Khi mua một chiếc máy tính mới, chắc hẳn bạn sẽ muốn di chuyển dữ liệu từ máy tính cũ của mình sang chiếc máy mới, đó có thể là hình ảnh, video gia đình mà bạn đã lưu giữ, tài liệu quan trọng… Vậy làm thế nào để di chuyển dữ liệu từ máy tính cũ sang chiếc máy tính mới. Dưới đây sẽ là 5 cách bạn có thể áp dụng
1. Sử dụng ổ cứng di động
Đây có thể nói là cách đơn giản nhất mà hầu như mọi người sẽ nghĩ đến khi cần phải di chuyển dữ liệu giữa 2 máy tính. Dùng chiếc USB có dung lượng đủ lớn để có thể di chuyển dữ liệu, hoặc nếu có sẵn một ổ cứng di động thì bạn sẽ di chuyển với dung lượng lớn hơn nhiều.
Nếu cả 2 máy tính đều có cổng USB 3.0, thì bạn nên đầu tư cho mình một ổ đĩa flash với tốc độ cao nhất. Khi dung lượng cần di chuyển lớn thì tốc độ là yếu tố quan trọng nhất.
Ngoài ra còn một cách nhanh hơn, bạn kiểm tra xem thử máy nhận dữ liệu của mình có cổng eSATA hoặc khe cắm SATA thì bạn chỉ cần nối ổ đĩa của máy tính cũ với máy tính mới và trên máy tính mới sẽ xuất hiện một ổ đĩa mới, lúc này bạn chỉ cần copy và paste dữ liệu qua lại ổ đĩa thôi. Cách này nhanh hơn nhiều so với dùng USB.
2. Chia sẻ thông qua mạng LAN hoặc Wi-Fi
Cách này áp dụng cho các máy tính ở gần nhau, sẽ có hai cách chính để thực hiện việc di chuyển dữ liệu giữa các máy tính: sử dụng mạng cục bộ (LAN) hoặc sử dụng phần mềm và truyền qua mạng Wi-Fi.
- Mạng LAN: Bạn sẽ tạo một mạng cục bộ (LAN) và sau đó bạn có tìm thấy các ổ đĩa của máy tính kết nối với mạng LAN vừa mới tạo để di chuyển dữ liệu. Tất cả các hệ điều hành đều mặc địch sẵn tùy chọn thiết lập mạng gia đình (Home network), giúp các thiết bị kết nối với bộ định tuyến (Router) (kết nối thông qua Ethernet hoặc Wi-Fi) có thể nhận ra nhau và sau đó có thể chia sẽ dữ liệu cho nhau vĩnh viễn. Bạn có thể xem video bên dưới để xem các thiết lập mạng LAN để chuyển dữ liệu giữa 2 máy tính sử dụng hệ điều hành (HĐH) Windows.
- Nếu bạn muốn chuyển đổi dữ liệu giữa 2 máy tính chạy HĐH Windows và Mac OS thì cách đơn giản nhất mà bạn làm là dùng các phần mềm hỗ trợ việc chuyển đổi dữ liệu như Dukto. Cài đặt phần mềm này trên hai máy và bắt đầu chuyển đổi dữ liệu. Ngoài ra bạn cũng có thể một số phần mềm khác tùy theo ý thích.
- Mạng Wi-Fi: nếu bạn không muốn tạo một mạng LAN để chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính đặt gần với nhau, bạn cũng có thể sử dụng phần mềm sau đây:
- Send Anywhere là phần mềm chia sẻ dữ liệu giữa 2 máy tính. Đây là phần mềm hoàn toàn miễn phí, hoạt động trên cả HĐH Windows, Mac OS, Linux, đặc biệt hơn là có hẳn một ứng dụng web, tiện ích trên Chrome để người dùng chia sẻ dữ liệu của mình đến các máy tính, điện thoại, máy tính bảng khác. Bạn chỉ cần cài đặt phần mềm này trên hai thiết bị chia sẻ và nhận để tiến hành quá trình chia sẻ dữ liệu.
- Nếu không muốn cài đặt phần mềm nhưng vẫn có thể chia sẻ dữ liệu đến các thiết bị khác, bạn có thể sử dụng ứng dụng trên trình duyệt: Snapdrop hoàn toàn miễn phí, điểm đặc biệt của ứng dụng này là bạn vẫn có thể chia sẻ dữ liệu mà không cần có kết nối Wi-Fi. Cả 2 thiết bị chỉ cần cùng mở ứng dụng này để kết nối với nhau và tiến hành chia sẻ dữ liệu.
3. Sử dụng cáp truyền dữ liệu
Đối với việc di chuyển dữ liệu giữa các máy tính với nhau, bạn có thể sử dụng một vài cáp cơ bản để làm việc này, tốc độ truyền dữ liệu sẽ nhanh hơn so với việc sử dụng ổ cứng di động.
- Đối với 2 máy sử dụng HĐH Windows, bạn có thể sử dụng cáp: Belkin’s F5U279.
- Đối với 2 máy sử dụng HĐH Mac OS, bạn có thể sử dụng cáp: Thunderbolt-to-Thunderbolt.
- Đối với 2 máy sử dụng HĐH khác nhau, bạn có thể sử dụng cáp bấm chéo với thiết lập một mạng LAN chia sẻ dữ liệu không cần thông qua Router.
4. Kết nối ổ cứng HDD hoặc SSD thủ công
Ổ đĩa HDD hoặc SSD kết nối với bo mạch chủ thông qua cáp SATA. Nếu như máy của bạn còn dư một cổng SATA hoặc eSATA thì công việc lúc này là kết nối cáp SATA với ổ đĩa cũ. HĐH sẽ nhận diện ổ đĩa này là một ổ đĩa mới của máy, và bạn chỉ cần di chuyển dữ liệu mình mong muốn vào máy nữa thôi. Đây là cách có tốc độ nhanh nhất.
Không giống như PC, việc di chuyển dữ liệu đối với laptop có phần khó khăn hơn, nếu muốn di chuyển dữ liệu, bạn cần phải có cáp chuyển đổi cổng USB thành SATA, ví dụ như Anker’s USB 3.0 to SATA adapter.
5. Sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây
Đây sẽ là cách cuối cùng, các máy tính không cần ở gần nhau vẫn có thể trao đổi dữ liệu qua lại. Sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây có sẵn trên Internet, ví dụ như Google Drive, Dropbox, OneDrive,… Đơn giản nhất mà bạn có thể dùng là sử dụng email như một công cụ lưu trữ đám mây.
Lưu trữ đám mây sẽ là một lựa chọn hoàn hảo với dung lượng tập tin lưu trữ là không giới hạn, miễn là bạn còn đủ dung lượng lưu trữ, thêm vào đó là nếu cả hai máy tình đều đã được đồng bộ tài khoản, cả hai máy tính sẽ đều có thể tải dữ liệu đã được lưu trữ ở bất cứ đâu, chỉ cần có kết nối Internet.
Nếu bạn không muốn lưu dữ liệu của mình trên ổ đĩa đám mây nhưng vẫn có thể upload những tập tin với dung lượng lớn của mình, hãy thử PlusTransfer. Ứng dụng này cho phép người dùng upload nhiều tập tin cùng một lúc với dung lượng tối đa 5GB thông qua một email được gửi đến một địa chỉ email do người dùng chỉ định, kèm theo đó là một đường dẫn để bạn có thể tải tập tin về. Điểm hạn chế của ứng dụng này là thời gian lưu trữ sẽ bị giới hạn trong khoảng thời gian nhất định.
Nếu bạn chú trọng đến tốc độ upload hơn là dung lượng cho phép thì hãy thử FilePizza. Đây là công cụ đơn giản nhất để chia sẻ dữ liệu với bạn bè. Ứng dụng này sử dụng giao thức peer-to-peer. Khi một máy tính upload tập tin lên thì sẽ có một máy tính khác tải tập tin này về ngay lúc đó, sẽ không có thời gian chờ đợi giữa hai máy. Người dùng sẽ không phải đăng kí tài khoản để sử dụng ứng dụng này.