Với nhu cầu của một game thủ hiện nay không còn chỉ dừng lại ở trải nghiệm chơi game mượt mà – mà còn là đòi hỏi yếu tố nhỏ khác như là gaming gear nó cần phải phù hợp cùng đó là sự cá nhân hoá, vậy liệu nó có thật sự tốt khi lựa chọn gaming đồng bộ hay không?
Mặc lợi ích khi sử dụng Gaming Gear đồng bộ
Đầu tiên và lưu ý nhất đó là sự yêu thích từ thương hiệu. Mặc dù nghe có vẻ hơi cực đoan nhưng người dùng cũng ‘này nọ’ thích một thương hiệu nào đó như kiểu iFan thích đồ Apple hay SamFan thích hàng của Samsung và tương tự, người dùng yêu thích một thương hiệu bằng cách nào đó giới hạn lại biên độ các sản phẩm từ thị trường ở mức hàng trăm có thể xuống mức hàng chục hoặc một vài, và từ đó sự chọn lựa và phân vâng càng ít thì sẽ càng đỡ ‘nhức đầu hơn’.
Đôi khi sự yêu thích thương hiệu lại từ thói quen tiêu dùng với những sản phẩm trước đó, người dùng mua, dùng thử và cảm thấy bền và thế là những sản phẩm sau này chỉ chọn mỗi thương hiệu đó thôi.
Mặc khác khi sử dụng cùng một thương hiệu cho nhiều sản phẩm người dùng đôi khi cũng có được nhiều lợi ích, cả lớn và nhỏ. Lớn là sự tiện lợi như là việc sử dụng cùng một phần mềm điều khiển được nhiều thứ và tinh giảm được sự rườm rà, các sản phẩm đồng bộ với nhau sẽ luôn mang tính cá nhân hoá cho góc cá nhân, ví dụ như màu sắc của sản phẩm bởi các sản phẩm Gaming Gear gần đây luôn là các sản phẩm hổ trợ đèn LED RGB vậy nhiều sản phẩm cùng lúc đồng bộ màu sắc sẽ giúp góc cá nhân tạo được màu sắc ‘cá nhân’ luôn.
Và lỡ đâu trong trường hợp hư cả bộ thì chỉ cần đem đến một nơi thôi cũng tiện đường hơn. : D
Mới đây mình có mượn được bộ sản phẩm từ SteelSeries, bộ sản phẩm gồm bàn phím, tai nghe, chuột và lót chuột. Trong đó với chuột, lót chuột và bàn phím là sản phẩm có dây kèm LED còn tai nghe là sản phẩm Bluetooth không LED trọn bộ combo này có giá gần 10 triệu đồng (tham khảo GearVN).
Trọn bộ combo từ SteelSeries
Đầu tiên là bàn phím SteelSeries Apex M750
Ngoại hình nó thật sự không chuẩn gu ‘đơn giản – cơ bản – tinh gọn’ mà thuộc mức độ ngầu ngầu, với một mặt nhôm được gia công và phủ sơn sau đó được gắn phím lên trên lộ ra các chân phím theo đúng chuẩn Game thủ hiện nay với những đường nét góc cạnh ở các cạnh và mặt hông được ốp thêm một mảng cách điệu cho chút ít cảm giác chắc chắn.
Mặt dù là bàn phím có kích thước Full Size nhưng vì nó sử dụng vật liệu nhôm nên trọng lượng cũng thuộc mức khá nhẹ nhàng, bạn có thể mang ‘vác’ lên trường hoặc là đem ra Cyber để sử dụng cũng được – ngoài ra nhà sản xuất cũng cho biết sản phẩm này cũng thuộc hàng ‘bao đập’ với khả năng chống chịu được những đòn tán công trực diện vào gear sau những cú ‘cay cú’ nặng nhẹ từ Game.
Điểm nhấn chính với bàn phím này đó là việc nó trang bị LED RGB, cùng dãy phím chức năng được tích hợp ngay trên bàn phím cho phép người dùng có thể thao tác nhanh các chức năng mà không phải thủ công nhiều bước. Với LED RGB này người dùng có thể sử dụng phần mềm SteelSeries Engine để tuỳ chỉnh đèn LED chủ động theo ý thích người dùng.
Mặt dưới – không được trang bị kiểu gờ bật lên xuống như thông thường mà sẽ ra miếng cố định, nếu muốn thay đổi độ cao thì người dùng phải tự tháo ra và lắp lại miếng cao su khác.
Quay trở lại với mặt trên là cảm giác gõ trên APEX M750, cảm giác gõ không thật sự ấn tượng một phần do chiếc bàn phím này sử dụng phím cơ học do chính SteelSeries làm Linear Switch – QX2, với một phần switch này lại không có các khấc nhận tính hiệu thành ra lúc mình bấm xuống chưa hết hành trình phím phím đã nhận về cơ bản điều này giúp cho phím nhạy hơn và khi game thủ bấm bấm skill thì lợi thế có độ nhạy cao nhưng bạn sẽ không thể kiểm soát được lúc nào phím đã nhấn, thành ra lúc spam sẽ có phần mỏi tay hơn và không biết đã đủ hay chưa.
Với người dùng mong muốn một chiếc bàn phím có ít độ ồn trong không gian yên tĩnh sẽ hoàn toàn không phù hợp với APEX M750, một phần vì cấu trúc của Switch cùng sức căng lò xo nó khá là nhẹ (45g/4mm) nên người dùng sử dụng một mức lực ở ngưỡng thông thường thì đã đi hết, phát ra tiếng ‘cạch’ khi đi hết hành trình và chạm vào plate kim loại cùng đó nó cũng kèm theo ‘lạo xạo’ khi bấm phím nhanh, vậy nên đây có vẻ như không phải là một sự lựa chọn tốt cho người dùng muốn một chiếc bàn phím có độ ồn tối thiểu trong không gian nhỏ, âm thanh phát ra từ bàn phím có thể làm phiền những người xung quanh. Và những thứ còn lại như dạng phím và các thao tác làm quen đều khá dễ dàng không cần phải một thời gian mà chỉ cần lần đầu và đã có thể ‘sử dụng ngon’.
Một điểm nhỏ đó mặc dù với mức giá tiền không hề dễ chịu nhưng người dùng ‘có thể’ là buộc phải mua thêm một tấm kê tay rời bởi cá mình sử dụng chiếc bàn phím này trong vòng khoảng tiếng đã hơi mỏi rồi buộc phải kê thêm tấm lót lên để nâng độ cao và cũng để đỡ mỏi hơn.
Dây cũng là loại cao su, chứ không phải loại bọc dây dù và cổng kết nối USB cũng không được mạ vàng.
Keycap là loại thông thường, nếu muốn chơi Keycap là chuyện đơn giản, với bộ keycap có sẵn người dùng cũng cần phải lau chùi thường xuyên do nó rất dễ bám dính mồ hôi.
Tiếp đến đó là sản phẩm chuột SteelSeries Sensei 310 với sự kết hợp của lót chuột SteelSeries QCK Prism
Sensei 310 là một sản phẩm đã có tiếng tăm trong ‘làng gaming gear’ từ lâu, với việc đã ra mắt từ những năm 2017 và đến nay cũng là một khoảng thời gian khá dài để tạo được tên tuổi cho nó, sở hữu thiết kế dành cho các game thủ sử dụng cả 2 tay trái hoặc phải và có phần hơi mập mạp để ôm hết được tay người dùng, với riêng với kiểu cầm Claw Grip là có phần hơi khó khăn bởi chuột có kích thước lớn và ôm tay nên sẽ không còn một khoảng cách để tay bạn cong lên nữa với Palm hay Fingertip sẽ là phù hợp hơn, còn nếu bạn là một ‘tay to’ thì cứ chiến thoải mái thôi.
Mặt trên chuột được phủ nhựa nhám, cầm khá thích nhưng bạn phải lưu ý lau chùi thường xuyên không sẽ dễ bị bóng và ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng.
Ngay trên lưng này cũng đặt nút điều chỉnh DPI nhanh chóng bằng 1 cú click, cạnh hông sẽ là nơi đặt các phím chức năng mà người dùng có thể gán vào tuỳ ý với mỗi bên 2 phím, nhưng có điều với 2 phím bên phải người dùng tay phải sẽ hơi khó bấm hơn là 2 phím bên trái (và ngược lại) do sản phẩm này hướng đến cho người dùng cả tay trái và phải mà.
Với nút cuộn thật sự rất êm, và mượt với nút cuộn này thay vì là một nút cứng thì SteelSeries chọn cách sử dụng nhựa mềm, mang lại cảm giác bám tay nhiều hơn và không chỉ nút cuộn còn cả những nơi đặt tay của người dùng đều có phủ nhựa mềm này lên là điểm cộng tuyệt vời cho sản phẩm.
Kiểu mập mạp đúng điệu với chiếc Steelseries QCK Prism, không gian lớn và đèn LED ‘sập xình’ tạo nên một sàn diễn cho chiếc Sensei 310 RGB có thể múa máy thoải mái, với kích thước sẽ hơi lớn hơn một chiếc pad chuột thông thường bởi lẽ nó mang khá nhiều tính năng bên trong và càng lớn thì tổng thể chiếc pad đặt trên bàn lại càng ngầu.
Steelseries QCK Prism là kiểu sản phẩm 2 trong 1 dành cho game thủ nhiều mục đích với nhiều tựa game hiện có trên thị trường, bạn thích nhanh có nhanh, chậm cũng có chậm nhưng không phải kiểu quá chậm đâu nhé mà kiểu gọi là ‘control’. Với mặt speed, nó thật sự rất trơn kiểu trơn mà lại ‘hơi nhám’ tăng tốc độ cực nhanh cùng đó khi có gia tốc đủ lớn tự sức nó có thể trượt đi thêm một khoảng nữa.
Còn mặt control thì nó lại cực đầm, mang lại sự tin cũng như là chắc chắn về mức kiểm soát của của người dùng và mặt control này mình cũng khá thích trong nhu cầu hằng ngày bởi mình không quá cần quá nhanh như sử dụng mặt kia và cả 2 mặt này đều được gia công tốt mặc dù là nó cùng chung một tấm và đè lên ngược lại với pad để đính mặt di chuột lên, nên người dùng lần đầu sẽ có phần hơi lạ lẫm.
Với khả năng hiển thị đèn LED RGB thì Steelseries QCK Prism là một trong những chiếc pad hàng đầu để game thủ ‘màu mè’ hướng đến, và cũng tương tự như những chiếc pad khác nó cũng phát sáng toàn bộ khung viền cho trải nghiệm ‘màu mè’ hết sức có thể và kết hợp với PrismSync sẽ là một bộ combo đồng bộ cho toàn bộ hệ thống.
SteelSeries Arctis 3 Bluetooth
So với bản sử dụng dây thì bản Arctis 3 Bluetooth còn có giá cao hơn cả Arctis 5 và chỉ thua đâu đó 500 nghìn Arctis 7 cũng là một sản phẩm hổ trợ Bluetooth nhưng không rõ chất âm có quá khác biệt hay không.
Cảm nhận của mình với sản phẩm này ngắn gọn chỉ nằm trong thì ‘tiện dụng’, đầu tiên là việc trang bị Bluetooth, có thể nói là không thể thiếu đối với một chiếc tai nghe ở tầm giá chót vót hơn 3 triệu đồng, bởi thật sự tai nghe sẽ là sản phẩm luôn cần đến một dây nối dài và điều này với những ‘DJ’ mẫu mực không hề thích một chút nào cả. Khả năng kết nối Bluetooth này tương thích với mọi thiết bị không chỉ dừng lại ở máy tính mà cho cả điện thoại vậy trong trường hợp bạn muốn đeo nó đi lên oto hay bus (có tí hơi dị dị) nhưng ‘ngon vẫn là ngon’.
Mang đến chất âm thiên Bass nhưng Bass lại không quá sâu, không quá nặng tai mà vừa vặn cho mọi thể loại, bạn muốn sử dụng để chơi game hay nghe nhạc nó đều thể hiện tốt, kèm đó với sự kết hợp từ headband và cả mút đệm tai cho khả năng sử dụng lâu dài, và mình từng đeo liên tục trong khoảng 2 tiếng để vừa chơi game, nghe nhạc rồi cả xem phim nữa vẫn không bị tình trạng bị đau tai hay là bị bí và đổ mồ hôi.
Headband cho khả năng co dãn và có thể tháo rời để vệ sinh hoặc là phù hợp nhiều kích cỡ đầu, headband tháo rời này bạn có thể cá nhân hoá bằng cách bọc lại một lớp ‘áo mới’ theo sở thích của mình.
Một lưu ý nữa là Arctis 3 cũng khá nhẹ, thành ra trọn combo headband rồi đệm rồi trọng lượng làm người sử dụng cảm thấy thoải mái tối đa, đeo trong thời gian dài không hề hấn gì.
Trong nhu cầu thông thường bạn có thể gập lại và đeo trên cổ nhưng vì kích thước lớn nên nó cũng không thoải mái như việc bạn đeo trên đầu, vì củ tai khá to.
SteelSeries Engine
Với những sản phẩm của SteelSeries không thể không nhắc đến thành phần cốt lõi điều khiển các sản phẩm thông qua phần mềm mà người dùng có thể thiết lập tuỳ chỉnh theo sở thích cá nhân.
Với việc kết nối sản phẩm bằng USB phần mềm đều nhận ra được thiết bị và cho phép người dùng tuỳ chỉnh, với bàn phím là khả năng thay đổi đèn LED và tuỳ chỉnh các chế độ cho LED, với chuột sẽ là thiết lập các tốc độ, gán các phím chức năng và một tính năng tuyệt vời khác đó là Profile, ví dụ như chuột Sensei 310 có thể điều chỉnh được các thiết lập tương tự như SumaiL là một Player của Dota 2, vậy trong trường hợp bạn qua nhà một ai đó cảm thấy thích với tốc độ/thiết lập của bạn mình có thể lấy về ghép và thiết lập cho mình..
Với các sản phẩm hổ trợ Prism Sync gồm chuột, phím và pad chuột người dùng có thể đồng bộ cho các đèn LED theo sở thích và tăng mức độ cá nhân hoá góc của mình lên và theo mình đây mới thật sự là điểm đáng tiền của gaming gear đồng bộ.
Vậy Gaming Gear đồng bộ có thật sự xứng đáng
Nói về đáng hay không thì nó thật sự xứng đáng bởi những gì nó mang lại, với tất cả những tính năng mà một sản phẩm mang lại mọi thứ đều có thể được tuỳ chỉnh và đồng bộ với nhau một cách dễ dàng và thuận tiện cùng đó nó cũng đề cao tính cá nhân hoá và tăng mức độ trải nghiệm của người dùng lên tầm cao hơn, nhưng bù lại gaming gear đồng bộ này bạn có thể thấy là nó có phần hơi dây nhợ một chút do đèn LED RGB thật sự không hề tốt cho những thiết bị Bluetooth nên lựa chọn này buộc phải đánh đổi đối với người dùng thích đi dây gọn gàng.
Ngoài ra để đổi lại sự đồng bộ này người dùng cũng buộc phải chi hầu bao lớn hơn cho các sản phẩm để mang tính đồng bộ, và trường hợp là ‘sinh viên’ có thể sẽ không phải là một sự lựa chọn nên làm.
Hình ảnh được sử dụng trong bài