước vào các thiết lập ánh sáng studio. Đó cũng là lý do nhiều khóa học nhiếp ảnh cơ bản thường chỉ tập trung vào ánh sáng tự nhiên, và ánh sáng nhân tạo được dành riêng cho các khóa dài hạn. Tuy nhiên, Google vừa giới thiệu một công cụ mới có thể giúp mọi thứ trở nên dễ tiếp cận hơn: Learning Light.
Learning Light là một phần trong loạt “thử nghiệm AI” mà Google phát triển dưới sáng kiến Arts & Culture. Công cụ này kết hợp chatbot AI với một sân khấu ảo, cho phép người dùng học các thiết lập ánh sáng khác nhau và thấy ngay kết quả trực quan. Chatbot có tên khá hoài cổ – LuxeBot3000 – sẽ hướng dẫn bạn qua 8 bài học nhỏ, đề cập đến các yếu tố như cường độ, màu sắc, hình dạng, vị trí, cảm xúc và nhiều hơn nữa. Ngoài ra còn có 4 bài học chuyên về ánh sáng trong các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng như Nighthawks của Edward Hopper.
Các bài học được thiết kế ngắn gọn và dễ hiểu. Thay vì trò chuyện mở, chatbot chỉ cung cấp các lựa chọn sẵn để bạn chọn. Thanh nhập văn bản thậm chí bị tắt hoàn toàn trong lúc học, nhưng bạn có thể thoát khỏi hướng dẫn bất kỳ lúc nào để tự điều chỉnh và thử nghiệm – đây mới là điểm mạnh thực sự của công cụ này.
Ở chế độ tùy chỉnh, người dùng có thể điều chỉnh 6 nguồn sáng khác nhau về công suất, góc chiếu, độ mềm bóng đổ (penumbra), sắc độ và độ bão hòa. Các yếu tố này có thể được tinh chỉnh riêng từng đèn hoặc theo nhóm. Mặc định, sân khấu có một ma-nơ-canh và một chậu cây, nhưng bạn có thể thêm các đạo cụ khác như ghế sofa, TV kiểu cũ hoặc thay đổi phông nền từ studio sang các bối cảnh đời thực như nhà hàng, ga tàu, khu trượt tuyết, v.v.
Tất nhiên, Learning Light không hoàn hảo. Số lượng đạo cụ còn hạn chế và khá kỳ lạ (ví dụ như thùng phuy gỉ sét, hộp giấy rách hay hai trụ cứu hỏa). Vị trí đèn cố định, không thể di chuyển – điều khá hạn chế nếu bạn muốn mô phỏng ánh sáng studio thực tế. Ngoài ra, công cụ không hỗ trợ các phụ kiện phổ biến như softbox hay beauty dish, điều thường thấy trong các setup ánh sáng chuyên nghiệp.
Chatbot AI cũng có những giới hạn nhất định – chỉ thay đổi được các thông số cơ bản hoặc trả lời những câu hỏi rất đơn giản. Dù sử dụng nền tảng Gemini AI của Google, cảm giác trải nghiệm vẫn khá sơ khai – giống như dùng vòi cứu hỏa để tưới cây cảnh. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra hy vọng rằng các bản cập nhật sau sẽ thêm nhiều tính năng nâng cao hơn.
Dù còn nhiều điểm hạn chế, Learning Light vẫn là một công cụ hữu ích nhờ giao diện thân thiện, dễ dùng, phù hợp cho người mới bắt đầu làm quen với ánh sáng studio hoặc lên kế hoạch chiếu sáng cơ bản trước buổi chụp. Quan trọng nhất, đây là công cụ hoàn toàn miễn phí – trước khi bạn ra quyết định đầu tưf phần mềm mô phỏng ánh sáng như set.a.light 3D có thể có giá từ 119 USD.