Nâng cấp các phiên bản phần mềm sẽ luôn là điều cần thiết để sửa các lỗi, nhưng liệu điều này có đúng với BIOS hay không khi mà đôi khi các bản BIOS còn gây tình trạng lỗi máy?
Việc nâng cấp hệ điều hành hay các phần mềm lên phiên bản mới nhất là điều nên làm để giữ cho thiết bị hoạt động ổn định, ít gặp lỗi và ở trong tình trạng tốt nhất. Tuy nhiên với BIOS thì khác, nâng cấp nó sẽ không làm cho máy tính của bạn nhanh hơn, không thêm tính năng mới và đôi khi còn gây lỗi nữa. Vậy thì có nên cập nhật BIOS hay không?
BIOS là gì?
BIOS là Basic Input/Output System, nghĩa là hệ thống nhập/xuất cơ bản. Đây là thứ sẽ chạy khi bạn bắt đầu mở máy, đầu tiên là power-on self test (POST) và sau đó chuyển quyền điều hành sang boot loader. Đây là thứ sẽ chạy hệ điều hành của máy tính của bạn, hiểu đơn giản BIOS là phần mềm hệ thống bậc thấp sẽ “đánh thức” từng linh kiện và kiểm tra xem linh kiện này có hoạt động hay không. Sau đó nó sẽ chuyển quyền kiểm soát lại cho hệ điều hành. Dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng thiếu đi BIOS thì thiết bị của bạn sẽ không thể khởi động được.
Một điều cần lưu ý khác đó chính là BIOS được lưu trữ trong một con chip trên bo mạch chủ, tách biệt hoàn toàn so với bộ nhớ của máy tính và không được lưu trữ tại đây như hệ điều hành.
Cập nhật BIOS ra sao?
Thông thường các nhà sản xuất sẽ rất hay tung các bản BIOS mới dù không thường xuyên. Một bản nâng cấp BIOS sẽ được tung ra từ nhà phát hành của bo mạch chủ, ví dụ bạn đang sử dụng bo mạch chủ Intel từ Gigabyte, thì bạn sẽ cần tới trang web của Gigabyte để tìm bản cập nhật. Việc cập nhật BIOS sẽ được gọi là flashed, thay thế bản cũ bằng một bản mới. Ngoài ra BIOS cũng cần phải là phiên bản chính xác dành cho bo mạch chủ hoặc máy tính của bạn, vì vậy nếu bạn sử dụng bo mạch chủ ví dụ như ASUS TUF Z390 PLUS GAMING WI-FI thì cần cài đặt đúng bản BIOS dành cho bo mạch chủ này.
Tạo sao không nên cập nhật BIOS?
Như đã nói ở trên, cập nhật BIOS sẽ không thêm các tính năng mới hay cải thiện nhiều hiệu năng của thiết bị. Cập nhật BIOS thường thay đổi rất ít, chủ yếu là sửa các lỗi liên quan tới tương thích phần cứng hay hỗ trợ các mẫu CPU mới. Nếu máy tính của bạn đang hoạt động tốt, kiểm tra thay đổi trong bản BIOS mới không có nhiều về sửa lỗi hay không có gì đáng chú ý thì bạn có thể bỏ qua.
Cần căng nhắc kỹ lưỡng, vì đôi khi phiên bản BIOS mới chẳng có gì mới nhưng lúc cài đặt và sử dụng sẽ có lỗi. Hoặc đôi khi khi đang flash bản BIOS mới qua DOS (cách truyền thống, cập nhật qua USB Boot) cũng sẽ gặp lỗi và ảnh hưởng tới thiết bị. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu BIOS gặp lỗi hoặc bạn flash sai phiên bản, tệ hơn nữa là đang cập nhật thì mất điện/tắt mát có thể khiến thiết bị không thể khởi động và vào trạng thái “bricked”.
Nếu gặp trường hợp này và may mắn bo mạch chủ của bạn có tính năng BIOS Recovery (phục hồi BIOS) thì có thể cứu vớt được, nếu không thì chỉ có thể đến trung tâm bảo hành mà thôi.
Khi nào nên cập nhật BIOS?
Vậy thì khi nào bạn nên cập nhật BIOS:
- Khi phiên bản BIOS mới sửa các lỗi mà thiết bị đang gặp phải, lúc này việc cập nhật là nên làm và bạn có thể liên hệ tới các trung tâm bảo hành, các cửa hàng mua thiết bị để được hỗ trợ cập nhật BIOS.
- Khi bản BIOS mới đem đến hỗ trợ phần cứng mới, CPU mới,… Lúc này bạn nên cập nhật BIOS. Ngoài khi ví dụ bạn muốn nâng cấp CPU mới mà mainboard của bạn lúc mua máy chưa hỗ trợ thì bạn cũng nên cập nhật BIOS. Bạn có thể liên hệ tới các trung tâm bảo hành, các cửa hàng mua thiết bị để được hỗ trợ cập nhật BIOS.