Schneider Electric – tập đoàn toàn cầu chuyên về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý năng lượng và tự động hóa – vừa công bố kết quả khảo sát thuộc Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 dành riêng cho thị trường Việt Nam. Báo cáo này mang đến các phát hiện quan trọng về chiến lược bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nêu bật các kế hoạch đầu tư đang được triển khai nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.
Khảo sát trong khuôn khổ báo cáo “Green IMPACT Gap” 2024 được thực hiện bởi Schneider Electric phối hợp cùng Milieu Insight, thông qua phỏng vấn 4,500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại 9 quốc gia thuộc khu vực châu Á – trong đó có 500 người tham gia đến từ Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu quan điểm của các nhà lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và môi trường. Đối tượng khảo sát bao gồm các giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao trong lĩnh vực tư nhân, trả lời 30 câu hỏi xoay quanh tác động của phát triển bền vững đối với hoạt động kinh doanh. Các quốc gia tham gia khảo sát gồm: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric tại Việt Nam và Campuchia chia sẻ: “Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong hành trình thực thi các cam kết về phát triển bền vững. Chỉ trong vòng một năm, chỉ số Green IMPACT Gap – tức khoảng cách giữa mục tiêu và hành động – đã giảm từ 52% (năm 2023) xuống còn 45% (năm 2024). Điều này thể hiện tinh thần quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vai trò tiên phong của những ‘Impact Makers’ – những nhà lãnh đạo chọn hành động để thúc đẩy sự chuyển đổi theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, các doanh nghiệp vẫn sẽ phải đối diện với nhiều trở ngại, từ thách thức về tài chính, công nghệ cho tới khả năng thích nghi với các chính sách mới. Với vai trò là tập đoàn hàng đầu toàn cầu về quản lý năng lượng và tự động hóa bằng chuyển đổi số, Schneider Electric cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những thách thức này bằng các giải pháp số hóa, điện hóa và tự động hóa”.
Tác động của chính sách: 96% doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tiếp cận Nghị định 06/2022/NĐ-CP
Theo kết quả khảo sát, có tới 96% doanh nghiệp Việt Nam hiện đã bắt đầu làm quen với Nghị định 06/2022/NĐ-CP – văn bản quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Tuy nhiên, quá trình thực thi vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản: 54% doanh nghiệp cho rằng việc thiếu chuyên môn kỹ thuật trong công tác đo lường và lập báo cáo phát thải là thách thức lớn nhất để đảm bảo tuân thủ đầy đủ; trong khi đó, 46% doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn và tài nguyên phục vụ cho quá trình này. Dù vậy, 58% doanh nghiệp vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng các quy định như vậy sẽ đóng vai trò thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp phát triển bền vững, dù chúng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong số các vấn đề được các doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm hàng đầu về phát triển bền vững, yếu tố đạo đức doanh nghiệp và tính minh bạch đang chiếm tỷ lệ cao nhất (32%). Hai vấn đề còn lại trong nhóm ba mối quan tâm hàng đầu là sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc cùng với quản lý chất thải và tái chế.
Các yếu tố thúc đẩy chiến lược bền vững tại Việt Nam
Tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, ba lĩnh vực được doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất để thúc đẩy chuyển đổi bền vững gồm: số hóa, chuỗi cung ứng bền vững, và giải pháp xanh. Trong đó, hai hạng mục chuỗi cung ứng bền vững và giải pháp xanh cùng chiếm 53% mức ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Việt, còn đầu tư cho số hóa đạt 49%.
Tuy nhiên, xét trên bình diện khu vực châu Á gồm 9 quốc gia, số hóa được đánh giá là hạng mục chiếm ưu tiên đầu tư cao nhất trong vòng hai năm tới, với 42% doanh nghiệp xem đây là lĩnh vực trọng tâm. Đáng chú ý, có đến 93% doanh nghiệp trong khu vực cho biết họ đã hoặc đang triển khai các công cụ số hóa nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Những ứng dụng phổ biến nhất bao gồm: vận hành không giấy tờ (35%), quản lý rủi ro và cơ hội (33%), cùng với số hóa chuỗi cung ứng (31%).
Hơn một nửa doanh nghiệp Việt đã hành động vì mục tiêu bền vững
Báo cáo “Green IMPACT Gap” 2024 cũng phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của phát triển bền vững trong chiến lược vận hành của các doanh nghiệp tại châu Á. Cụ thể, 60% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực xem đây là ưu tiên hàng đầu. Riêng tại Việt Nam, con số này đạt 73%, vượt qua Indonesia (71%) và chỉ đứng sau Thái Lan (83%).
Mặc dù các doanh nghiệp đang có nhiều bước tiến rõ rệt, nhưng khoảng cách giữa mục tiêu và hành động – chỉ số “Green IMPACT Gap” – vẫn còn hiện diện. Trong toàn khu vực, chỉ số này đã giảm nhẹ từ 50% năm 2023 xuống còn 48% trong năm 2024. Tuy vậy, các rào cản lớn như bất ổn kinh tế, khung pháp lý thay đổi, cùng hạn chế về nội lực vẫn là các yếu tố cản trở chính.
Chỉ số Green IMPACT Gap của Việt Nam giảm còn 45%
Tại Việt Nam, chỉ số “Green IMPACT Gap” ghi nhận mức giảm từ 52% (năm 2023) xuống còn 45% (năm 2024), thấp hơn mức trung bình của khu vực. Trong số các trở ngại mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải, bất ổn kinh tế được nhắc đến nhiều nhất, chiếm 62%.
Đáng chú ý, trong số 99% doanh nghiệp khẳng định đã xác lập các mục tiêu phát triển bền vững, thì có tới 54% đã xây dựng được chiến lược và chính sách cụ thể đi kèm với các chỉ tiêu rõ ràng. Những doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc lập kế hoạch, mà đã chuyển hóa các cam kết thành hành động cụ thể – trở thành các “Impact Makers” – tức là những nhà lãnh đạo tiên phong đưa tổ chức và cộng đồng tiến gần hơn tới một tương lai hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.
Tìm hiểu thêm về kết quả khảo sát của Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 của Việt Nam tại đây.