Apple bị tố cáo sai lầm trong lắp ráp và thiết kế khiến hàng loạt iPhone 6/6 Plus chết cảm ứng. Thực hư thế nào, cùng xem bài viết bên dưới nhé!
Mọi người trên khắp thế giới thường gửi iPhone hỏng của họ tới chuyên gia sửa chữa vi mạch Jessa Jones. Với sự hỗ trợ của kính hiển vi và mỏ hàn chính xác, những chuyên gia như Jessa có thể nhổ những con chip nhỏ xíu ra khỏi bảng mạch và thay bằng chip mới, hồi sinh những chiếc iPhone, iPad mà nhân viên Genius Bar của Apple trả về.
Thực tế Jessa có thể sửa chữa bất cứ lỗi nào nhưng trong những ngày này cô dành hầu hết thời gian cho một vấn đề. Cứ mỗi tháng lại có nhiều hơn những chiếc iPhone 6 và đặc biệt là iPhone 6 Plus được gửi tới cửa hàng của Jessa. Chúng gặp chung một vấn đề, chết ứng và xuất hiện dải màu xám nhấp nháy ở phía trên cùng của màn hình.
Hóa ra không phải mình Jessa, tất cả những chuyên gia sửa chữa iPhone khác cũng đang phải vật lộn với những chiếc iPhone 6/6 Plus chết cảm ứng và xuất hiện dải xám phía trên màn hình. Hàng tháng Rami Odeh, một chuyên gia sửa chữa đồ công nghệ ở New Orleans, nhận được khoảng 100 chiếc iPhone 6/6 Plus lỗi màn hình cảm ứng. Khoảng một nửa trong số iPhone được gửi tới cửa hàng Microsoldering.com của Michael Huie mỗi tháng đều có cùng vấn đề.
Tất nhiên là chẳng có cách nào để thống kê chính xác số iPhone gặp vấn đề chết cảm ứng (Touch Disease) nói trên. Nhưng mọi chuyên gia mà iFixit liên hệ đều chia sẻ rằng vấn đề này cực kỳ phổ biến.
“Vấn đề này phổ biến tới nỗi tôi cảm thấy như mọi chiếc iPhone 6/6 Plus đều giống như một quả bom nổ chậm chờ ngày phát nổ”, Jason Villmer, chủ cửa hàng sửa chữa STS Telecom, chia sẻ. Mỗi tuần anh nhận vài chiếc iPhone gặp vấn đề trên.
Apple đã nhận ra vấn đề qua hàng loạt khiếu nại của người dùng trên trang hỗ trợ. Tuy nhiên, “Táo khuyết” chẳng có bất cứ hành động nào.
“Tôi đưa iPhone cho các nhân viên Genius Bar ở Apple Store”, một chủ sở hữu iPhone 6 Plus viết trên diễn đàn hỗ trợ của Apple. “Sau thời gian chờ đợi rất lâu, khoảng 2 tiếng, cuối cùng tôi cũng được gặp một đại diện. Anh ta biết về vấn đề này, anh ta rất quen thuộc với nó nhưng Apple không công nhận đó là một vấn đề nên anh ta không thể làm gì nhiều cho tôi”.
Một người dùng iPhone 6 Plus cho biết các nhân viên Apple phải tiếp các khách hàng gặp vấn đề này nhiều lần trong ngày. “Nhân viên Apple nói với tôi rằng thiết bị của tôi đã hết bảo hành và lựa chọn duy nhất là tôi nên mua một chiếc iPhone mới”, người dùng này viết.
Một số người thử lắc, nhấn mạnh vào màn hình với mong ước khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cải thiện iPhone trong một thời gian ngắn. Chẳng bao lâu sau thanh màu xám lại quay trở lại và thậm chí còn lan rộng hơn, màn hình cảm ứng thì ngày càng tệ và cuối cùng là không còn bất cứ phản hồi nào.
Không phải lỗi màn hình
Vấn đề không được giải quyết khi thay màn hình mới. Dải màu xám vẫn xuất hiện trên màn hình mới thay. Theo các chuyên gia sửa chữa, vấn đề không nằm ở màn hình mà nằm ở 2 con chip điều khiển màn hình cảm ứng, hay còn được biết tới với tên chip Touch IC, trên bo mạch của iPhone.
Hai chip này có nhiệm vụ dịch cử chỉ ngón tay của bạn trên màn hình thành những thông tin mà điện thoại có thể sử dụng được. Khi các chip Touch IC này hoạt động không ổn định thì điện thoại không thể phản hồi đúng những gì bạn thao tác trên màn hình.
Các nhân viên Genius Bar của Apple không được trang bị để có thể sửa bo mạch iPhone vì vậy họ bó tay với Touch Disease. Tuy nhiên, các chuyên gi có tay nghề cao bên ngoài hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề. Họ có thể làm điều này với chi phí rẻ hơn việc thay một bo mạch mới hoặc mua iPhone mới. Đó là lý do tại sao rất nhiều iPhone cũ được đưa tới cửa hàng sửa chữa trên toàn thế giới.
“Vấn đề này đủ nghiêm trọng và phổ biến để Apple ban hành một thông báo triệu hồi nhằm sửa chữa hoặc bảo hành miễn phí”, Huie chia sẻ. “Nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone 6 Plus gặp vấn đề nhưng lại không tìm được thợ cao tay thì một là bạn phải chấp nhận sống chung với nó hoăc hai là người thợ bạn nhờ sửa chữa sẽ khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn”.
Bendgate 2.0
Sau khi sửa chữa hàng trăm iPhone 6 và 6 Plus gặp vấn đề trên, nhiều chuyên gia sửa chữa đã tìm ra nguyên nhân sau xa. Một trong những chuyên gia sửa chữa vi mạch cho rằng chip U2402 Meson có thể bị khiếm khuyết trong khâu sản xuất. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất gây ra vấn đề Touch Disease lại là Bendgate, một sai lầm trong thiết kế cấu trúc không được lường trước là sẽ gây hậu quả lâu dài.
Khi iPhone 6/6 Plus lên kệ, một số chủ sở hữu phát hiện ra rằng chúng sẽ bị uốn cong nếu để trong túi quần sau. Vấn đề được gọi là Bendgate này đã lắng xuống sau khi Apple gia cố các điểm yếu ở khung phía sau.
“Nhưng thực tế vấn đề này vẫn còn ảnh hưởng, so với các mẫu iPhone trước đó thì iPhone 6/6 Plus là những mẫu điện thoại dễ bị uốn cong. Khung máy mỏng và diện tích bề mặt lớn của iPhone 6/6 Plus khiến bo mạch chủ bên trong chúng phải chịu những áp lực cơ khí mà không một chiếc iPhone nào khác từng gặp”, Jessa giải thích. iPhone 6 Plus lớn hơn nên tỷ lệ gặp vấn đề Touch Disease cũng cao hơn.
Trong iPhone 6/6 Plus các chip Touch IC kết nối với bo mạch chủ bằng các mối hàn, Jessa giải thích. Qua thời gian, khi chiếc điện thoại bị uốn, xoắn khi sử dụng những mối hàn bị bong khiến chip bắt đầu mất kết nối với bo mạch chủ.
“Ban đầu không có lỗi nhưng sau đó bạn nhận ra đôi khi màn hình cảm ứng không phản hồi và mọi chuyện trở lại bình thường sau khi bạn khởi động lại máy”, Jessa nói. “Nhưng sau đó có thêm nhiều mối hàn bị bong và màn hình cảm ứng thường xuyên không phản hồi”. Những va đập, rơi tiếp tục khiến con chip tách rời khỏi bo mạch chủ và khi kết nối giữa con chip và bo mạch chủ bị cắt đứt hoàn toàn thì màn hình cảm ứng sẽ ngừng hoạt động.
Apple cẩu thả trong việc lắp ráp linh kiện?
Tại sao iPhone 6s/6s Plus cũng mỏng và lớn nhưng không gặp vấn đề Touch Disease? Kích thước là vấn đề nhưng không phải là vấn đề duy nhất. Trong iPhone 6s/6s Plus, Apple chuyển chip Touch IC từ bo mạch chủ lên màn hình nên nó không còn phải chịu những tác động vật lý khi bo mạch chủ bị uốn cong nữa.
Các chuyên gia sửa chữa thì chỉ một vấn đề về thiết kế khác của iPhone 6/6 Plus. Trong các điện thoại khác, mối hàn được bảo vệ bởi một kỹ thuật neo nhưng mối hàn ở chân các con chip Touch IC trên iPhone 6/6 Plus thì không được trang bị. Trong các phiên bản iPhone trước đó Apple cũng che phủ chip Touch IC bằng một tấm EMI kim loại cứng. Trong iPhone 6/6 Plus tấm chắn cứng được thay bằng một tấm dán mềm oặt.
“Do không có neo bảo vệ mối hàn và không có tấm chắn kim loại nên chip Touch IC là thứ đầu tiên bị bong ra khỏi bo mạch chủ”, Huie giải thích.