eMMC và SSD là hai loại ổ lưu trữ phổ biến cho các laptop hiện nay, tuy nhiên nên sử dụng loại nào dành cho máy tính của bạn? Bài viết này sẽ so sánh chúng dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
eMMC và SSD là hai loại lưu trữ flash phổ biến nhất và chúng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất hoạt động và khả năng xử lý của thiết bị. eMMC thường được sử dụng cho điện thoại và máy tính bảng giá rẻ, phù hợp cho các tác vụ cơ bản. Trong khi đó SSD được sử dụng trong máy tính xách tay và PC chơi game tầm trung đến cao cấp với tốc độ đọc/ghi nhanh hơn. Nhưng mặc dù vậy chúng có những điểm cộng và điểm trừ khác nhau, nếu bạn sử dụng với laptop thì đâu là lựa chọn tốt nhất? Bài viết này sẽ so sánh eMMC và SSD dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để bạn cân nhắc lựa chọn.
Thiết bị lưu trữ dạng rắn
eMMC và SSD đều có điểm chung là thiết bị lưu trữ dạng rắn (solid-state drive). Tuy nhiên eMMC (embedded MultiMedia Card) là một loại lưu trữ flash thường được tìm thấy trên smartphone và tablet, nó tích hợp bộ nhớ flash và bộ điều khiển trên một chip duy nhất, cung cấp giải pháp nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí cho các thiết bị di động. Mặc dù eMMC thiếu hiệu suất mạnh mẽ của SSD, nó vẫn cung cấp dung lượng lưu trữ đủ cho các tác vụ điện toán hàng ngày.
Mặt khác, SSD cung cấp một dạng lưu trữ tiên tiến hơn. SSD sử dụng bộ nhớ flash NAND, cho tốc độ đọc và ghi nhanh hơn eMMC. Có hai loại SSD: SATA và NVMe, đáp ứng các tiêu chuẩn giao tiếp và yêu cầu hiệu suất khác nhau.
Tốc độ và hiệu suất – SSD vượt trội hơn
SSD vượt trội hơn eMMC về tốc độ và hiệu suất. Với công nghệ driver tiên tiến và bộ nhớ flash NAND, SSD trung bình có tốc độ ghi 500-600MB/s, mang lại thời gian khởi động, tốc độ tải ứng dụng và tốc độ truyền file nhanh hơn đáng kể. Đặc biệt nếu sử dụng các loại cao cấp và tiên tiến như NVME với PCIe 4.0 hoặc 5.0, bạn có thể có tốc độ đọc/ghi từ 8 đến 16GB/s. Ưu thế về tốc độ này giúp cho việc đa nhiệm mượt mà hơn và năng suất được nâng cao, khiến SSD trở thành lựa chọn ưu tiên cho các tác vụ đòi hỏi khắt khe như chơi game, sáng tạo nội dung và phát triển phần mềm.
Hiệu suất của eMMC khiêm tốn hơn với tốc độ ghi 300-400MB/s. Nó phù hợp cho các nhu cầu tính toán cơ bản và khối lượng công việc nhẹ. Mặc dù vậy việc duyệt web, email và chỉnh sửa tài liệu vẫn có thể gặp phải độ trễ đáng chú ý khi xử lý các tệp lớn hơn hoặc chạy các chương trình tốn nhiều tài nguyên hơn.
Dung lượng lưu trữ – Tuỳ vào nhu cầu của bạn
Khác biệt khác giữa eMMC và SSD là dung lượng lưu trữ. eMMC thường cung cấp các tùy chọn lưu trữ từ 32GB đến 128GB, phù hợp cho các thiết bị không quan trọng đến dung lượng lưu trữ. Ngoài ra eMMC được hàn lên bo mạch chủ, vì vậy việc nâng cấp thật không dễ dàng nên sẽ phù hợp với những nhu cầu không quan trọng đến bộ nhớ.
Ngược lại, SSD cung cấp nhiều tùy chọn lưu trữ hơn, phổ biến nhất là 128GB, 256GB và 512GB, hoặc các thiết bị cao cấp có dung lượng 1TB trở lên. Tính linh hoạt này cho phép người dùng chọn dung lượng lưu trữ phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ, cho dù đó là chơi game, chỉnh sửa video hay các ứng dụng phần mềm chuyên nghiệp.
Độ bền – SSD tiếp tục vượt trội hơn
Các ổ cứng lưu trữ SSD nhìn chung có độ bền và tuổi thọ cao hơn so với bộ nhớ eMMC. Chúng sử dụng thuật toán cân bằng hao mòn (wear-leveling) và cơ chế sửa lỗi tiên tiến để kéo dài tuổi thọ của các bộ nhớ flash NAND trên SSD. Do đó các ổ lưu trữ này chịu được nhiều chu kỳ đọc/ghi hơn, khiến chúng phù hợp cho các môi trường điện toán nặng và các ứng dụng điện toán hiệu suất cao (HPC).
Mặc dù bộ nhớ eMMC đủ bền cho hoạt động sử dụng thông thường của người tiêu dùng, nhưng nó có thể không chịu được thời gian truy cập dữ liệu chuyên sâu hoặc khối lượng công việc đọc ghi nhiều.
Giá thành
Một trong những ưu điểm chính của bộ nhớ eMMC là giá thành phải chăng và các nhà sản xuất thường tích hợp bộ nhớ eMMC vào các thiết bị giá rẻ để giảm chi phí sản xuất đồng thời cung cấp dung lượng lưu trữ đủ cho các nhu cầu đặc biệt. Do đó các thiết bị sử dụng eMMC có xu hướng rẻ hơn nhiều.
SSD có giá thành cao hơn do hiệu suất và dung lượng lưu trữ vượt trội. Mặc dù giá SSD đã giảm dần theo thời gian và dễ tiếp cận hơn, nhưng chúng vẫn đắt hơn so với ổ cứng HDD và bộ nhớ eMMC nếu tính trên mỗi GB.
Lựa chọn phù hợp
eMMC phù hợp cho các thiết bị máy tính bảng giá rẻ, hoặc thậm chí cả điện thoại. Nó có thể giúp tiết kiệm chi phí và vẫn đạt được hiệu suất cùng tốc độ cần thiết. Nó phù hợp với người dùng thông thường và sinh viên, những người chủ yếu sử dụng các tác vụ như duyệt web, chỉnh sửa văn bản và xem phim trực tuyến.
SSD trong khi đó đáp ứng cho một nhóm người dùng rộng rãi hơn, từ game thủ và người sáng tạo nội dung đến người dùng làm các công việc IT. Hiệu suất và độ tin cậy vượt trội của chúng khiến chúng trở thành yếu tố không thể thiếu trong các laptop hiện nay.
Việc lựa chọn giữa lưu trữ eMMC và SSD phụ thuộc vào nhiều yếu tố khi lựa chọn nâng cấp hoặc chọn mua laptop. Tuy nhiên với việc các SSD đã dễ tiếp cận hơn nên đây vẫn là lựa chọn tốt nhất cho các laptop. Chúng mang lại tốc độ nhanh và độ tin cậy cũng như độ bền cho các thiết bị.