Huawei mạnh miệng tuyên bố không dùng ứng dụng Google nữa ngay cả khi được Mỹ cho phép trở lại, nhưng bất ngờ công ty đã rút lại lời nói của mình.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Huawei vô tình nằm giữa và đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ từ giữa tháng 5 năm ngoái, khiến nhà sản xuất Trung Quốc này không thể tiếp cận chuỗi cung ứng của mình tại Mỹ. Điều này đã khiến cho công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt là không còn được phép sử dụng dịch vụ cũng như các ứng dụng Google đã khiến cho mảng smartphone của công ty lao đao trong thời gian vừa qua.
Mặc dù doanh số bán hàng tại Trung Quốc vẫn không ảnh hưởng nhiều, nhưng việc thiếu đi các dịch vụ Google đã khiến doanh số quốc tế sụt giảm nghiêm trọng. Huawei đã phải phát triển dịch vụ di đọng Huawei của riêng công ty để thay thế Google, kêu gọi các nhà phát triển ứng dụng phát triển các ứng dụng thông qua AppGallery của công ty. Hiện tại mọi chuyện vẫn chưa có kết quả và phải đợi dòng P40 ra mắt mới rõ được, nhưng tình hình có vẻ không khả quan và theo báo cáo thì Huawei phải chi tận 3 tỷ USD trong năm nay để phát triển dịch vụ di động Huawei này.
Vào năm ngoái, Huawei đã xoay sở và bán được 238,5 triệu điện thoại. Trước đó vào đầu 2019 vào đầu năm 2019 Huawei từng kỳ vọng sẽ bán được đến 300 triệu thiết bị và vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Tuy nhiên trái ngược lại thì công ty chỉ nằm tại vị trí thứ hai.
Với sự sụt giảm và ảnh hưởng tới doanh số công ty lần này thì bạn sẽ nghĩ rằng Huawei đang mong muốn được cấp phép sử dụng lại các ứng dụng và dịch vụ Google. Tuy nhiên trái lại, theo một tờ báo tiếng Đức là DerStandard, Tổng giám đốc Huawei Fred Wangfei khi được phỏng vấn tại Vienna vào hôm qua đã nói rằng công ty sẽ không đưa các ứng dụng Google vào điện thoại mới nữa kể cả khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm và các lệnh giới hạn.
Đáng chú ý là trước đó Giám đốc Người tiêu dùng của Huawei, Richard Yu, phát biểu vào tháng 9 năm ngoái trái ngược lại những gì ông Wangfei cho biết. Ông Yu nói rằng nếu Huawei được phép tiếp cận chuỗi cung ứng Mỹ, hãng sẽ đưa các ứng dụng Google trở lại dòng Mate 30 chỉ sau một đêm.
Phát biểu của Wangfei cho thấy có vẻ như Huawei đang muốn chấm dứt sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng Mỹ và không còn muốn đối mặt tình trạng khủng hoảng do sức ép từ nước này gây ra. Tuy nhiên có vẻ như vị tổng giám đốc này đã phát biểu hơi nhanh khi mà cuối ngày, Huawei đã nói lại rằng lựa chọn đầu tiên của hãng vẫn là “một hệ sinh thái Android mở”, nhưng công ty muốn đảm bảo có thể mang lại một hệ sinh thái của riêng mình nếu không được sử dụng hệ sinh thái của Google.
Còn về phía Mỹ thì xem Huawei là một mối đe doạ an ninh quốc gia từ năm 2012, theo các chuyên gia luật tại nước này đã quan ngại rất nhiều về mối ràng buộc giữa công ty với chính phủ Trung Quốc. Cụ thể là chính quyền của tổng thống Trump tin rằng Trung Quốc có một đều luật cho phép chính phủ nước này có thể yêu cầu Huawei theo dõi khách hàng vị lợi ích quốc gia. Điều này khiến các quan chức Mỹ lo sợ rằng điện thoại và các trang thiết bị mạng của Huawei đang sử dụng rộng rãi có thể mở một cửa hậu và gửi các thông tin của người dùng và các tập đoàn Mỹ về cho Bắc Kinh. Huawei đã liên tục phủ nhận điều này.
Huawei bên cạnh là nhà sản xuất smartphone lớn cũng còn là nhà cung cấp trang thiết bị mạng lớn nhất thế giới. Mỹ cũng đã cảnh báo các đồng minh không nên sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng 5G đang xây dựng cho kỷ nguyên sắp tới. Tuy nhiên, Nhật Bản và Úc nghe theo, thì Đức và Anh lại làm điều ngược lại.