Trí thông minh nhân tạo là chìa khoá mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong tương lai

Ngày 14/3/2019, Microsoft và IDC đồng công bố kết quả của cuộc khảo sát về tầm ảnh hưởng của trí thông minh nhân tạo (AI) trên 3 phương diện: xã hội, thương mại và kinh tế. Tham gia thực hiện cuộc khảo sát có hơn 1,600 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 1,580 người lao động của 15 thị trường khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Về cuộc khảo sát: 1,605 lãnh đạo doanh nghiệp và hơn 1,585 người lao động tham gia khảo sát. Lãnh đạo doanh nghiệp: thuộc doanh nghiệp có từ 250 nhân viên trở lên, và là người có quyền quyết định về hoạt động kinh doanh cũng như chiến lược số của doanh nghiệp. Người lao động: có hiểu biết về trí thông minh nhân tạo, không có vai trò quyết định trong doanh nghiệp.

15 thị trường Châu Á Thái Bình Dương gồm: Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Vietnam.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành bao gồm nông nghiệp, cơ khí, giáo dục, dịch vụ tài chính, y tế, sản xuất, bán lẻ, viễn thông/truyền thông và chính phủ.

Tại sao lại là trí thông minh nhân tạo AI?

5 yếu tố kinh doanh quyết định việc đưa công nghệ AI vào ứng dụng trong doanh nghiệp:(theo thứ tự ưu tiên):

  • Tương tác tốt hơn với khách hàng (26% đáp viên chọn yếu tố này đầu tiên)
  • Nâng cao ưu thế cạnh tranh (19%)
  • Nâng cao biên lợi nhuận (18%)
  • Thúc đẩy sáng tạo (15%)
  • Nâng cao năng suất làm việc (9%)

Ông Victor Lim, Phó chủ tịch IDC Châu Á/Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Năm ngoái, các tổ chức ứng dụng AI đã nhìn thấy sự gia tăng từ 18-26% trong các yếu tố nói trên. Các doanh nghiệp cũng dự đoán sự gia tăng này sẽ tăng ít nhất 1.8 lần trong 3 năm tiếp theo, đặc biệt trong 2 lĩnh vực thúc đẩy sáng tạo và nâng cao ưu thế cạnh tranh.”

Mặc dù có đến 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý rằng AI là chìa khóa mang lại ưu thế cạnh tranh, chỉ có khoảng 41% các tổ chức trong khu vực đã bắt đầu hành trình ứng dụng AI. Ưu thế cạnh tranh của những tổ chức này ước tính sẽ tăng 100% vào năm 2021.

“Ngày nay, công ty nào cũng là công ty phần mềm, và theo xu hướng gia tăng, mỗi tương tác sẽ đều là số hóa. Để thành công, các tổ chức cần phải nhanh chóng trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời xây dựng khả năng số của riêng mình”, ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ. “Chậm chân trong hành trình ứng dụng AI, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đánh mất những lợi thế cạnh tranh chỉ dành riêng cho những tổ chức tiên phong ứng dụng.”

Doanh nghiệp cần chú ý đến rào cản kỹ năng

62% các lãnh đạo doanh nghiệp và 66% người lao động tin rằng AI sẽ giúp họ làm công việc hiện tại một cách hiệu quả hơn, hoặc giảm thiểu những công việc có tính chất lặp lại.

 “Liên quan đến vấn đề việc làm, 18% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng AI sẽ tạo ra thêm các việc làm mới, 15% cho rằng công nghệ này sẽ thay thế các việc làm hiện tại. Kết quả khảo sát ở người lao động lại tích cực hơn với chỉ 5% cho rằng AI sẽ thay thế việc làm hiện tại, 13% cho rằng AI sẽ tạo ra thêm các việc làm mới.” – ông Lim cho biết.

20% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc học hỏi và trau dồi kỹ năng số cho người lao động là khó khăn, tuy nhiên, cũng theo khảo sát, chỉ có 14% người lao động cho rằng đây là thử thách đối với họ.

“Tầm nhìn của Microsoft về AI, đầu tiên và tất yếu là về con người. Công nghệ AI sẽ không thể thực hiện nếu không có con người. Điều này có nghĩa để có một tương lai AI, con người cần phải học hỏi và trau dồi những kỹ năng số cần thiết cho chính mình.” – ông Phạm Thế Trường nhận định. “Một điều đáng mừng đó là có đến 84% các tổ chức chú trọng việc đào tạo kỹ năng mới cho người lao động trong tương lai.”

“Các công việc trong tương lai sẽ khác nhiều so với các công việc hiện nay. Chúng ta cũng dễ dàng thấy rằng tuyển dụng kỹ sư phần mềm đã không còn là nhu cầu của riêng các công ty công nghệ. Mặc dù vậy, để xây dựng một lực lượng lao động cho kỷ nguyên AI, kỹ năng về kỹ thuật không phải là kỹ năng duy nhất cần phải đào tạo.” – ông Phạm Thế Trường cho biết.

Ba kỹ năng được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho là cần có trong tương lai bao gồm: kỹ năng định lượng và phân tích, kỹ năng số, cũng như khả năng thích ứng và tư duy liên tục học tập. Nhu cầu cho những kỹ năng trên hiện đang cao hơn nguồn cung.

Khảo sát này cũng chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá cao kỹ năng mềm hơn những gì người lao động nghĩ. Các khoảng cách kỹ năng lớn nhất bao gồm:

  • Khả năng thích ứng và liên tục học hỏi (chênh lệch 7 điểm)
  • Khả năng lãnh đạo và quản lý (chênh lệch 7 điểm)
  • Tinh thần làm chủ và chủ động (chênh lệch 6 điểm)
Quảng cáospot_img
Quảng cáospot_img

Tin liên quan