Những sản phẩm Apple từng gặp thất bại thảm hại

Những sản phẩm Apple không phải lúc nào cũng ra đời cũng thành công mà hãng cũng từng có rất nhiều “bom xịt”.

Cũng như bao công ty khởi nghiệp từ thung lũng Silicon khác, để vươn tới thành công rực rỡ như ngày hôm nay Apple đã phải nhiều lần rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khốn đốn với những sản phẩm mang tên thảm họa mà hãng không bao giờ muốn ai biết. Hôm nay, CNV cùng các bạn sẽ điểm qua những sản phẩm Apple từng gặp thất bại.

Trước khi sáng chế thành công ra chiếc bóng đèn sợi tóc đầu tiên, nhà khoa học, nhà phát minh thiên tài của thời đại Thomas Alva Edison đã thất bại cả 1000 lần. Thế nên trước khi bạn biết đến những sản phẩm nổi bật đang “đẻ trứng vàng” cho Apple như: iPhone, iPad, Macbook… công ty đã cho ra đời cả tá sản phẩm tăm tối, tệ hại.

1. Pippin (1995)

Dù bạn có tin hay không thì ông vua của làng game di động với iOS, Apple đã có thời điểm sản xuất máy chơi game console truyền thống. Vào năm 1995, Pippin – tên gọi của máy chơi game console đã được Apple tung ra thị trường. Vào thời điểm đó nó được trang bị modem kết nối lên đến 14.4 kbps (ngon hơn nhiều máy chơi game console ở cùng thời điểm) tuy nhiên điều đó vẫn không thể lôi kéo các game thủ.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Giá thành đắt ($559) cùng hệ sinh thái èo ọt (dưới 20 tựa game khi ra mắt lần đầu tiên) và chiến lược marketing sai lầm đã dẫn đến sự thất bại nhanh chóng cho sản phẩm. Ước tính có khoảng 40.000 máy đã được bán ra trong khi lô hàng đầu tiên sản xuất lên đến 100.000, có lẽ đó cũng là lô hàng cuối cùng.

2. Newton (1993)

Đây là một sản phẩm có thiết kế đẹp cùng nhiều tính năng thú vị như gửi email, fax và nhận dang chữ viết tay. Nhưng vào thời đó Apple đã quảng cáo quá lố khi tính năng xịn nhất của thiết bị lại không hoạt động tốt như quảng cáo. Dù sau đó Apple đã nỗ lực rất nhiều nhằm cải thiện tính năng này nhưng vẫn không thể thay đổi được nhận thức của khách hàng rằng đó là một sản phẩm lố bịch.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Trong thực tế, việc thâm hụt ngân sách trong vấn đề này đã được chế giễu rộng rãi trong văn hóa pop, bao gồm series truyện tranh nổi tiếng Doonesbury và TV show The Simpsons. Sau khi quay lại công ty vào những năm cuối thập niên 90, Jobs đã sa thải toàn bộ nhân viên ở bộ phận phát triển Newton vì vẫn còn ôm hận với John Sculley – CEO Apple bấy giờ – người đã mở đường cho Newton và nổi tiếng với việc đuổi Jobs khỏi Apple.

Cần lưu ý, Newton là một thiết bị mang tính đột phá so với thời đại, tuy nhiên nó ra đời quá sớm khi mà các công nghệ hỗ trợ phát triển cho nó chưa thật sự phổ biến.

3. G4 Cube (2000)

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple
Apple giới thiệu G4 Cube lần đầu tại MacWorld năm 2000. Đây là sản phẩm có thiết kế đẹp, độc, lạ. Sản phẩm có hình dáng một khối lập phương, được gói gọn bởi khối tinh thể trong suốt có kích 8x8x8 inch. Tuy nhiên với cái giá cao vút $1,599 (không kèm màn hình), nên sau khi đoạt được vài giải thưởng lận lưng mang về thì đây là một sản phẩm thất bại hoàn toàn về mặt doanh số. Và Apple chưa bao giờ muốn nhắc lại sản phẩm đẹp mã nhưng “hoang tưởng” này.

4. 20th Anniversary Mac (1997)

Apple luôn làm một cái gì đó mới mẻ để kỉ niệm thành lập công ty, vào lần sinh nhật thứ 20 của mình, hãng đã ra mắt một dòng máy tính mới với tên gọi Twentieth Anniversary Mac (gọi tắt là TAM). Đây là dự án đầu tiên của Jony Ive tại Apple, một sản phẩm đầy hấp dẫn tại thời điểm đó. Những chiếc máy vi tính vào cuối thập niên 90 thường “thô kệch và gồ ghề”, trong khi TAM có thiết kế cực đẹp, tất cả được gói gọn trong một lớp-vỏ-cực-mỏng.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Máy trang bị màn hình LCD dày 2,5 inch kèm ổ đĩa CD-ROM. Ngoài ra còn có một remote điều khiển và một loa BOSS đi kèm máy. Mọi thứ đều tuyệt chỉ có giá là không tuyệt. TAM được bán ra thị trường với mức giá lên đến $7,499 đã khiến tất cả mọi người ngó lơ. Dù sau đó Apple đã giảm lần lượt xuống còn $3,500 và trước khi biến mất trên thị trường trong cùng năm, nó có giá niêm yết là $1,995. Giá bán lẻ và những linh kiện cấu thành không xứng với mức giá chính là con dao giết chết sản phẩm.

5. iPod Hi-Fi (2006)

Cách đây 10 năm, iPod rất được giới trẻ hưởng ứng và yêu thích. Nắm bắt thời cơ, Apple bắt tay với Boss tung ra iPod Hi-Fi – hệ thống âm thanh sterio cho phép chơi nhạc trực tiếp từ một chiếc iPod độc lập. Cũng như sản phẩm khác, thiết bị này được Apple định giá cao so với mặt bằng chung, $349.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Giá thành phải đi đôi với chất lượng mới mang lại thành công cho sản phẩm, iPod Hi-Fi không làm được điều đó. Khách hàng và các chuyên gia cho rằng máy đem lại những trải nghiệm âm thanh trung bình trong khi giá quá chát. Sản phẩm đã mất tích trên thị trường sau 2 năm kể từ thời điểm ra mắt. Và đây cũng là một sản phẩm tương tự Pippin, không mang lại bất kỳ giá trị nào cho Apple.

6. iPhone 5c (2014)

Trong một cuộc gọi họp hội nghị về doanh thu bán hàng diễn ra vào tháng 1/2014, chính Tim Cook đã có nhận định rằng nhu cầu đối với 5c “ngược với những gì chúng ta” nghĩ và không phù hợp chính xác với chính sách bán hàng của Apple đã đề ra trước đó.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

5c được giới thiệu cùng thời điểm 5s và không được thành công như nhiều người anh em của nó mặt dù doanh số của nó vẫn tốt hơn so với nhiều đối thủ như Blackberry hoặc những smartphone Windows. Hiện vẫn có nhiều tranh cãi rằng đây là một sản phẩm thất bại hay không-thất-bại? Một số luồng ý kiến cho rằng chính các lựa chọn màu sắc pastel màu mè của 5c đã định hướng người dùng sang 5s – một sản phẩm giá cao hơn, đẹp hơn và nhiều tính năng hơn. Tuy nhiên đây cũng là một sản phẩm được đại đa số người dùng cho là định giá cao trong cùng phân khúc.

7. Macintosh Portable (1989)

Đây là máy Mac di động đầu tiên được Apple giới thiệu vào năm 1989. Sản phẩm sớm đi vào quên lãng và được thay thế bằng dòng Powerbook mang tính cách mạng sau này. Tuy được cho là máy tính xách tay nhưng nó nặng gần 7kg. Bạn nghĩ sao nếu xách một thiết bị di động có cân nặng như thế đi làm hàng ngày? Cũng cùng năm đó, Toshiba cùng nhiều hãng khác đã tung ra laptop chỉ nặng 2,7kg.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Macintosh Portable được trang bị nhiều tính năng hấp dẫn vào thời điểm đó, màn hình LCD trắng-đen, RAM 1MB và pin acid – thứ đã “góp công to lớn vào cân nặng” của máy. Và đây cũng là thiết bị có giá trên trời của Apple, máy có giá bán lẻ lên đến $6.500 tương đương $12.750 tại thời điểm bây giờ. Người bình thường sẽ không ai mua một thiết bị xách tay vừa nặng vừa mắc như thế.

8. Macintosh TV

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Được giới thiệu vào tháng 10/1993, đây cũng là một sản phẩm khiến Apple “ôm hận” dù không còn mấy ai nhớ đến. Macintosh TV được “Táo khuyết” thiết kế hòa trộn giữa dòng máy tính Apple Performa và màn hình tivi. Vào lúc đó, máy có giá bán lẻ $2.097 (tương đương $3400 ở thời điểm hiện tại) cho một chiếc máy vi tính nửa nạc nửa mở, kèm màn hình bé xíu (CRT 14 inch). Đây quả là một thiết bị vừa xa xỉ vừa mang nhiều hạn chế. Apple đã khôn ngoan “giải tán” thiết bị sau 3 tháng rưỡi chào bán.

9. iMac Hockey Puck Mouse

Năm 1998 Apple đã cho ra đời sản phẩm mang tính biểu tượng iMac Bondi Blue, iMac Hockey Puck Mouse là một sản phẩm đi kèm, được Steve Jobs cho là sáng tạo tốt nhất từ trước đến giờ đối với chuột máy tính. Tuy nhiên, nó đã bị mọi người chế giễu (đồng cảnh ngộ với Newton) vì hình dáng kỳ quặc, kém linh động, gây khó khăn khi sử dụng cũng như không hỗ trợ đầy đủ những tính năng cơ bản cho người dùng.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Sản phẩm được thay thế bởi Apple Pro Mouse vào năm 2000 sau khi được nhiều người dùng phân loại vào nhóm “sản phẩm kém hiệu quả, gây bực tức” cho họ.

10. Apple III

Được bày bán vào năm 1981, ước lượng đã có khoảng 70.000 máy Apple III được tiêu thụ đối với một sản phẩm có vòng đời 4 năm. Đây là con số bèo bọt cho một sản phẩm có “tuổi thọ” như vậy. Vấn đề ở đây không phải là giá mà đây là sản phẩm mang đầy lỗi. Đây cũng là chiếc máy tính Apple đầu tiên không phải do Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập hãng, thiết kế.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

11. Lisa

Lisa là một máy tính đi trước thời đại khi được trang bị chuột, giao diện người dùng thân thiện, hệ điều hành hỗ trợ đa nhiệm và bộ nhớ được bảo vệ. Máy ra đời vào năm 1983 với giá bán lên đến $9.995 (tương đương $24.200 hiện tại). Một cái giá quá đắt đỏ, và hiệu năng ì ạch vì thế máy ế là điều không cần bàn cãi. Cuối cùng vào năm 1986, Apple đã cho những người lỡ mua máy được đổi máy lấy Mac Plus giá 4.100 USD chỉ cần bù thêm $1500.

Những sản phẩm thất bại thảm hại của Apple

Nhìn chung, những sản phẩm trên thất bại phần lớn vì được định giá cao hoặc quá cao trong khi chất lượng sản phẩm mang đến không thỏa mãn hoặc gây phiền toái cho khách hàng. Bên cạnh đó chiến dịch marketing trong quá khứ của Apple chưa tốt như bây giờ đã góp phần tạo nên thất bại cho sản phẩm.

Apple luôn đi tiên phong trong đổi mới nhằm mang lại những điều tuyệt vời, khác biệt, độc đáo cho người dùng – điều đó là sự thật, ai cũng phải công nhận. Dẫu vậy một số ít sản phẩm trong đó lại không thực sự hữu ích và cần thiết (đang nói quá khứ, tương lai chưa rõ) và kết cục đã quá rõ.

Quảng cáospot_img
Quảng cáospot_img

Tin liên quan