Bạn cảm thấy chiếc điện thoại đang sử dụng hiệu suất kém đi qua một thời gian dài sử dụng? Đây không phải là một vấn đề riêng của điện thoại Android, người dùng iOS cũng thường xuyên phàn nàn về điều này. Trừ khi bạn thay đổi điện thoại sáu tháng một lần.
Có thể thiết bị của bạn đã thực sự bị chậm lại do một số nguyên nhân tiềm ẩn. Trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến những lý do đó và cách khắc phục.
Nâng cấp hệ điều hành
Khi bạn mua thiết bị, nó đi kèm với một phiên bản hệ điều hành cụ thể. Có thể là Android 4.4 KitKat, hay có thể là iOS 7, cả hai đều được phát hành vào năm 2013. Khi những phiên bản hệ điều hành này ra mắt, chúng được phát triển với các thông số phần cứng nhất định tại thời điểm đó.
Cho đến ngày nay phần cứng tổng thể đã được cải thiện đáng kể. Các tính năng được thêm vào cả Android và iOS, tương tự như trên những cải tiến này được thực hiện và phát triển với các chi tiết phần cứng mới hơn. Như vậy, các phiên bản mới hơn của một hệ điều hành đòi hỏi nhiều sức mạnh và tài nguyên hơn để cho một trải nghiệm mượt mà.
Nói cách khác: nếu bạn có một thiết sản xuất từ năm 2013 chạy AndroidKit 4.4 KitKat và nâng cấp lên Android Nougat 7.0, thiết bị sẽ không đủ mạnh để xử lý mọi thứ mượt mà trên hệ điều hành mới. Do đó, bạn cảm thấy thiết bị chậm hơn so với trước.
Bạn có thể làm gì? Hãy cài đặt các bản nâng cấp nhỏ (ví dụ: từ Android 7.0 lên 7,1) nhưng tránh những nâng cấp lớn (ví dụ: từ Android 7.1 đến 8.0). Giữ thiết bị của bạn với phiên bản hệ điều hành đi kèm, và nâng cấp thiết bị nếu bạn thực sự muốn tận dụng lợi thế của một phiên bản hệ điều hành mới hơn.
Cập nhật ứng dụng
Các ứng dụng là một số trong những “thủ phạm” hàng đầu khiến thiết bị của bạn chậm đi từng ngày. Ngay cả cái gọi là ứng dụng “nhẹ” có thể trở nên “nặng” hơn theo thời gian.
Trong thực tế, khi phần cứng thiết bị ngày càng được cải thiện, các nhà phát triển ứng dụng có xu hướng lười biếng hơn trong việc quản lý tài nguyên. Theo thời gian, các ứng dụng có xu hướng “ăn” RAM và CPU nhiều hơn, nhưng phần cứng của bạn vẫn giữ nguyên, do đó hiệu suất sẽ chậm hơn là điều dễ thấy.
Ví dụ như ứng dụng Facebook phiên bản ra mắt trong năm 2014 sẽ chạy hoàn toàn chạy tốt trên những điện thoại ngày nay, nhưng phiên bản Facebook ngày nay đôi khi còn giật “lag” khi sử dụng trên các thiết bị được sản xuất từ năm 2014. Áp dụng điều này cho tất cả các ứng dụng trên thiết bị của bạn, có thể hiểu tại sao bây giờ nó có vẻ chậm hơn.
Bạn có thể làm gì? Trong một số trường hợp, phiên bản cũ của ứng dụng có thể có sẵn cho bạn tải về. Tuy nhiên những ứng dụng mới thường được cập nhật vá lỗi các vấn đề bảo mật.
Ứng dụng chạy nền
Một lý do khác khiến điện thoại của bạn chậm hơn là bạn ngày càng cài thêm ứng dụng trên thiết bị của mình. Nếu không tin, hãy vào cài đặt và xem tất cả các ứng dụng đã tải xuống của bạn. Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ chỉ cài đặt khoảng 10 ứng dụng hoặc hơn xíu, đừng ngạc nhiên khi thấy gần 40 hoặc 50 nhé.
Vấn đề ở đây là một số ứng dụng chạy nền mặc dù bạn không chủ động sử dụng chúng. Ví dụ: các ứng dụng email luôn kiểm tra hộp thư, ứng dụng nhắn tin luôn chờ tin nhắn mới, ứng dụng ghi chú luôn đồng bộ hóa… Ngay cả hình nền hay tiện ích trên màn hình chính đều cần tài nguyên để duy trì hoạt động.
Mọi ứng dụng trong nền đều sử dụng CPU và RAM, chiếm dụng tài nguyên hệ thống dành cho các ứng dụng mà bạn thường xuyên sử dụng. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất của thiết bị.
Để khắc phục vấn đề này bạn cần xác định ứng dụng nào thực sự cần thiết. Nên loại bỏ những ứng dụng không sử dụng, ứng dụng tiêu hao nhiều Pin, vì điều đó đồng nghĩa với việc ứng dụng đó sử dụng nhiều CPU khi chạy nền. Chuyển sang hình nền tĩnh và hạn chế sử dụng Widget trên màn hình chính. Tắt tính năng xử lý nền đối với ứng dụng không cần thiết.
Bộ nhớ ngày càng suy thoái
Tất cả điện thoại thông minh và máy tính bảng đều chạy bằng bộ nhớ flash. Loại bộ nhớ flash phổ biến nhất được gọi là NAND. Mặc dù NAND nhanh và giá cả phải chăng, nhưng có một vài nhược điểm làm ảnh hưởng đến hiệu suất.
Đầu tiên, bộ nhớ NAND chạy chậm hơn khi nó bị đầy. Cụ thể điều này ngoài phạm vi của bài viết, nhưng có thể hiểu rằng bộ nhớ NAND cần một lượng “bộ nhớ rỗng” nhất định để vận hành ở hiệu suất tốt nhất.
Thứ hai, bộ nhớ NAND ngày càng suy thoái khi sử dụng. Có ba loại bộ nhớ NAND – SLC, MLC, TLC – nhưng tất cả đều có giới hạn chu kỳ ghi trên mỗi ô nhớ. Khi đạt đến giới hạn, các ô nhớ sẽ bị bào mòn và tác động đến hiệu suất. Khi sử dụng thiết bị của bạn luôn ghi dữ liệu, sự suy giảm là không thể tránh khỏi.
Lời khuyên là bạn nên giữ tổng dung lượng lưu trữ của thiết bị dưới 75%. Nếu bộ nhớ lưu trữ của bạn là 8 GB, thì không nên vượt quá 6 GB. Điều này cũng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của ô nhớ, làm trì hoãn sự xuống cấp bộ nhớ.