Máy tính của bạn bị hỏng và bạn cần đến sự trợ giúp kỹ thuật. Hãy nói thật với họ những điều bạn đã làm và đừng nói dối vì nghĩ họ sẽ không phát hiện ra, đặc biệt với 5 điều sau đây, theo tổng hợp của Gizmodo.
Đừng nói bạn đã khởi động máy tính
Nhiều người khi gặp vấn đề cần trợ giúp thường nói dối họ đã khởi động lại máy, trong khi thực tế họ chưa làm. Theo chuyên gia máy tính, phần lớn các lỗi kỹ thuật nhỏ có thể xử lý bằng việc khởi động lại máy. Nó sẽ xóa bỏ mọi vấn đề phần mềm nhỏ xuất hiện trên máy tính, vì PC sẽ xử lý hàng triệu dòng mã (code) khi khởi động lại.
Chương trình bạn vừa cập nhật liên tục bị trục trặc? Máy tính chạy chậm sau 3 tháng liên tục? WiFi bỗng dưng không sử dụng được? Hãy khởi động lại máy! Tương tự như thế với nhiều thiết bị khác như router và modem.
Không chỉ khởi động lại máy, việc “thoát ra và đăng nhập lại” một ứng dụng nào đó khi có vấn đề, cũng là một chiêu xử lý hiệu quả tương tự như việc khởi động lại máy vậy.
Đừng nói bạn đã kiểm tra mọi dây cắm
Nhiều khi, vấn đề rất đơn giản, chẳng hạn như một dây cáp nào đó chưa được cắm đúng. Bạn có thể thề là mọi thứ đã được cắm đúng vị trí nhưng không hiểu sao bạn vẫn không vào được Internet, bàn phím không hoạt động, máy in không in được. Bạn đã sai rồi đấy. Điều này xảy ra với tất cả mọi người. Đôi khi, lỗi chỉ nằm ở một cái dây chưa được cắm đúng chỗ.
Nếu gọi trợ giúp, bạn hãy nói với họ là bạn không chắc mọi thứ đã được cắm hoàn chỉnh. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn không phân biệt rõ đâu là dây cáp Ethernet, cáp USB hay dây điện. Họ sẽ chỉ dẫn tỉ mỉ cho bạn biết dây nào cần cắm vào đâu.
Đừng nói là bạn không làm gì để máy tính bị nhiễm mã độc
Bạn không biết bằng cách nào mã độc lại lọt vào máy của mình? Chỉ cần bạn vào một website nào đó, click và những đường link bạn không nên click và tải những ứng dụng không nên tải. Đôi khi chỉ là nhấn nút OK cũng khiến bạn gặp rắc rối.
Ngày nay, việc PC bị nhiễm virus hay mã độc rất dễ xảy ra, nhiều khi chỉ đơn giản là bạn nhìn nhầm địa chỉ website, vì website giả mạo thường có địa chỉ rất giống với website thật. Vì thế hãy cẩn thận với các trang web bạn vào, và đừng bao giờ nói bạn không làm gì khiến máy bị nhiễm virus, mã độc cả.
Đừng nói là bạn không biết làm thế nào máy tính lại ngập đầy nước táo
Bạn nhận thấy máy tính bị ngập đầy nước táo. Bạn làm nước táo, bạn uống và rồi bằng cách nào đó, nước táo đã bị đổ vào máy tính. Đừng nói bạn không hiểu vì sao lại như thế. Và tất nhiên, không chỉ nước táo, mà tất cả các loại chất lỏng như nước lỏng, rượu, bia cũng rất dễ rơi vào máy tính nếu bạn sơ suất.
Đừng nói máy tính “bỗng dưng” bị hỏng
Chuyên gia kỹ thuật không phải là một kẻ ngốc, vì thế đừng lừa phỉnh họ rằng bạn rất ngây thơ. Họ giống như những thám tử Sherlock Holmes khi họ nghe những câu đại loại như “tôi mở hộp ra và nó đã bị vỡ rồi”.
Một kỹ thuật gia giấu tên ở New York đã chia sẻ câu chuyện như sau:
Một lần chúng tôi có một khách hàng đưa trả chiếc iMac, nói rằng bà phát hiện màn hình bị vỡ sau khi mở hộp ra. Khách hàng thề rằng màn đã bị vỡ khi bà mở hộp, và yêu cầu đổi cái mới. Một trong các chuyên gia công nghệ của chúng tôi đã cắm chiếc iMac vào một màn hình thứ hai, và phát hiện ra đã có dữ liệu, tên người dùng của khách hàng trong máy, cho thấy bà đã dùng máy rất tốt trước khi làm vỡ màn hình. Tôi đoán là bà khách hàng đã nghĩ rằng mọi bằng chứng về việc bà dùng máy đã được xóa hết vì màn hình đã bị vỡ.
Nói chung, đừng bao giờ nghĩ bạn thông minh hơn chuyên gia kỹ thuật, người sẽ giúp bạn sửa lại chiếc máy.