Microsoft đã tung ra khá nhiều phiên bản của hệ điều hành Windows, và không ít trong số chúng bị người dùng Windows ghét bỏ. Hãy tìm hiểu xem chúng là phiên bản nào và tại sao lại bị ghét bỏ đến như vậy.
Dưới đây là 3 phiên bản hệ điều hành bị ghét bỏ nhiều nhất, bao gồm: Windows Millennium Edition (ME), Windows Vista, và Windows 8. Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao 3 phiên bản này bị ghét đến vậy.
Windows ME
Thay vì gọi phiên bản Windows này bằng Millenium Edition như thông thường, người dùng đã đặt một cái tên đúng với bản chất của phiên bản này hơn: Mistake Edition (tạm dịch: Phiên bản lỗi). Windows ME được ra mắt vào cuối năm 2000 và là phiên bản cuối cùng của dòng Windows 9x.
Vào thời điểm được Windows ME được ra mắt, Windows 2000 chủ yếu tập trung dành cho đối tượng doanh nghiệp. Windows 98 chỉ mới được ra mắt cách đó vài năm, XP vẫn còn đang trong quá trình sản xuất và chưa sẳn sàng để ra mắt người sử dụng. Microsoft muốn tung ra một sản phẩm mới để thu hút người dùng cá nhân, và đó là lý do Windows ME ra đời.
Vì không có nhiều thời gian để hoàn thiện, người dùng có thể thấy phiên bản Windows này là sự chắp vá giữa các phiên bản Windows 9x và một vài tính năng mới của Windows XP. Hầu như mở ứng dụng nào cũng dẫn đến lỗi màn hình xanh.
Phiên bản này chỉ được bán ra trong vòng một năm và Windows XP đã tạo ra một cơn sốt sau khi được tung ra thị trường một năm sau đó. Sau 15 năm ra mắt, Windows XP vẫn chiếm lĩnh 10% thị trường, trong khi đó Windows ME đã biến mất hoàn toàn. Qua đó có thể thấy Windows ME đã bị ruồng bỏ như thế nào.
Các tính năng mới được Microsoft thêm vào Windows ME như System Restore thường xuyên bị mắc lỗi khiến người dùng khó chịu. Bên cạnh đó, nhiều người cũng than phiền vì Windows ME đã loại bỏ chế độ MS-DOS, vốn được sử dụng để cài các phần mềm cũ trên những phiên bản Windows 98 trở về trước.
Ngoài ra, thay vì làm một phiên bản Internet Explorer (IE) mới, Microsoft vẫn cho người dùng Windows ME sử dụng phiên bản IE 5.5. Tại thời điểm năm 2000, IE khá được xem trọng vì khả năng tương tác với Windows Explorer và nhiều tính năng khác. Ngoài ra, số lượng trình duyệt lúc đó không hề phổ biến như hiện nay và việc vẫn phải dùng một phiên bản IE cũ như IE 5.5 đã khiến nhiều người dùng cảm thấy thất vọng.
Những lỗi thường xuyên xảy ra trên Windows ME bao gồm treo máy, hoạt động chậm chạp hoặc các vấn đề bất thường về hiệu suất. Hầu như người dùng đều than phiền về phiên bản Windows này quá khó để sử dụng. Một số còn than phiền rằng thiết bị sẽ bị treo sau một khoảng thời gian không sử dụng sau đó.
Vì quá vội vàng trong việc phát hành sản phẩm mà không kiểm tra kĩ lưỡng, Windows ME đã nhanh chóng bị đào thải và bị thay thế bởi Windows XP.
Windows Vista
Nếu chưa từng sử dụng qua Windows ME, nhiều người sẽ nghĩ rằng Windows Vista là phiên bản Windows tệ hại nhất từ trước đến nay. Được ra mắt vào năm 2007, tuy bị ghét bỏ bởi người dùng, nhưng những trục trặc mà Windows Vista có không giống như Windows ME. Vista hoàn toàn khác biệt so với XP, do đó sẽ không có bất kì lỗi tương tự nào như phiên bản ME. Vì phiên bản XP được cho là phiên bản có độ bảo mất kém, Microsoft quyết định tạo ra một hệ điều hành Windows Vista có mức độ bảo mật cao hơn. Chính vì điều này mà nhiều phiền toái xuất hiện, dẫn đến phiên bản này bị ghét bỏ bởi người dùng.
Có lẽ vấn đề lớn nhất của Windows Vista đó là User Account Control (UAC). Đây chính là vấn đề bảo mật mà Windows XP mắc phải. Hầu hết các phần mềm trên XP đều yêu cầu được cấp phép bởi tài khoản quản trị (Admin), các tài khoản đăng nhập khác trên máy tính sẽ không có quyền làm gì cả. Vì vậy, người dùng chỉ sử dụng tài khoản quản trị để sử dụng mọi lúc, đây chính là lý do dẫn đến vấn đề bảo mật không cao ở phiên bản XP này.
Về cơ bản, UAC sẽ giúp người dùng quản lý và giám sát tất cả các sự thay đổi ở bên trong hệ thống máy tính. Tính năng này đảm bảo tất cả những thay đổi đều cần phải có sự đồng ý của người dùng. Tuy nhiên, vấn đề của UAC trên Windows Vista là tạo ra quá nhiều thông báo. Dường như mỗi khi bạn nhấp chuột vào một biểu tượng nào đó trên màn hình, bạn sẽ phải bấm nút xác nhận một thứ gì đó. Apple sau đó đã tạo ra một đoạn quảng cáo để chế giễu Microsoft và Windows Vista.
Vista ra mắt 6 năm sau tính từ khi XP được tung ra thị trường, nên việc phiên bản này có nhiều cải tiến, tính năng hơn là điều tất nhiên. điều này đồng nghĩa yêu cầu máy tính có phần cứng phù hợp để có thể hoạt động trơn chu hơn so với XP. Nhưng nhiều nhà sản xuất PC lại bỏ qua điều này và gắn trên thiết bị của mình dòng chữ “Tương thích với Windows Vista”, dẫn đến việc chạy phiên bản này trên các máy cấu hình thấp là vô cùng khó khăn, khiến nhiều người lầm tưởng rằng do Vista mà máy tính mình hoạt động chậm chạp. Đây cũng là một trong những lý do khiến phiên bản hệ điều hành này bị ghét nhiều hơn.
Cuối cùng, Vista gặp khá nhiều vấn đề về tương thích. Để giải quyết các vấn đề bảo mật có trên XP, Microsoft đã thay đổi các driver để phiên bản này hoạt động ổn định hơn. Điều này đã cắt giảm được lượng lớn màn hình xanh và tình trạng treo màn hình có trên XP.
Sau khi đã thay đổi, không ít người dùng và lập trình viên gặp khó khăn trong việc sử dụng các phần mềm. Các driver cũ không hoạt động được trên Windows Vista nên họ đã không thể khởi động được hoặc bị treo máy khi cố sử dụng nhiều phần mềm.
Dù vậy, đối với Microsoft, Windows Vista là một bài thử cần thiết trong quá trình chuyển đổi khỏi Windows XP. Windows 7 được ra mắt hai năm sau đó của Microsoft đã khắc phục được hàng loạt lỗi trên Windows Vista.
Windows 8
Được ra mắt vào năm 2012, còn khá mới đối với nhiều người dùng, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao Windows 8 lại bị ghét bỏ. Đối với hầu hết mọi người, Windows 8 đã thay đổi quá nhiều thứ chẳng vì một lý do nào cả. Tuy được ra mắt 3 năm trước đó, nhưng Windows 7 vẫn được nhiều người dùng tin dùng. Thay thế cho một phiên bản Vista tệ hại, Windows 7 đã giải quyết mọi vấn đề mà phiên bản tiền nhiệm của nó vấp phải, kèm theo đó là giao diện đẹp mắt và hiệu suất ổn định. Bỏ qua tất cả điều này, Microsoft quyết định tạo ra một phiên bản hệ điều hành sử dụng cho nhiều thiết bị khác nhau và Windows 8 đã loại bỏ Menu Start, đã quá quen thuộc với người dùng từ những năm 90.
Đó chỉ mới là sự khởi đầu của những rắc rối sau đó. Trong phiên bản Windows 8 này, Microsoft giới thiệu Windows Store, nơi người dùng có thể tải các phần mềm, ứng dụng cho hệ điều hành. Nhưng dần trở nên thừa thải với người dùng vì hầu như mọi người đều biết nơi để tải các ứng dụng, phần mềm tốt nhất cho thiết bị của mình mà không cần sử dụng Windows Store này.
Ngoài ra, Windows 8 cũng không có sự thống nhất giữa giao diện Desktop truyền thống và giao diện Modern UI mới. Ở giao diện Desktop, người dùng vẫn được tiếp xúc với một giao diện giống như Windows 7 nhưng không có nút Home và chạy được các ứng dụng cũ như bình thường. Tuy nhiên, khi chuyển sang giao diện Modern UI, người dùng lại chỉ có thể chạy được các ứng dụng Modern có sẵn của Microsoft.
Nhiều người dùng cũng cho rằng Modern UI trên Windows 8 là thừa thãi, không cần thiết và khó sử dụng. Nếu muốn thay đổi cài đặt, người dùng Windows 8 sẽ phải vào ứng dụng Setting thay vì Control Panel như trước. Ngoài ra, việc phải mở một bức ảnh trên Desktop thông qua ứng dụng Photos đã bị rất nhiều người dùng phàn nàn.
Mặc cho người dùng có cảm thấy cần thiết hay không, Windows 8 được thiết kế để tương thích với màn hình cảm ứng đa điểm. Một số tính năng như Charms bar có thể mở dễ dàng bằng cách vuốt màn hình trên thiết bị cảm ứng nhưng lại rất khó sử dụng bằng chuột và cảm ứng đối với PC. Và nhiều người dùng còn chẳng thể biết nơi để nút tắt máy ở chổ nào khi sử dụng phiên bản này lần đầu tiên.
Cuối cùng, Windows 8 cho thấy nhu cầu sử dụng của người dùng điện thoại và PC có sự khác nhau rõ rệt. Để khắc phục một số lỗi của Windows 8, Microsoft đã tung ra phiên bản Windows 8.1 dễ sử dụng hơn. Một điều nữa là Microsoft đã không còn hỗ trợ Windows 8 nữa, mọi người nên nâng cấp ngay khi có thể để có thể khắc phục những lỗi hiện có trên Windows 8 nếu đang sử dụng.