Không hẳn là một chiếc tai nghe giá rẻ đối với thị trường Việt Nam, nhưng với những gì Steelseries Arctis 5 đem lại ở phân khúc giá tầm 2.5 triệu đồng thì nếu bạn là một game thủ đang tìm mua một chiếc tai nghe chơi game với tiêu chí “tốt nhưng giá cả phải chăng” thì chiếc tai nghe đến từ “thương hiệu tai nghe chơi game tốt nhất” được trang PCGamer bình chọn này sẽ là một lựa chọn sáng giá.
Ưu điểm:
- Thiết kế lạ, đẹp mắt (đặc biệt là phần dây cao su Ski Goggle)
- Thoải mái khi sử dụng trong thời gian dài (hai bên tai có thể xoay 90 độ, phần đệm tai làm bằng vật liệu nỉ thoáng khí và trọng lương tương đối nhẹ)
- Chất lượng âm thanh tốt cho cả hai nhu cầu nghe nhạc và chơi game
- Tính năng ChatMix Dial độc đáo
- Hệ thống đèn led RGB tùy chỉnh được
- Có thể sử dụng cho PC, Consolse và điện thoại di động
Nhược điểm:
- Chế độ âm thanh 7.1 khá bình thường
- Dây cáp ngắn
- Phần lớn là chất liệu nhựa (headband)
Ngay từ khi mở hộp, mình đã cảm thấy Arctis 5 có một thiết kế khá là lạ lùng với phần dây cao su đập kì lạ đập ngay vào mắt. Sở dĩ như vậy là vì Steelseries đã loại bỏ phần khấc điều chỉnh kích cỡ headband thường thấy và dải băng cao su này sẽ đảm nhiệm vai trò đó.
Sau khi tìm hiểu thì được biết dây cao su này có tên là Ski Goggle, để điều chỉnh kích cỡ thì bạn sẽ phải tự mình gỡ dây ra và căn chỉnh cho phù hợp, hơi mất thời gian nhưng với sự đàn hồi của dải dây này việc đeo thoải mái hơn so với kiểu thiết kế truyền thống.
Bên cạnh chức năng dùng để điều chỉnh kích cỡ thì mục đích thứ hai của Steelseries với thiết kế dải dây cao su này chính là để “làm đẹp”, hiện tại trên trang chủ của Steelseries có bán rất nhiều màu sắc vô cùng đẹp và bắt mắt nhưng một điểm trừ to đùng là không ship về Việt Nam. Nếu bạn khéo tay có thể tự làm cũng được nhưng chất lượng có thể sẽ không tốt, không bền như của hãng nên vì vậy hãy cố gắng đừng làm mất phần này.
Quay trở lại với tai nghe, phần chụp tai được thiết kế theo hình oval để có thể bao trọn phần tai giúp cho việc đeo lâu không bị đau. Mặt ngoài của phần chụp tai là logo Steelseries cùng một dãy đèn led RGB (có thể tùy chỉnh được) bo sát với hình dáng của phần chụp tại tạo nên một vẻ đẹp hiện đại hơn rất nhiều.
Hai bên chụp tai được hãng thiết kế cho phép xoay 90 độ để bạn có thể dễ dàng mang đi không lấn chiếm diện tích, bên cạnh đó khi đeo trên cổ bạn cũng sẽ hạn chế được sự vướng víu và việc “húp mì” khi chờ trận cũng sẽ thoải mái được đôi chút so với loại tai nghe không có thiết kế xoay. Dù vậy thì việc tai nghe này cũng sẽ để lại vài vết tích kém thẩm mỹ như hình bên dưới (chụp cái phần liên kết tai, chỗ đó trầy nhẹ).
Phần đệm tai của Arctis 5 lần này không phải là da như nhiều sản phẩm tai nghe khác mà thay vào đó là chất liệu nỉ, với chất liệu này thì việc cách âm sẽ không được như chất liệu da nhưng bù lại sẽ giúp thông thoáng hơn và đeo lâu sẽ không bị khó chịu. Với một người có cơ địa dễ ra mồ hôi (đặc biệt phần đầu) như mình thì đây là một điểm 10 mình dành cho Steelseries.
Ở phần tai bên trái sẽ là nút bật/tắt microphone, con lăn điều khiển âm lượng, lỗ cắm dây kết nối và đặc biệt là microphone của tai nghe với thiết kế kéo ra đút vào, khá là tiện lợi. Phần microphone có thiết kế dẹt giúp tập trung thu được âm tâm cũng như giảm bớt được tạp âm, bên cạnh đó nó cũng được trang bị đèn led RGB báo hiệu.
Đi kèm trong hộp Arctis 5 là bộ dây gồm dây kết nối tới từ tai nghe tới thiết bị dial gọi là ChatMix Dial, từ thiết bị dial tới PC và một sợi chuyển sang 3.5mm tặng kèm. Với việc tặng kèm sợi chuyển 3.5mm thì Arctis 5 có thể sử dụng được đa nền tảng gồm PC, console và cả di động nữa. Tuy vậy phần dây có vẻ hơi ngắn (tổng chiều dài vào khoảng hơn 3m) nên trong thời gian sử dụng sẽ đôi phần cảm thấy chưa thoải mái, đặc biệt là đối với các game thủ console (khoảng cách xem TV bảo vệ sức khỏe dao động trong khoảng 2.5m đến hơn 3.5m tùy vào kích cỡ màn hình).
Nói về “ChatMix Dial” đi kèm với Arctis 5, thì chức năng của thiết bị này cũng cực kì đơn giản. Nếu vặn phần núm quay sang bên trái thì ngay lập tức Arctis 5 sẽ lập tức làm âm lượng trong game mà bạn đang chơi nhỏ đi và phần âm lượng của ứng dụng hội thoại mà bạn đang sử dụng to lên, vặn sang bên trái thì kết quả sẽ ngược lại. Còn nếu như để về vị trí ở giữa thì Arctis 5 sẽ tự động cân bằng âm thanh giữa game và ứng dụng hội thoại (Discord, TeamSpeak, Skype….), một tính năng khá hay nhưng chưa được các hãng sản xuất thiết bị chơi game khác chú ý tới. Mình có dùng thử khi chơi tựa game Grand Theft Auto Online và với tính năng này thì tiếng gào thét từ đồng đội mỗi khi mình “chết ngu” sẽ bớt đi phần nào khó chịu.
Trên Arctis 5 là 2 cổng kết nối và về cổng kết nối đầu tiên thì lạ ở chỗ là hãng lại sử dụng cổng cắm mini-USB 8 pin ít được sử dụng trên thị trường, nếu ngoài lý do SteelSeries sử dụng một loại kết nối hiếm gặp như vậy thay vì chuẩn kết nối micro-USB là một đòn marketing nhằm ép người sử dụng phải mua dây kết nối trực tiếp từ SteelSeries trong trường hợp làm mất hoặc bị hỏng thì việc trang bị cổng này thật sự rất khó hiểu. Còn về jack 3.5mm thì đây lại là cổng xuất âm thanh ra chứ không phải input, mình vẫn chưa thể tìm hiểu được tại sao Steelseries lại trang bị cổng này.
Nói về phần mềm đi kèm, Arctis 5 cũng giống như các thiết bị khác của Steelseries sử dụng phần mềm SteelSeries Engine 3 để thiết lập cũng như điều chỉnh theo ý muốn của người sử dụng với giao diện trực quan và dễ dàng sử dụng. Ở bên dưới giao diện sẽ có 1 công tắc có tên là “Live Preview On”, công tắc này sẽ cho phép các tùy chỉnh trên phần mềm có hiệu lực ngay lập tức mà không cần phải bấm nút Save, tính năng này sẽ cực kì hữu ích nếu như bạn muốn điều chỉnh EQ cho Arctis 5.
Đối với thiết lập âm thanh, sẽ có 1 công tắc cho phép chuyển sang chế độ surround sound 7.1, bên dưới là các thiết lập EQ cho phép bạn điều chỉnh các dải âm theo ý muốn, tuy nhiên khả năng điều chỉnh EQ trên Arctis 5 vẫn khá hạn chế.
Phải nói là rất nhiều tính năng thiết lập đi kèm với phần mềm này và khá đáng tiếc mình vẫn chưa nghịch hết. Nhưng ở bên dưới sẽ là 2 thiết lập “Mic Volume” cho phép điều chỉnh độ nhạy của microphone và “Noise reduction” cho phép giảm tạp âm trong môi trường xung quanh, trải nghiệm thực tế cho thấy kể cả khi tính năng lọc tạp âm trong môi trường xung quanh được bật lên thì chất lượng của giọng nói qua microphone vẫn không bị suy giảm. Nhung khi được thiết lập ở mức cao nhất thì microphone của Arctis 5 cũng không lọc được hoàn toàn những tạp âm xung quanh như tiếng gõ của bàn phím và tiếng bấm nút chuột, thực chất thì tính năng này sẽ chỉ điều chỉnh âm lượng của tạp âm nhỏ lại đi cho nên việc có sử dụng tính năng này hay không sẽ tùy thuộc vào sở thích của bạn.
Kế đến là phần điều chỉnh hệ thống RGB LEDs một cách dễ dàng theo ý muốn của mình với các chế độ khác nhau như “ColorShift” hoặc “Multi Color Breathe” để đồng bộ giũa 2 bên tai, hay bạn có thể thiết lập cho mỗi bên có ánh sáng riêng biệt khác nhau. Cuối cùng chính là phần lưu profile quen thuộc của bất kì phụ kiện gaming nào có đồng bộ với phần mềm.
Về phần âm thanh, mình sẽ chia thành hai phần nhu cầu là nghe nhạc là chơi game. Đối với việc nghe nhạc, thì những người với đôi tai khó tính chắc chắn sẽ cảm thấy Arctis 5 hơi chán khi việc tái hiện tốt âm thanh đối với nhiều thể loại nhạc từ electronic, hip-hop, classic…. với độ chi tiết cũng như phức tạp về tính dynamic giữa các dải âm. Phần âm thanh có thể nói là tốt nhưng âm bass có phần lực đánh chưa mạnh nên một người không quá khó tính nhưng là tín đồ dòng nhạc EDM đặc biệt là Dubstep và Hard Dance như mình cảm thấy chưa đủ để phải gật gù theo nhạc, có vẻ hơi yếu so với em HS70SE mà mình từng đánh giá trước đây.
Nhưng điểm mạnh của Arctis 5 lại nghiêng về việc chơi game nhiều hơn, với việc chơi game bạn sẽ thực sự ấn tượng với những gì mà chiếc tai nghe này đem lại. Mặc dù chỉ là giả lập DTS Headphone:X 7.1 Surround nhưng trong quá trình chơi game, SteelSeries Arctis 5 có khả năng tái hiện được tất cả các âm thanh xung quanh bạn, từ tiếng súng, nạp đạn cũng như tiếng la hét của những nhân vật khác trong game đều trở nên rõ ràng hơn, thật hơn và khả năng xác định mục tiêu trong những tựa game FPS cũng trở nên dễ dàng. Nhưng dẫu vậy việc giả lập bằng phần mềm cũng chưa phải là tốt nhất và đôi khi bạn cũng sẽ cảm thấy độ xác định vị trí âm thanh vẫn chưa thực sự chính xác.
Còn về âm bass không mạnh mẽ sẽ dẫn đến việc hiệu ứng cháy nổ trong game không còn sướng, nhưng tính cân bằng của Arctis 5 sẽ phù hợp với các game thủ thiên về cái gọi là thi đấu hơn là trải nghiệm, đơn cử là các tựa game bắn súng như CS:GO hay R6S sẽ làm người chơi dễ tập trung hơn. Nhưng nếu thích bạn vẫn có thể sử dụng phần mềm đi kèm để tùy chỉnh.
Kết
Tổng kết lại, dù thực tế Arctis 5 tuy không thể bằng được một số tai nghe cao cấp, nhưng với mức giá vào khoảng 2.5 triệu đồng thì việc đem lại chất lượng âm thanh tốt, giả lập âm thanh 7.1 tạm chấp nhận được, thiết kế đẹp mắt, LED RGB tùy chỉnh được và tính năng thú vị ChatMix Dial độc đáo thì Arctis 5 nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình, reviewer và đặc biệt là các game thủ chuyên nghiệp là hoàn toàn dễ hiểu.
Nếu bạn phân vân lựa chọn Arctis 3 và 5 thì đây là những đặc điểm khác nhau cho các bạn cái nhìn tổng quan:
- Vì là đàn anh nên Arctis 5 sẽ có giá nhỉnh hơn vào khoảng từ 100 đến 300 nghìn tùy thuộc vào cửa hàng
- Arctis 5 được trang bị đèn LED RGB, trong khi Arctis 3 thì lại không
- Arctis 5 được trang bị tính năng ChatMix Dial thú vị
- Arctis 5 được tặng kèm cáp chuyển 3.5mm
- Âm bass của Arctis 5 nhẹ hơn một chút so với Arctis 3
Tổng hợp hình ảnh trong bài