Đã bao giờ bạn chụp ảnh và tự hỏi rằng tại sao các bức ảnh của bạn khi chụp ở khẩu độ f/22 lại cho chất lượng không như mong muốn, trong khi chụp ở khẩu độ rộng hơn như f/8 chẳng hạn lại tốt hơn?
Về mặt lý thuyết thì khẩu độ càng nhỏ thì độ nét càng cao, nhưng khi bạn khép khẩu độ lại như f/22 chẳng hạn thì sẽ xuất hiện hiện tượng ảnh không rõ nét và có hiện tượng gọi là “soft”. Bạn có biết lý do vì sao hiện tượng này lại xuất hiện và lại đi ngược với lý thuyết hay không? Lý giải cho việc này, đó chính là hiện tượng nhiễu xạ (diffraction). Thực tế dù nhiều nhiếp ảnh gia biết rõ hiện tượng này khi tác nghiệp trong vài trường hợp, nhưng không nhiều trong số họ biết rõ được nguyên nhân của hiện tượng này xét về khía cạnh quang học. Để giúp những ai đang băn khoăn, ZY Production đã đăng tải một video lý giải việc này:
Theo như ZY Production, hiện tượng nhiễu xạ ảnh hưởng mọi thứ, từ các cơn sóng nước, sóng âm thanh và trong trường hợp này là sóng ánh sáng. Hiện tượng nhiễu xạ sẽ xuất hiện khi các sóng đi qua một lỗ nhỏ và từ đó nó có xu hướng tản ra mọi phía, trong trường hợp của chúng ta chính là lỗ nhỏ tạo thành từ ống kính máy ảnh.
Vì hiện tượng này, ánh sáng sau khi lan ra bên trong cảm biến đã không được tập trung lại một chỗ để tạo một điểm sáng nét và sẽ xuất hiện hiện tượng một điểm sáng với các vòng sáng bao quanh, được gọi là Airy Disk.
Hiện tượng nhiễu xạ thực tế xuất hiện kể cả khi bạn mở khẩu lớn nhất của ống kính, tuy nhiên ảnh hưởng của nó rất ít nên không hề gây ảnh hưởng tới chi tiết ảnh. Nhưng mỗi khi bạn khép khẩu ống kính lại, hiện tượng càng xuất hiện nhiều hơn và vượt qua một con số nhất định thì hiện tượng giảm chi tiết do nhiễu xạ sẽ xuất hiện và sẽ càng dễ nhận thấy hơn. Như vậy, hiện tượng nhiễu xạ có ở tất cả mọi khẩu độ chứ không phải chỉ sau f/22, chỉ là ở một mức khoảng f/11 trở lên thì nó mới đáng kể và ảnh hưởng tới chất lượng ảnh.
Nhưng cần hiểu rõ lý do vì sao mà khi khép khẩu từ khẩu độ lớn nhất bức ảnh lại trở nên rõ hơn. Đó chính là khi bạn khép khẩu, hiện tượng quang sai sẽ giảm đi và bức ảnh rõ hơn, nhưng giống như đề cập ở trên khi bạn vượt qua con số nhất định thì hiện tượng nhiễu xạ đủ sức ảnh hưởng tới chi tiết ảnh.
Và lý do tại sao khi ZY Production không gặp trường hợp nhiễu xạ trước khi thiết lập khẩu độ tới mức f/11. Đó chính là vì độ mờ ảnh do sự nhiễu xạ rất nhỏ trước mắt mà nó sẽ ảnh hưởng tới điểm ảnh nhất định bên trong cảm biến. Nói một cách dễ hiểu hơn là lấy ví dụ hai bức ảnh chú mèo bị soft bên dưới, một ảnh chụp ở f/4 và một ảnh chụp ở f/8, các ô vuông nhỏ tượng trưng cho kích thước một điểm ảnh.
Khi hiện tượng nhiễu xạ xuất hiện ở f/4 trong một điểm ảnh nhất định vẫn còn khá nhỏ để lan ra các điểm ảnh bên cạnh, từ đó ở f/4 sẽ có hiện tượng nhiễu xạ nhưng không đáng kể ảnh hưởng tới tổng thể chất lượng ảnh. Nhưng khi khép khẩu độ tới f/8, hiện tượng nhiễu xạ bắt đầu nhiều hơn và lan dần sang các điểm ảnh bên cạnh, từ đó hiện tượng soft dễ phát hiện và chất lượng ảnh thấp cũng dễ nhìn thấy hơn.
Như vậy ZY Production đưa ra hai kết luận:
- Sự nhiễu xạ là hoàn toàn giống nhau ở các máy ảnh và nó xuất hiện kể cả khi ống kính mở khẩu lớn nhất cho đến khi khép khẩu nhỏ nhất. Tuy nhiên, các máy ảnh có cảm biến độ phân giải cao hơn sẽ cho thấy hiện tượng nhiễu xạ sớm hơn vì các điểm ảnh riêng biệt rất nhỏ.
- Một chiếc ống kính được hiệu chỉnh tốt sẽ cho thấy các hiện tượng nhiễu xạ xấu sớm hơn.
Tất nhiên đây đều là các kết luận và giải thích từ bộ thiết bị của ZY Production sở hữu. Để biết được ống kính của bạn rõ nét ở khoảng khẩu độ nào thì hãy thực hiện thí nghiệm giống ZY Production, chụp các bức ảnh một bề mặt nhiều chi tiết (cuốn sách, cuốn tập hoặc chiếc ghế sofa) với nhiều khẩu độ khác nhau để thử nghiệm.