Titanic: The Digital Resurrection, bộ phim tài liệu mới từ National Geographic, hé lộ chi tiết chưa từng có về thảm kịch Titanic thông qua một mô hình 3D tinh xảo. Mô hình này được tạo ra từ 715,000 bức ảnh kỹ thuật số, chụp ở độ sâu hơn 3,800 mét dưới lòng biển Bắc Đại Tây Dương, ngoài khơi Newfoundland.
Dự án được dẫn dắt bởi William McMaster – Giám đốc kỹ thuật và đồng sáng lập công ty Megascapes. Ông là chuyên gia về truyền thông nhập vai, từng tham gia nhiều dự án VR và photogrammetry. Vào năm 2022, McMaster cùng công ty khảo sát biển sâu Magellan đã tiến hành ghi hình xác tàu, xử lý dữ liệu trong nhiều tháng để xây dựng mô hình hoàn chỉnh sẽ được công bố ngày 11/4 lúc 9 giờ tối (giờ EDT).

Hơn 715.000 bức ảnh đã được ghi lại từ mọi góc độ nhờ các thiết bị điều khiển từ xa (ROV). Mỗi lần lặn phải mất tới bốn tiếng để đưa thiết bị từ tàu mẹ xuống khu vực xác tàu. Tổng dung lượng dữ liệu thu được lên đến 16 TB. Do khối lượng quá lớn, nhóm không thể dựng mô hình một lần mà phải ghép từng phần lại với nhau như trò chơi xếp hình khổng lồ.

“Tôi mất khoảng sáu tháng để hoàn tất mô hình. Khoảnh khắc ghép mảnh cuối cùng tại văn phòng khiến tôi xúc động, vì tôi là người đầu tiên trên thế giới thấy được toàn bộ xác tàu Titanic ở dạng số hóa” McMaster chia sẻ. Sau đó, ông tải mô hình vào Unreal Engine và trải nghiệm qua kính VR. “Khi nhìn thấy nó ở tỷ lệ thật, cảm giác thật choáng ngợp.”

Dù ở độ sâu lớn, ánh sáng không phải là trở ngại – hệ thống đèn LED cực sáng đã đảm bảo đủ độ phơi sáng. Thách thức thực sự là các hạt bụi nước bị khuấy lên khi ROV tiến gần xác tàu. “Nếu bị khuấy đục, chúng tôi phải chờ vài phút hoặc quay lại vị trí đó sau” ông cho biết.

Camera được sử dụng là loại Micro Four Thirds 5MP – không phải thiết bị cao cấp hàng trăm megapixel. Tuy nhiên, nhờ cảm biến có độ nhiễu thấp, kết hợp với ánh sáng mạnh, nhóm có thể chụp với ISO thấp, cho ảnh rất sạch – phù hợp với thuật toán dựng mô hình từ ảnh (photogrammetry).

Việc chụp ảnh từ nhiều góc giúp nhóm có dữ liệu 3D đầy đủ, đồng thời họ cũng dùng camera LiDAR để bổ sung thông tin độ sâu ở những khu vực khó tiếp cận. Nhờ đó, mô hình số có độ chi tiết chưa từng có.

Mặc dù mang tính đột phá về công nghệ, McMaster nhấn mạnh rằng ông luôn ghi nhớ Titanic là một nghĩa trang dưới biển. “Bạn thấy những ô cửa sổ bị bật tung. Có thể trong lúc tàu chìm, người bên trong đã cố mở ra để kêu cứu. Những chi tiết đó khiến tôi không thể quên rằng đây là một bi kịch khủng khiếp,” ông nói.

Dự án này còn mang ý nghĩa lớn đối với hiện tại, khi mà đã gần 113 năm kể từ đêm định mệnh 15/4/1912 – thời điểm Titanic vĩnh viễn biến mất dưới lòng biển. Nhờ công trình của McMaster và nhóm cộng sự, những phát hiện mới đã thay đổi cách chúng ta hiểu về thảm kịch đó.
Một van hơi nước được phát hiện ở trạng thái mở – điều này khớp với lời kể của các nhân chứng rằng nhóm kỹ sư đã ở lại phòng nồi hơi để duy trì điện, giúp tàu gửi đi tín hiệu cầu cứu. Hành động dũng cảm của 35 người này có thể đã cứu sống hàng trăm hành khách khác.

Một phát hiện khác liên quan đến sĩ quan William McMaster Murdoch – người từng bị cáo buộc rời bỏ vị trí. Nhờ mô hình 3D, vị trí một tay quay xuồng cứu sinh đã hé lộ rằng ông có thể đã bị cuốn trôi bởi sóng biển, đúng như lời kể của sĩ quan Charles Lightoller – người sống sót trong thảm kịch.
Cùng với bộ phim phát sóng ngày 11/4, National Geographic cũng đăng tải một bài viết phân tích kỹ hơn về kỹ thuật số hóa mô hình Titanic và các phát hiện mang tính lịch sử đi kèm.