Hiện nay, làn sóng AI tạo sinh đang dần lan rộng và trở thành chủ đề nóng khi các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm giải pháp để ứng dụng công nghệ này vào hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, để áp dụng AI tạo sinh một cách hiệu quả, doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức quan trọng.
AI tạo sinh (Generative AI) là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (AI), tập trung vào việc sử dụng máy học để tạo ra nội dung và dự đoán kết quả. Đây là lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua và ngày càng phát triển rộng rãi tại Việt Nam. Ông Phạm Gia Dân, Giám đốc kinh doanh công nghệ của Infobip tại châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ góc nhìn về việc ứng dụng AI và các khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi đưa AI vào hoạt động.
Theo báo cáo của FPT Digital, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng AI như ChatGPT để tối ưu hóa tương tác khách hàng và triển khai chiến dịch marketing hiệu quả. Thị trường AI trong nước được dự đoán tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, đạt giá trị thị trường 1 tỷ USD vào năm 2025. Làn sóng AI tạo sinh đầu tiên cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của công nghệ này khi AI hỗ trợ giao tiếp như một trợ lý thông minh, giúp cá nhân nâng cao hiệu suất. Làn sóng thứ hai của AI tạo sinh đi sâu vào ứng dụng doanh nghiệp, giúp dự đoán xu hướng, cá nhân hóa trải nghiệm và phân tích dữ liệu lớn để ra quyết định chiến lược. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít thách thức trong việc triển khai.
Khó khăn khi triển khai AI tạo sinh
Ông Phạm Gia Dân nhận định, thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao là rào cản lớn cho các doanh nghiệp khi muốn triển khai AI, đặc biệt trong lĩnh vực AI tạo sinh. Những chuyên gia am hiểu về học sâu (Deep Learning) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) còn khá khan hiếm. Bên cạnh đó, áp lực tài chính cũng là một yếu tố khó khăn khi chi phí nâng cấp hạ tầng và phần mềm vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoặc start-up. Ngoài ra, các công ty chưa sẵn sàng xử lý lượng dữ liệu lớn và còn dè dặt về hiệu quả đầu tư vào AI.
Theo chiến lược của Chính phủ Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030 là đưa đất nước trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại khu vực ASEAN. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Dân chỉ ra những thách thức cần vượt qua, như tài nguyên đầu tư hạn chế, thiếu hụt kỹ năng chuyên môn và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn.