Theo Bloomberg NEF (BNEF), doanh số xe điện toàn cầu có thể tăng gấp 3 vào năm 2025. Kỷ nguyên xe xanh sắp thống trị, song phía chính phủ và các nhà sản xuất cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc loại bỏ dần khí phát thải.
Trong hội nghị Triển vọng Xe điện dài hạn được tổ chức mới đây, các nhà phân tích của BNEF coi xe điện (EV) là “một câu chuyện thành công đáng chú ý”, đồng thời dự đoán doanh số dòng xe này sẽ tăng lên 20,6 triệu chiếc vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức dự báo 14 triệu một năm trước đó. Động lực chủ yếu được thúc đẩy nhờ nhu cầu xe điện bùng nổ tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi hơn 1.2 tỷ phương tiện trên toàn cầu cần rất nhiều thời gian. Nếu không có chính sách hoặc quy định mới, chỉ ⅔ trong số đó được xanh hóa vào năm 2050. Các loại xe tải hạng nặng được cho là sẽ khó chuyển đổi hơn cả.
“Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng trong việc sản xuất các dòng xe EV, giao thông đường bộ vẫn chưa đi đúng mục tiêu trung hòa carbon. Cần phải có những hành động tích cực hơn từ phía các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt đối với xe hạng nặng”, ông Colin McKerracher, người đứng đầu bộ phận giao thông tiên tiến của BNEF cho biết.
Theo đó, giới chức toàn cầu cần ấn định mốc thời gian loại bỏ hoàn toàn các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong, muộn nhất vào năm 2035. Các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và tái chế pin hiện có cũng cần phải thắt chặt, song song với quá trình xây dựng trạm sạc điện thông minh.
Bản báo cáo dài 201 trang được nêu rõ trong hội nghị, trong đó nhắc tới rất nhiều những cơ hội mà xe điện hiện có, sức ảnh hưởng và cả những rủi ro sắp phải đối mặt. Chính phủ được cho là có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đầy thách thức này bằng cách giảm sự phụ thuộc vào xe hơi.
Cụ thể, nếu số km di chuyển của các phương tiện chở khách giảm 11% so với kịch bản giả định vào năm 2050 của BNEF, thế giới sẽ có thể tiết kiệm 2.25 giga tấn CO2 và giảm căng thẳng cho chuỗi cung ứng pin toàn cầu.
Theo BNEF, do nhu cầu đối với xe điện ngày càng tăng, doanh số các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sẽ giảm vĩnh viễn bắt đầu từ năm 2024, sau khi đạt đỉnh hồi năm 2017. Theo đó, các loại xe 2-3 bánh, xe bus, xe chở khách và một số phương tiện khác sẽ có thể tiết kiệm tới 2.5 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2025.
Trong kịch bản dự báo về xu hướng của ngành công nghiệp xe điện, BNEF nhận thấy Đức, Anh, Pháp và Trung Quốc có thể loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2038.
Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ sớm bắt kịp, trong khi Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á có vẻ bị tụt hậu. Khoảng cách này đang ở mức báo động, đặc biệt đối với cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp nguyên liệu pin cần thiết.
“Nếu những quốc gia đó không có các chính sách bổ sung, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 sẽ ngoài tầm với. Chất lượng không khí khu vực thành thị đã có sự khác biệt rõ rệt giữa các nền kinh tế giàu có và mới nổi. Khoảng cách này sẽ ngày càng lớn, trừ khi việc chuyển đổi sang xe điện được cải thiện”, các chuyên gia nêu rõ.
Theo kịch bản phát thải ròng bằng 0 của BNEF, thế giới sẽ cần tới 1.4 nghìn tỷ USD để xây dựng hệ thống sạc vào năm 2040. Đây được coi là thách thức lớn trong nỗ lực bắt kịp đà tăng trưởng của xe EV trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ.
“Nếu giá nguyên liệu thô tiếp tục tăng cao, kịch bản trên sẽ bị trì hoãn. Ai nấy đều hy vọng đà tăng phi mã của pin xe điện sẽ không làm gián đoạn mục tiêu toàn cầu.
Rất nhiều yếu tố đang thúc đẩy giá loại nguyên liệu này, chẳng hạn như xung đột địa chính trị và lạm phát. Chúng cũng đang đẩy giá xăng và dầu diesel lên mức cao kỷ lục, từ đó thúc đẩy người tiêu dùng mua xe điện nhiều hơn”, các chuyên gia cho biết.