Ông chủ hãng điện thoại Asanzo: Không đi thi sao đậu đại học!

Ví việc làm smartphone như việc đi thi đại học, ông chủ hãng điện thoại Việt Asanzo khẳng định phải “đi thi” thì mới có thể “đậu”.

“Nhiều anh em cản tôi lắm vì thị trường điện thoại giờ cạnh tranh khốc liệt, nhưng mà muốn đậu đại học phải đi thi thôi. Không đi thi sao đậu đại học?”, ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc công ty Asanzo phát biểu hồi cuối tháng 6.

Ông Tam ví việc từ một nhãn hàng sản xuất TV chuyển sang làm smartphone như “đi thi đại học”, mà muốn đậu đại học thì buộc phải đi thi, không thể ngồi đó mà tự dưng đậu.

Một tháng sau, ông Tam mời một số phóng viên công nghệ đến văn phòng mới tại một khu cao ốc sang trọng tại Quận 11, nơi làm việc của nhóm nhân viên phụ trách mảng smartphone thương hiệu Asanzo. Tại đây, những smartphone mới mang nhãn Asanzo được hé lộ, với thời gian dự kiến bán ra trong tháng 8. Và mới đây nhất, Asanzo gửi thư mời đến giới truyền thông để giới thiệu các smartphone của mình một cách chính thức, vào ngày 15/8.

Theo ông Tam, smartphone Asanzo sẽ được lắp ráp tại nhà máy 500 mét vuông ở Khu công nghiệp Tân Bình.

“Việc lắp ráp tại nhà máy không lời hơn so với nhập nguyên chiếc, tuy nhiên lắp ráp trong nước sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được chất lượng sản phẩm”, ông chủ Asanzo cho biết.

Trước đó, từ năm 2014 thương hiệu Asanzo được biết đến với những chiếc TV CRT len lỏi vào ngõ ngách các vùng quê, sau đó hãng mở rộng sản xuất sang TV LCD, TV LED.

“Cũng như việc chuyển từ sản xuất TV CRT sang TV LED để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi sẽ sản xuất smartphone để tận dụng lợi thế sẵn có và mở rộng kinh doanh”, CEO 8x của Asanzo nói.

Theo ông Tam, mạng lưới phân phối của Asanzo hiện tiếp cận được 6.000 cửa hàng trên toàn quốc, chưa kể các đối tác bán sỉ của công ty có thể bỏ mối cho các cửa hàng nhỏ hơn. Nếu một cửa hàng trong hệ thống phân phối của Asanzo mỗi tháng bán được 2-3 chiếc smartphone thì trung bình mỗi tháng doanh số có thể đạt 20.000 máy, một con số rất cao nếu so với doanh thu hiện tại của các hãng smartphone trong nước.

Nói về những rủi ro khi tham gia thị trường di động, ông chủ Asanzo cho biết đã có nền tảng sẵn từ khâu phân phối, kho bãi, quy trình, hiện chỉ đầu tư thêm nhà máy lắp ráp sản phẩm smartphone và nhân sự phụ trách mảng này. Asanzo sẽ không đầu tư theo kiểu “5 ăn 5 thua” mà xác định đầu tư lâu dài, có lộ trình và điểm dừng, vì công ty còn các lĩnh vực kinh doanh khác, không chỉ “sống chết” vì mỗi ngành di động.

“Chúng tôi tính toán để trong khoảng thời gian hai năm không bị lỗ, sau đó sẽ tìm kiếm lợi nhuận. Thời gian có lợi nhuận có thể đến sớm hơn”, ông Tam nói.

Theo kế hoạch ban đầu, smartphone thương hiệu Asanzo sẽ khó tiếp cận các chuỗi bán lẻ lớn, tuy nhiên thế mạnh của hãng là từ các cửa hàng đang bán TV Asanzo.

“Các cửa hàng này thiếu một thương hiệu điện thoại như Asanzo để tạo khác biệt với chuỗi hệ thống lớn. Do đó chúng tôi sẽ sản xuất smartphone cho kênh này trước”, ông Tam nói.

Trong buổi gặp mặt, Asanzo trưng ra các mẫu smartphone họ sẽ ra mắt vào ngày 15/8, chúng tuy không sở hữu công nghệ gì nổi bật nhưng thiết kế hướng đến số đông, trong các smartphone này có smartphone dùng camera kép.

“Chúng tôi sẽ không sản xuất smartphone giá rẻ nhưng sẽ ở mức dưới 5 triệu đồng. Smartphone Asanzo hướng đến người dân thu nhập thấp ở vùng quê, tương tự cách làm của TV Asanzo”, ông Tam chia sẻ.

TV Asanzo được bán ở các hệ thống điện máy lớn hiện nay. Hãng cũng bán chạy trên kênh online Lazada, ông Tam không giấu ý định sản xuất các smartphone Asanzo độc quyền cho kênh online này.

Asanzo là thương hiệu Việt ra đời từ năm 2014. Hiện công ty sở hữu dây chuyền sản xuất tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc A TP.HCM với số vốn đầu tư được cho là hơn 20 triệu USD.

Quảng cáospot_img
Quảng cáospot_img

Tin liên quan