Ngày 22/11/2022, trong chương trình kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức The Dariu Foundation (Quỹ Dariu) tại TPHCM, Quỹ Dariu đã giới thiệu 7 dự án phần mềm xuất sắc do các em học sinh Việt Nam thực hiện, đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi Coolest Project Malaysia 2022.
Đây là cuộc thi lập trình quốc tế dành cho thí sinh từ 18 tuổi trở xuống. Năm nay là năm thứ 3 cuộc thi này được tổ chức. Mỗi năm, có hàng trăm dự án lập trình từ nhiều nơi trên thế giới được gửi về để tham gia tranh tài.
Trong số 7 dự án đại diện cho Việt Nam “chinh chiến” tại cuộc thi năm nay có nhiều dự án nổi bật, độ khó cao và giàu tính ứng dụng như:
- “Hệ thống tự động phát hiện bệnh ở lúa” do nhóm 6 em học sinh của Câu lạc bộ Lập trình (Code Club) trường THCS Hiếu Phụng (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) thực hiện. Với việc ứng dụng 40 loại cảm biến tích hợp, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), hệ thống không chỉ tự động phát hiện và cảnh báo những chứng bệnh gây hại cho cây lúa mà còn giúp người nông dân có thể điều khiển từ xa các thiết bị bơm tưới nhằm kịp thời cung cấp nước cho đồng ruộng.
- “Thiết bị hỗ trợ bảo vệ rừng” do em Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm – CLB Lập trình trường THCS & THPT Đống Đa thực hiện, đã thiết kế thành công hệ thống nhận dạng hình ảnh, âm thanh, nhiệt độ, độ ẩm… để thu thập, phân tích và cảnh báo các nguy cơ cháy rừng.
- Dự án “D-Home, ngôi nhà thông minh cho người khiếm thanh, khiếm thính” do em Nguyễn Hoàng Trung Sơn và Hoàng Bùi Anh Tuấn (CLB Lập trình THPT Chuyên Bảo Lộc, Lâm Đông) thực hiện. Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng bắt cử chỉ từ người dùng để chuyển thành các lệnh điều khiển giúp cho người khiếm thính, khiếm thanh có khả năng sử dụng các tiện ích nhà thông minh như người bình thường.
Ngoài ra còn có 4 dự án khác bao gồm: “Mô hình trang trại thông minh” (CLB lập trình trường TH&THCS Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), “Phần mềm mô phỏng vật lý theo định luật OHM” (CLB Lập trình trường THCS Long Trị A, Thị xã Long Mỹ, Hậu Giang), Dự án “Thuyền gom rác trên sông” (CLB lập trình trường THCS &THPT Đống Đa, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), “Hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi” (CLB Lập trình trường THPT Công Nghiệp TP. Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình).
Những dự án ấn tượng này là “kết quả” được “thai nghén”, ươm mầm từ mô hình Câu lạc bộ Lập trình (Code Club) do Quỹ Dariu hỗ trợ các Sở giáo dục và Đào tạo triển khai tại các trường THCS và THPT tại một số tỉnh ĐBSCL, Lâm Đồng và Hoà Bình, với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu và đam mê lập trình. CLB Lập trình là hoạt động ngoại khóa bổ ích, hấp dẫn cho học sinh TH-THCS-THPT, do giáo viên môn tin học làm chủ nhiệm. Quỹ Dariu hỗ trợ tập huấn giáo viên chủ nhiệm CLB, hỗ trợ thiết bị và một phần ngân sách mua sắm thiết bị làm dự án cho CLB. Đến nay, Dariu đã hỗ trợ thành lập 160 CLB Lập trình hoạt động sôi nổi, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Dariu chia sẻ: “Công nghệ đã và đang góp phần làm thay đổi rất nhanh nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội, và mọi người ngày càng cần được trang bị nhiều hơn kỹ năng số để tồn tại và phát triển thành công trong thế giới số. Nhưng khoảng cách kỹ năng số giữa nông thôn và thành thị ngày càng bị nới rộng. Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 37% thiết bị máy tính đáp ứng yêu cầu học tập của các trường học, trong đó tỷ lệ thiếu hụt ở cấp tiểu học là hơn 54% (Digital Kids Asia-Pacific (DKAP), 2018). Điều này không chỉ cản trở cơ hội học tập, tiếp cận kỹ năng số của các em mà còn có thể khiến các em phải đối diện với một tương lai đầy khó khăn và thách thức. Vì vậy, thông qua các dự án, Dariu mong muốn hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, trang bị các phòng máy tính, và các thiết bị lập trình khác, phổ cập kỹ năng số cho học sinh nông thôn, miền núi, nhằm thu hẹp kỹ năng số giữa học sinh nông thôn và thành thị.”
Được chính thức thành lập vào năm 2002 tại Thuỵ Sỹ, Quỹ Dariu là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh nâng cao năng lực, cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua các dự án tạo sinh kế bền vững và các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục, đặc biệt là phổ cập kỹ năng số.
Tại Việt Nam, kể từ khi chính thức thành lập văn phòng dự án vào năm 2007 đến nay, Quỹ Dariu đã triển khai nhiều dự án có ý nghĩa, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước như: Giúp 50,000 hộ gia đình có thu nhập thấp ở nông thôn được tiếp cận vốn vay để tạo sinh kế bền vững với tổng số vốn giải ngân luỹ kế ước đạt gần 1,200 tỷ đồng; Hỗ trợ đào tạo hơn 11,000 lượt giáo viên tin học và 1 triệu lượt học sinh nông thôn, miền núi được tiếp cận giáo dục kỹ năng số; Trao tặng 21,000 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Tài trợ xây 33 trường mẫu giáo; Đào tạo nghề miễn phí và kết nối cơ hội việc làm cho hơn 1,200 thanh niên; Cho 185 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mượn laptop để học tập; Xây dựng 11 thư viện di động cho các trường ở vùng sâu vùng xa và tổ chức nhiều sân chơi lập trình sáng tạo cho học sinh nông thôn, miền núi.
Để ghi nhận những đóng góp hiệu quả, thiết thực của Quỹ Dariu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam, Đoàn chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết đinh trao tặng Bằng khen cho Quỹ Dariu nhân dịp 20 năm thành lập tổ chức.
Hiện nay Quỹ Dariu đang thực hiện và hợp tác triển khai các chương trình tại 5 quốc gia gồm: Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ, Bhutan và Malaysia