Đối với đại đa số người sử dụng Windows, có lẽ ai cũng đã từng nghe tới 2 phiên bản 32-bit và 64-bit. Mặc dù hai khái niệm này đã xuất hiện từ khá lâu, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu được nó một cách hoàn toàn đầy đủ. Vậy, “32-bit” và “64-bit” khác gì nhau?
Số lượng bit có ý nghĩa như thế nào?
Bộ vi xử lý trung tâm (central processing unit – viết tắt là CPU) được xem như là trái tim của một chiếc máy tính, đảm nhận việc xử lý, phân tích, tính toán thông tin. Bên trong những bộ vi xử lý này có một thành phần được gọi là các thanh ghi (register) có nhiệm vụ chứa địa chỉ của dữ liệu để CPU xử lý. Các thanh ghi sẽ chứa các ô nhớ nhị phân, mỗi ô như thế được gọi là 1 “bit” và có thể nhận giá trị 0 hoặc 1. Vậy số bit chính là số ô của thanh ghi, hay còn gọi là độ rộng của thanh ghi. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có nhiều “bit” hơn thì CPU sẽ có khả năng ghi nhớ và xử lý được nhiều thông tin hơn.
Nói ngắn gọn, nếu quá trình xử lý thông tin giống như là tham gia giao thông, thì 32-bit chính là một con đường hẹp hơn so với 64-bit. Đường càng rộng thì càng di chuyển dễ dàng hơn, nhanh hơn.
Hiện nay, CPU đang được chia ra với 2 kiểu kiến trúc là 32-bit và 64-bit, thường những CPU có cấu trúc 64-bit sẽ có khả năng xử lý mạnh hơn nhiều so với 32-bit. Do cấu trúc CPU khác nhau, do đó Microsoft cũng phải chia Windows ra làm 2 bản 32-bit và 64-bit để chúng ta có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với thiết bị của mình.
Windows 32-bit và 64-bit có gì khác nhau?
Nếu phiên bản 64-bit có nhiều ưu điểm như vậy, tại sao chúng ta không dùng nó trên mọi máy tính, mà còn phải đưa ra thêm bản 32-bit để làm gì?
Câu trả lời nằm ở tính tương thích của CPU với hệ điều hành. Một vi xử lý với kiến trúc 32-bit chỉ có thể dùng với Windows 32-bit mà thôi, còn vi xử lý 64-bit thì lại có thể dùng được với cả hai bản luôn. Tất nhiên là khi sử dụng với Windows 64-bit thì CPU 64-bit mới có thể phát huy tối đa khả năng được.
Có hai điểm khác biệt cơ bản giữa Windows 32-bit và 64-bit đó chính là bộ nhớ RAM được hỗ trợ và cấu trúc của các chương trình. Phiên bản 32-bit chỉ có thể sử dụng tối đa 4GB RAM, kể cả khi bạn gắn 16GB RAM vào thì máy cũng chỉ dùng được 4GB RAM mà thôi. Còn bản 64-bit có thể chạy mức RAM từ 8GB tới tận 2TB tuỳ từng phiên bản.
Điểm khác biệt thứ hai nằm ở thư mục Program Files. Ở trên phiên bản 32-bit, Windows chỉ cài đặt duy nhất một thư mục Program Files mà thôi. Còn đối với bản 64-bit sẽ xuất hiện thêm một thư mục nữa bên cạnh là Program Files (x86), thư mục này sẽ dùng để chứa các ứng dụng 32-bit (x86), phân biệt với các ứng dụng 64-bit (x64) được chứa ở Program Files.
Việc tách rời hai thư mục như vậy là do khi một chương trình muốn chạy các tệp thực thi, chúng phải chọn đúng loại tệp để hoạt động. Vậy nên việc tách rời hai loại chương trình để truy xuất là vô cùng cần thiết.
Chương trình 32-bit và 64-bit
Khi cài đặt một phần mềm, thường thì bạn sẽ phải chọn phiên bản 32-bit/64-bit trước hoặc trong lúc cài đặt. Tuy nhiên không phải chương trình nào cũng sử dụng nền tảng 64-bit, nên đôi lúc bạn vẫn phải sử dụng bản 32-bit có tính tương thích thấp hơn. Cũng giống như vi xử lý, Windows 64-bit vẫn có khả năng tương thích ngược với chương trình 32-bit, tuy nhiên chương trình 64-bit chỉ có thể dùng trên nền 64-bit chứ không thể dùng trên nền 32-bit được.
Điểm khác nhau của những chương trình này chủ yếu là ở tốc độ xử lý, độ ổn định. Một chương trình 64-bit được chạy trên nền Windows 64-bit sẽ có tốc độ cũng như độ ổn định cao hơn chương trình 32-bit. Do đó đối với những người dùng cơ bản, đây sẽ không phải là một vấn đề quá khó khăn.
Nhìn chung, một chương trình 32-bit có thể sử dụng cho mọi phiên bản, do vậy nên các nhà sản xuất cũng ưu tiên cho phiên bản 32-bit hơn, đa số các phần mềm đều có bản 32-bit trước khi bản 64-bit được ra mắt.
Có nên nâng cấp lên Windows 64-bit?
Từ năm 2003, AMD đã bắt đầu phát triển dây chuyền của mình sang sản xuất vi xử lý có sử dụng nền tảng 64-bit thay cho 32-bit cũ kỹ, tiếp theo sau đó là Intel trong năm 2004. Vậy nên có lẽ đại đa số các máy tính được sử dụng hiện này đều hỗ trợ 64-bit. Do đó nếu bạn đang sử dụng mức RAM trên 4GB, hãy sử dụng Windows 64-bit để đảm bảo phần cứng được tương thích.
Còn với những bạn đang sử dụng vi xử lý cũ thì không có cách nào để cài 64-bit được, bạn bắt buộc phải nâng cấp lên một vi xử lý mới hơn để có thể dùng Windows 64-bit. Việc cài đặt Windows 64-bit giống như cài đặt 32-bit thông thường.
Thay cho lời kết
Tóm gọn lại, Windows 64-bit là một nền tảng hứa hẹn với khả năng xử lý tốt hơn, hỗ trợ phần cứng lâu dài hơn. Hiện nay, các vi xử lý gần như đều có nền tảng 64-bit, giá thành của các bộ nhớ RAM cũng đã rẻ hơn. Bên cạnh đó, việc lập trình ứng dụng trên nền 64-bit cũng đã được các hãng sản xuất phần mềm cũng đã cân nhắc. Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những chương trình 32-bit sẽ chỉ còn là dĩ vãng, và chương trình 64-bit mạnh mẽ sẽ trở nên phổ biến hơn trên những chiếc máy tính của chúng ta.