Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. (MHI) đã ký thỏa thuận với Học viện Công nghệ Bandung (ITB) của Indonesia để hợp tác tiến hành một dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất điện bằng khí đốt amoniac sử dụng tuabin khí. MHI và ITB đã và đang tiến hành nghiên cứu chung về nhiều giải pháp năng lượng sạch để giúp Indonesia đạt được quá trình khử cacbon. Là một phần của sáng kiến đang diễn ra đó, nghiên cứu mới này sẽ áp dụng kiến thức chuyên môn của ITB trong kỹ thuật phản ứng hóa học nhằm tối ưu hóa phát điện bằng cách sử dụng nhiên liệu amoniac. Sau khi hoàn thành đợt chạy thử để chứng minh hiệu quả với tuabin khí H-25 của MHI, các đối tác Nghiên cứu và Phát triển của dự án sẽ tiếp tục tích cực tìm cách áp dụng công nghệ sản xuất điện bằng khí amoniac ở Indonesia cho mục đích thương mại.
Vào năm 2020, MHI và ITB đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác nghiên cứu các giải pháp năng lượng sạch thế hệ tiếp theo và phân tích dữ liệu lớn liên quan đến các nhà máy điện. Vào tháng 2 năm 2022, MHI và ITB đã đồng ý gia hạn Biên bản ghi nhớ này thêm 5 năm, từ đó tiếp tục mối quan hệ hợp tác để phát triển các công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình khử cacbon ở Indonesia. Giờ đây, cũng theo Biên bản ghi nhớ này, hợp tác Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sản xuất điện bằng khí đốt amoniac sẽ được tiến hành tại các cơ sở của ITB, với ba mục tiêu bao trùm là: thúc đẩy phát triển công nghệ giữa Nhật Bản và Indonesia; đẩy mạnh trao đổi công nghệ và nhân sự với các nhà giáo dục và thành viên nhóm nghiên cứu của ITB; và tăng cường việc áp dụng năng lượng sạch tại Indonesia.
Lễ ký kết thỏa thuận mới này đã diễn ra ở Tokyo vào ngày 26 tháng 9 tại Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Tăng trưởng Xanh Châu Á lần thứ 2 (AGGPM) dưới sự bảo trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).
Theo Biên bản ghi nhớ năm 2020 nhằm mục tiêu khử cacbon trong lĩnh vực năng lượng của Indonesia được ký kết giữa MHI và ITB – tổ chức đã đào tạo ra nhiều thành viên ưu tú hoạt động trong công tác chính phủ, trong lĩnh vực học thuật và tài chính của Indonesia, hai bên đã cùng thực hiện các nghiên cứu khả thi, không chỉ về các nguồn năng lượng mới nổi như hydro và amoniac, mà còn về hệ thống kiểm soát chất lượng không khí (AQCS) và các giải pháp lưới điện siêu nhỏ (microgrid). Để đào tạo những kỹ sư đóng góp cho tương lai của Indonesia, MHI và ITB cũng đã tiến hành các bài giảng chung về nhiều chủ đề, từ phân tích dữ liệu lớn đến năng lượng sinh khối, hệ thống chu trình hỗn hợp khí hóa than tích hợp (IGCC), sử dụng hydro và phát triển AQCS.
Biên bản ghi nhớ mới được ký kết vào thời điểm Indonesia đang tăng cường nỗ lực khử cacbon trong lĩnh vực năng lượng, thể hiện qua các cam kết được công bố chính thức là quốc gia này sẽ đạt mức sử dụng năng lượng tái tạo là 23% vào năm 2025, và giảm lượng khí thải nhà kính xuống còn 29% vào năm 2030. Trong tương lai, cùng với sự hỗ trợ từ thương hiệu giải pháp điện Mitsubishi Power của mình, MHI mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển khoa học và công nghệ của Indonesia, cũng như ổn định nguồn cung cấp điện và bảo vệ môi trường tại quốc gia này.