Sáng nay, thẩm phán Gonzalo Curiel của Tòa án Quận Hoa Kỳ cho Quận Nam California nói rằng Qualcomm có nghĩa vụ phải trả cho Apple gần 1 tỷ USD tiền bản quyền mà họ đã thu vượt mức miễn là nhà sản xuất iPhone không tiếp tục kiện cáo ra tòa hoặc các cơ quan quản lý nữa.
Một quyết định khác liên quan đến Apple và Qualcomm cũng được công bố trong ngày hôm nay. Theo ghi nhận của Reuters, một bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang ở San Diego đã ra phán quyết yêu cầu Apple phải trả cho Qualcomm 31 triệu USD (do hành vi vi phạm 3 bằng sáng chế của nhà sản xuất chip). Điều này tương đương với việc Apple phải trả 1,41 USD cho mỗi chiếc iPhone được bán ra với công nghệ của Qualcomm ở bên trong. Mặc dù nhận được 31 triệu USD tiền bồi thường nhưng so với số tiền 1 tỷ USD phải trả ngược lại cho Apple thì Qualcomm vẫn phải chi thêm 969 triệu USD nữa để giải quyết dứt điểm vụ kiện.
31 triệu USD được trao cho Qualcomm bao gồm phí bản quyền cho 3 bằng sáng chế mà họ sở hữu. Một trong số này cho phép điện thoại kết nối với internet ngay khi nó được khởi động. Một cái khác giúp tiết kiệm pin cho bộ xử lí đồ họa và bằng sáng chế còn lại là công nghệ giúp giao tiếp giữa bộ xử lý ứng dụng và modem trên thiết bị cầm tay. Qualcomm tỏ ra hài lòng với quyết định này của bồi thẩm đoàn còn Apple thì ngược lại. Apple và Qualcomm vẫn còn một số vụ kiện cáo khác tại tòa. Ví dụ, vào tháng tới, tòa án San Diego sẽ giải quyết vụ kiện liên quan đến hàng tỷ USD tiền bản quyền giữa 2 công ty.
Don Rosenberg, cố vấn chung của Qualcomm cho biết: “Phán quyết nhất trí của bồi thẩm đoàn hôm nay là chiến thắng mới nhất trong vụ kiện bằng sáng chế toàn cầu của chúng tôi nhằm mục đích khiến cho Apple phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng các công nghệ có giá trị của chúng tôi. Các công nghệ do Qualcomm và các công ty khác phát minh ra đã giúp Apple xâm nhập thị trường và thành công nhanh chóng”.
Trong khi đó, đại diện Apple cho biết: “Chiến dịch tuyên bố vi phạm bằng sáng chế đang diễn ra của Qualcomm không gì khác hơn là một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng khỏi những vấn đề lớn hơn mà họ gặp phải khi bị điều tra về các hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới”.
Qualcomm cũng đang chờ đợi một vài phán quyết quan trọng có thể thay đổi cách bán chip cho các nhà sản xuất smartphone trong tương lai. Cuộc chiến tòa án với FTC hồi đầu năm nay đã tiết lộ lý do tại sao nhiều nhà sản xuất smartphone ghét giao dịch với nhà sản xuất chip này. Chính sách “không giấy phép, không chip” của Qualcomm đã gây phẫn nộ cho các nhà cung cấp điện thoại này bởi vì họ phải đều trả tiền cho các chip Qualcomm được sử dụng trong điện thoại của họ và giấy phép dựa trên số lượng điện thoại mà mỗi nhà sản xuất cung cấp có dù có dùng chip của Qualcomm hay không. Qualcomm cũng bị cáo buộc không cấp phép các bằng sáng chế tiêu chuẩn của mình theo cách công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử. Đây là những bằng sáng chế thiết yếu mà mỗi thiết bị phải có để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Vào ngày 26 tháng 3, Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết quan trọng khác liên quan đến Qualcomm. Trong vụ kiện này, một thẩm phán ITC ban đầu phán quyết rằng mặc dù Apple đã vi phạm bằng sáng chế của Qualcomm, nhưng sẽ trái với lợi ích chung khi trao cho Qualcomm lệnh cấm bán và nhập khẩu iPhone tại Hoa Kỳ (theo yêu cầu của Qualcomm). ITC yêu cầu xem xét lại quyết định đó của toàn bộ ủy ban và họ sẽ công bố kết quả vào thứ Ba tuần tới.
Tùy thuộc vào phán quyết cuối cùng, Qualcomm có thể kết thúc bằng một phương thức bán chip hoàn toàn mới cho các nhà sản xuất smartphone. Nếu Qualcomm thay đổi phương thức kinh doanh, họ có hi vọng giành lại các hợp đồng từ Apple. Từ 2011-2015, Qualcomm là nhà cung cấp độc quyền chip modem cho iPhone. Trong năm 2016 và 2017, Qualcomm và Intel đều cung cấp cho Apple thành phần này. Intel là nhà cung cấp chip modem duy nhất cho các mẫu iPhone 2018 và được đồn đại là nguồn cung cấp chip modem 5G duy nhất cho năm 2020 cho iPhone.