Liệu sự phát triển vượt bậc của máy ảnh không gương lật (Mirrorless) có phải là dấu chấm hết cho DSLR, loại máy ảnh đã chiếm lĩnh thị trường trong nhiều thập kỉ qua?
Mọi người vẫn cho rằng smartphone chính là dòng sản phẩm sẽ giết chết máy ảnh DSLR, nhưng trong tình hình hiện tại thì có lẽ máy ảnh không gương lật mới là ‘thủ phạm’ thực sự.
Tìm hiểu lịch sử
Trước khi thiết kế SLR (Single-lens Reflex) thống lĩnh thị trường máy ảnh, đa phần mọi người vẫn sử dụng các máy range-finder (như những chiếc Leica M). Dòng máy này có một nhược điểm cố hữu là ống ngắm bị đặt lệch so với ống kính được sử dụng để chụp hình, nên những gì người dùng thấy chưa chắc đã là bức ảnh cuối cùng. Thiết kế SLR (và sau này là máy số DSLR) có một miếng kính được đặt lệch 45 độ, phản chiếu ánh sáng lên mắt người chụp và từ đó cho ảnh xem trước giống hệt so với hình chụp.
Ngoài ưu điểm nói trên, máy ảnh SLR cũng có khả năng phản chiếu một phần ánh sáng tới cảm biến lấy nét riêng, từ đó có chất lượng bắt nét tốt hơn nhiều so với các loại máy ảnh trước đây. Những cảm biến này có thể thấy được sự khác biệt giữa ánh sáng của 2 điểm trên ống kính, từ đo so sánh pha và điều chỉnh điểm đặt nét của ống kính cho phù hợp.
Máy ảnh ngày càng phát triển, người dùng không những chỉ dùng chúng để chụp ảnh mà còn muốn quay phim nữa. Và từ đó công nghệ ‘Liveview’ được phát minh, khi mà cảm biến hoạt động liên tục và chuyển hình ảnh xem trước tới màn hình chứ không phải ống ngắm quang học nữa. Đây chính là lúc dòng máy DSLR lộ ra những nhược điểm trong thiết kế của chúng.
Do phải đẩy gương lật ra để chuyển tín hiệu vào cảm biến hình ảnh, máy DSLR mất đi khả năng lấy nét theo pha bằng cảm biến riêng, mà phải dựa vào hệ thống lấy nét tương phản cũ. Kết quả là chất lượng lấy nét khi quay video, hoặc chụp ảnh bằng ‘Liveview’ của những chiếc DSLR đời đầu rất tệ. Lấy nét tương phản có độ chính xác cao, nhưng máy sẽ phải ‘quét’ cảnh vật nhiều lần trước khi quyết định được việc đặt nét ở đâu, nên có tốc độ chậm hơn nhiều.
Nắm bắt được nhược điểm này, hãng máy ảnh Nhật Bản Canon đã tìm cách để đưa công nghệ lấy nét theo pha để đặt vào cảm biến hình ảnh. Trên cảm biến hình ảnh, hãng đặt các điểm ảnh đôi (Dual Pixel), với mỗi nửa có thể thu nhận ánh sáng từ một phía ống kính và thực hiện lấy nét theo pha với tốc độ cao, giống hệt với nguyên lý của cảm biến lấy nét đặt riêng. Công nghệ làm cho các máy DSLR quay phim tốt hơn nhiều, nhưng cũng gián tiếp tạo tiền đề cho các máy không gương lật sau này.
Sony là hãng đầu tiên ‘dám’ cạnh tranh trực tiếp với các máy DSLR bằng việc ra mắt chiếc Sony Alpha 7, có cảm biến Full-frame và áp dụng công nghệ lấy nét trên cảm biến ảnh đã nói ở trên. Các hãng khác cũng đã theo chân, và giờ đây tất cả các hãng máy ảnh lớn, trong đó có cả Canon và Nikon cũng đã tham gia sản xuất máy ảnh không gương lật. Liệu đây có phải là ‘điềm báo’ cho cái chết của dòng máy DSLR?
Tại sao thành phần gương lật không còn cần thiết nữa?
Gương lật trong máy DSLR là một thành phần rất chiếm diện tích làm cho máy trở nên to, nặng, cùng với đó là tăng giá thành sản xuất. Đây cũng là một thành phần không cần thiết cho quá trình quay video như chúng ta đã tìm hiểu ở trên. Một nhược điểm nữa của SLR nói chung và máy số DSLR nói riêng đó là do có 2 cảm biến hình ảnh và lấy nét khác nhau, sau một thời gian sử dụng 2 thành phần này sẽ có sai số dẫn tới chất lượng lấy nét suy giảm. Máy ảnh không gương lật chỉ có 1 cảm biến duy nhất, ít thành phần di chuyển hơn nên không cần phải hiệu chỉnh trong quá trình sử dụng.
Hơn nữa, thành phần kính lật cũng ảnh hưởng nhiều đến việc các hãng thiết kế ống kính máy ảnh, nhất là các ống kính góc rộng hoặc có khẩu độ lớn. Như Canon, trong ngày công bố chiếc máy ảnh EOS R hãng cũng đã thể hiện được ưu điểm về các thiết kế ống kính của dòng máy không gương lật bằng việc ra mắt bộ đôi ống kính 28-70mm f/2 và 50mm f1.2. Các ống kính mới của Nikon dành cho máy Z6 và Z7 cũng có chất lượng cao hơn so với các sản phẩm tương đương dành cho máy DSLR cũ.
Một ưu điểm của các dòng máy không gương lật đó là chúng thường có bộ xử lí hình ảnh mạnh mẽ hơn, nên có thể tận dụng được những thông tin mà cảm biến nhận được, trong đó đặc biệt là khả năng lấy nét vào mặt hoặc mắt chủ thể, một điểm mà hệ thống lấy nét truyền thống của DSLR không làm được.
Nói đi cũng phải nói lại, hiện nay DSLR vẫn có ống ngắm tốt hơn máy ảnh không gương lật, vì hoạt động quang học chứ không phải là một màn hình. DSLR vẫn có chất lượng lấy nét nhanh hơn so với các dòng không gương lật (tuy vậy sự cách biệt đã không quá xa) khi chụp ảnh. Ngược lại, máy ảnh không gương lật nhỏ gọn, dễ dàng sản xuất và sẽ có nhiều cơ hội để nâng cấp hơn trong tương lai.
Không rõ bao giờ máy không gương lật sẽ chiếm lĩnh thị trường như dòng DSLR đã làm trong thời gian qua. Sony hiện nay vẫn chưa có hệ thống ống kính đầy đủ (thiếu ống kính Fish-eye và Telephoto dài). Nikon và Canon thậm chí còn có ít ống kính và máy ảnh hơn vì mới chỉ tham gia ‘cuộc chiến không gương lật’ trong năm nay. Song, giống với các máy ảnh chụp film thì máy ảnh DSLR sẽ không chết hoàn toàn, nhưng sẽ không còn được những đa số nhiếp ảnh gia và nhà báo sử dụng rộng rãi như hiện tại nữa.
Về tác giả: Frédo Durand là giáo sư về Điện tử và Máy tính tại Trường đại học MIT. Ông hiện đang nghiên cứu về nhiếp ảnh điện tử (computational photography) và tạo ảnh nhân tạo (synthetic image generation) để tạo ra các chiếc máy ảnh và smartphone có chất lượng hình ảnh cao hơn. Bài viết là ý kiến cá nhân của ông được đăng tải tại Petapixel.