FPT nhận bằng khen của Bộ TTTT về thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh quốc tế

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, FPT được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) trao tặng bằng khen về việc đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thị trường quốc tế năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Đại diện FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT và bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software (Công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT) vinh dự nhận bằng khen của Bộ TT&TT.

Sau 23 năm đi ra nước ngoài, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký xấp xỉ 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế vào năm nay, tăng trưởng trên 30%. Trong đó, tính đến tháng 11, thị trường Châu Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng hơn 48%, thị trường Châu Á Thái Bình Dương tăng hơn 47%, thị trường Nhật tăng 27%. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm khoảng 40% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Con số này cũng khẳng định FPT đã đi đúng hướng trong hiện thực hóa chiến lược chuyển dịch sang cung cấp các dịch vụ CNTT tổng thể và toàn diện dựa trên các công nghệ lõi như AI, IoT, Cloud, Big Data, Automation… cho các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.

Trong năm 2022, CBNV FPT đạt thêm hơn 13,000 chứng chỉ quốc tế, trong đó có các chứng chỉ hãng Microsoft/Google/Amazon…, chứng chỉ ngoại ngữ, kỹ năng mềm về quản trị dự án … FPT cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng triển khai các trương trình đào tạo chuyên sâu cho CBNV, đặc biệt là các chương trình đào tạo liên quan đến các công nghệ cốt lõi như AI, Cloud, Big Data, IoT, Automation…. Dự kiến Tập đoàn sẽ đạt quy mô nhân sự 60,000 người vào đầu năm 2023.

Không chỉ đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững, năm 2022, FPT cũng không ngừng mở rộng quy mô hiện diện mà còn đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế.

Năm 2022, FPT mở mới hàng loạt các văn phòng tại các thị trường quan trọng như Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nhật Bản. Mạng lưới các văn phòng và 22 trung tâm phát triển phần mềm, trung tâm nguồn lực tại 27 quốc gia trên toàn cầu giúp FPT triển khai 24/7 các dịch vụ CNTT cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Trong năm 2023, FPT tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên toàn nhằm mở rộng thị trường, tập khách hàng thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Cùng với việc tăng cường sự hiện diện của thương hiệu ngành CNTT Việt Nam trên toàn cầu, FPT cũng tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A tại thị trường nước ngoài góp phần nâng tầm vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Trong năm 2022, FPT tại Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc., công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật Bản, với hơn 20 năm kinh nghiệm. Hợp tác này sẽ giúp FPT và LTS, Inc. có thể cạnh tranh với các công ty tư vấn chuyển đổi số hàng đầu thế giới, thúc đẩy phát triển công nghệ sáng tạo và cung ứng dịch vụ chuyển đổi số toàn diện, từ tư vấn, triển khai đến bảo trì hệ thống cho các tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, giúp thúc đẩy chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu.

FPT nhận bằng khen của Bộ TTTT về thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh quốc tế

“Đây là sự ghi nhận hết sức trân quý của Bộ TT&TT dành cho những nỗ lực của 6 vạn CBNV FPT, trong đó có 2.7 vạn kỹ sư phần mềm đang trực tiếp làm với khách hàng tại các văn phòng, trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn trên toàn cầu. Đặc biệt hơn nữa là, doanh thu từ chuyển đổi số chiếm gần 1/2 tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Cùng với cộng đồng các công ty CNTT VN, giờ đây FPT đã đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ”, ông Khoa chia sẻ.

Cũng theo ông Khoa, FPT đạt được những kết quả trên là nhờ chuyển dịch mạnh mẽ sang cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể và toàn diện từ khâu tư vấn, thiết kế, phát triển đến triển khai các dự án chuyển đổi số quy mô lớn cho các doanh nghiệp hàng đầu thế giới khắp các châu lục. 

Năm 1999, FPT bắt đầu bước chân ra thị trường nước ngoài, mặc dù trong 3 năm đầu, vấp phải không ít khó khăn, thậm chí có thời điểm từng cân nhắc việc ngừng hoạt động kinh doanh nay. Tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ toàn cầu hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm, FPT đã đóng góp tích cực vào doanh thu xuất khẩu phần mềm của ngành CNTT Việt Nam, đồng thời nâng tầm trí tuệ Việt Nam trên sân chơi toàn cầu với nguồn nhân lực tăng mạnh về số lượng và chất lượng.

Hiện, trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài, dựa trên các công nghệ cốt lõi như AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Cloud (Điện toán đám mây), Blockchain (Chuỗi khối), Big data (Dữ liệu lớn), Automation (Tự động hoá), FPT đang tư vấn, phát triển, triển khai các dịch vụ/giải pháp chuyển đổi số, dịch vụ/giải pháp công nghệ cho hơn 1,000 khách hàng toàn cầu, trong đó có khoảng trên 100 khách hàng trong danh sách Fortune Global 500, góp phần khẳng định vị thế, năng lực của ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ số thế giới.

Đặc biệt, FPT cũng luôn bắt kịp các xu hướng và cơ hội kinh doanh mới. Khi thế giới đang nói về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, FPT đã đồng hành cùng các tâp đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, ô tô thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế xanh. Chẳng hạn, Tập đoàn FPT đang cùng một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng. Và nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này chính là nhà máy tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của họ trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu  u để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam này. Trong lĩnh vực xe ô tô điện, một trong những việc quan trọng của ngành này là việc đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện.

FPT nhận bằng khen của Bộ TTTT về thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh quốc tế

Việc tích lũy kinh nghiệm, năng lực công nghệ trong 23 năm làm việc tại nước ngoài giúp FPT trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao, như dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM, Hệ thống quản lý thuế TMS; Hệ thống vé tàu điện tử; Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital; đóng góp vào sự phát triển KTXH quốc gia.

Một số con số nổi bật của ngành CNTT-TT trong năm 2022

  • Doanh thu toàn ngành CNTT – TT tăng 12.7%, nộp ngân sách ước tăng 24.8% so với cùng kỳ.
  • Ước tính đóng góp của kinh tế số cho GDP đạt 14.26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7.18%.
  • Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 74.5%.
  • Tỷ lệ Make in Vietnam đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT là 38.4%.
  • 400 sản phẩm Make in Vietnam ra thế giới.
  • Doanh thu từ đối tác nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm năm 2022 ước đạt 2.2 tỷ USD.
Quảng cáospot_img

Tin liên quan

Tin gần đây