Ngày An toàn Internet 2025: Microsoft thúc đẩy giáo dục AI có trách nhiệm

Microsoft công bố khảo sát về AI và an toàn Internet, cho thấy 51% người dùng sử dụng AI nhưng 88% lo ngại về nội dung AI tạo ra.

Hằng năm, Ngày An toàn Internet (Safer Internet Day) là cơ hội để nhìn lại mức độ an toàn trên không gian mạng, đánh giá những tiến bộ đã đạt được và xác định các thách thức cần giải quyết. Trong gần một thập kỷ, Microsoft đã đồng hành với ngày này thông qua các nghiên cứu về nhận thức và trải nghiệm của người dùng ở nhiều lứa tuổi đối với rủi ro trực tuyến.

Năm ngoái, Microsoft tập trung vào tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh số hóa. Năm nay, công ty tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn cách người dùng tiếp cận và sử dụng công nghệ này, đồng thời đánh giá khả năng nhận diện nội dung do AI tạo ra thông qua Khảo sát An toàn Trực tuyến Toàn cầu 2025.

Kết quả khảo sát cho thấy số lượng người dùng AI đang tăng nhanh – 51% người tham gia thừa nhận từng sử dụng AI, tăng từ 39% vào năm 2023. Tuy nhiên, mối lo ngại về AI cũng gia tăng, khi có tới 88% số người được hỏi bày tỏ sự lo lắng về nội dung AI tạo sinh, cao hơn so với mức 83% của năm trước. Ngoài ra, nhiều người gặp khó khăn trong việc phân biệt nội dung do AI tạo ra, làm gia tăng nguy cơ tiếp xúc với thông tin sai lệch hoặc có hại.

Thúc đẩy sử dụng AI có trách nhiệm

Microsoft cam kết phát triển AI theo hướng có trách nhiệm, đảm bảo hệ thống an toàn, đáng tin cậy và ngăn chặn nguy cơ bị lạm dụng. Việc tạo ra nội dung độc hại là một trong những mối lo ngại lớn về AI, vì vậy công ty áp dụng cách tiếp cận toàn diện, kết hợp nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục người dùng để giải quyết vấn đề này.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Microsoft tiếp tục triển khai các sáng kiến nhằm giúp người dùng sử dụng AI một cách có trách nhiệm:

  • Hợp tác với Childnet – một tổ chức phi lợi nhuận tại Anh, để phát triển các tài liệu giáo dục về AI, giúp bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung giả mạo và rủi ro trực tuyến. Những tài liệu này sẽ được cung cấp cho trường học và gia đình, nâng cao nhận thức về bảo vệ hình ảnh cá nhân và dữ liệu trên môi trường số.
  • Ra mắt trò chơi Minecraft “CyberSafe AI: Dig Deeper” – một sáng kiến giáo dục từ Minecraft và Minecraft Education. Trò chơi giúp trẻ em khám phá AI trong môi trường an toàn, có kiểm soát, đồng thời cung cấp các thử thách và tình huống đạo đức để người chơi nhận diện và đối phó với các rủi ro tiềm ẩn.
  • Hướng dẫn AI dành cho Người cao tuổi – được triển khai hợp tác cùng Trung tâm Hỗ trợ Dịch vụ Công nghệ cho Người cao tuổi (OATS). Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ người trên 50 tuổi hiểu rõ hơn về AI, nhận diện rủi ro và đảm bảo sử dụng công nghệ một cách an toàn. Ngoài ra, đội ngũ tổng đài của OATS cũng được tập huấn để giải đáp thắc mắc, giúp người cao tuổi cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng AI và nhận diện các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến.

Ngày An toàn Internet 2025: Microsoft thúc đẩy giáo dục AI có trách nhiệm

Khảo sát An toàn Trực tuyến Toàn cầu 2025

Năm nay, Microsoft đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm đánh giá khả năng nhận diện nội dung do AI tạo ra bằng cách sử dụng hình ảnh từ bài kiểm tra “Thật hay Giả”. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ tự tin của họ trong việc nhận diện deepfake trước và sau khi xem một loạt hình ảnh.

Kết quả khảo sát cho thấy:

  • 73% số người được hỏi gặp khó khăn khi phân biệt hình ảnh do AI tạo ra.
  • Chỉ 38% số hình ảnh được xác định chính xác, cho thấy mức độ nhận diện còn rất hạn chế.
  • Các mối lo ngại phổ biến về AI tạo sinh:
    • Lừa đảo trực tuyến (73%).
    • Lạm dụng tình dục hoặc quấy rối trên mạng (73%).
    • Deepfake (72%).
  • 66% người tham gia khảo sát đã gặp ít nhất một rủi ro trực tuyến trong năm qua.

Khảo sát này nhấn mạnh rằng việc trang bị kỹ năng nhận diện nội dung do AI tạo ra là điều cần thiết, giúp người dùng bảo vệ bản thân khỏi thông tin sai lệch và rủi ro trên không gian mạng.

Ngày An toàn Internet 2025: Microsoft thúc đẩy giáo dục AI có trách nhiệm

Cam kết của Microsoft đối với an toàn mạng

Microsoft không chỉ tập trung vào phát triển công nghệ AI an toàn mà còn hướng đến việc trao quyền cho người dùng, giúp họ tự bảo vệ mình trong môi trường số. Công ty nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ người dùng khỏi các nội dung và hành vi trực tuyến độc hại, đồng thời duy trì một hệ sinh thái số an toàn và bền vững.

Phương pháp tiếp cận của Microsoft dựa trên:

  • Tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận, đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ người dùng và quyền tiếp cận thông tin.
  • Hỗ trợ ban hành các quy định linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh những chính sách quá cứng nhắc có thể xâm phạm quyền riêng tư.
  • Phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu rủi ro, đặc biệt trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến.
  • Thúc đẩy các chính sách và luật lệ nhằm kiểm soát nội dung độc hại do AI tạo ra, hướng đến một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn.

Khảo sát An toàn Trực tuyến Toàn cầu – Phương pháp nghiên cứu

Microsoft đã thực hiện khảo sát thường niên từ năm 2016 để phân tích cách mọi người sử dụng và nhìn nhận công nghệ trực tuyến. Báo cáo mới nhất được xây dựng dựa trên dữ liệu từ gần 15,000 người tham gia (bao gồm thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi và người trưởng thành) tại 15 quốc gia, được thực hiện vào mùa hè năm 2024.

Mục tiêu của khảo sát là tìm hiểu thái độ và nhận thức của người dùng về an toàn mạng, đồng thời đánh giá cách thức họ đối phó với các rủi ro trực tuyến. Kết quả có thể khác nhau tùy theo từng khu vực, phản ánh đặc điểm riêng biệt của từng quốc gia.

Quảng cáospot_img

Tin liên quan

Tin gần đây