Với xu hướng thiết kế mới hiện nay của các hãng Laptop khi áp dụng trên các dòng sản phẩm Gaming đó là có phần hướng về ‘thanh lịch’ hơn là chú trọng vào việc hầm hố hơi thái quá, và Dell với dòng Inspiron 7500 nay đã đổi tên thành Dell G-Series giờ đã có thiết kế hoàn toàn mới cũng như là thay đổi màu sắc để phù hợp với xu hướng mới trong thời gian gần đây.
Bản mình trên tay là G7 7588 sở hữu cấu hình Core i7, GTX 1060 Max-Q.
Tổng thể
Tổng thể về ngoại hình của G-Series đã đi theo một hướng khác hoàn toàn so với thiết kế cũ, thay vì màu đỏ và đường nét góc cạnh nay đã chuyển sang tông xanh và dần ‘thanh lịch’ phù hơp cho mọi đối tượng người dùng hơn.
Tổng thể máy ngay lần đầu chạm tay đã có phần cảm thấy máy hơi bị ‘nạc’, cứng cáp và hơi dày mặc dù là sở hữu cùng lúc là con chip Core i thế hệ thứ 8 và GPU là dòng Max-Q.
Mặt trước với hốc tản nhiệt được làm lại, không còn to bản hay cách điệu với hình thù lạ mắt mà chỉ đơn thuần là các khe nhỏ đặt phía trước bộ phận tản nhiệt và đối xứng hai bên, cùng đó là vị trí đặt Logo của máy là G7 tại nơi dễ dàng nhận thấy dù có là đóng hay mở máy.
Với mặt dưới là nơi đặt khe hút gió, với độ hở lớn cùng feet cao su cao cho phép quạt có thể hút gió nhiều hơn tuy nhiên thì cũng sẽ cần phải vệ sinh thường xuyên bởi sẽ nhanh chóng bị bám bụi lại các khe này. Ngoài ra mặt đáy chỉ được cố định bằng 1 con ốc duy nhất nên trong trường hợp muốn nâng cấp và thay thế khá dễ dàng.
Mở nắp máy, là sự quen thuộc trước đây của thiết kế cũ, với viền màn hình khá dày cùng đó là bản lề liền một dãy, với các laptop khác có thể việc mở nắp máy bằng một tay có phần hơi khó khăn nhưng trên G7 hoàn toàn dễ dàng làm được.
Với phần viền màn dày nên có thể tùy chỉnh vị trí camera tốt nhất chứ không bị bó gọn như các dòng viền siêu mỏng hiện nay khác trên thị trường.
Tương tự với vẻ ngoài tông xanh đen bên ngay cả phần bàn phím cũng được thiết kế lại, cạnh trái là nơi đặt logo G7 còn cạnh phải là nơi đặt nút nguồn kiêm vân tay một chạm.
Phần bàn phím vẫn giữ layout cũ với phần phím số nằm vị bên phải cho phép nhập liệu tiện lợi, cùng đó là phần đèn nền cũng chuyển sang xanh dương nhưng mặt phím được lại có màu xanh da trời nhạt nên tạo nên độ tương phản cao.
Cạnh trái lần lượt là khoá, cổng nguồn, Gigabit Ethernet, USB-A (3.1), khe thẻ nhớ tiện dụng và linh hoạt, vì kích thước khá dày nên sẽ không bị hạn chế phần cổng kết nối trên thiết bị.
Cạnh phải lần lượt từ trái qua là cổng combo audio/mic, 2x USB-A (3.1), USB-C (3.1 Gen 2, hổ trợ Thunderbolt 3), HDMI 2.0 với số lượng cổng kết nối hầu như chẳng thiếu thứ gì, và lại còn dư giả ở cổng USB-A để người dùng có thể thoải mái cắm các thiết bị ngoại vi.
Về phần trải nghiệm gõ phím nếu bạn trông đợi nhiều vào một thiết bị như G7 có thể cũng sẽ làm bạn thất vọng nhiều, bởi thật sự có thể xem nó như một dạng đặc biệt, một kiểu mà pha lẫn nhiều sự kết hợp vậy.
Với điểm cộng duy nhất của bàn phím này mình có thể nói rằng đó rất chắc chắn, mặt phím cho độ nhám và bàn phím hoàn toàn không flex và cực kì cứng cáp, kèm đó nó mang lại nhiều điểm trừ như việc hành trình phím có phần hơi ngắn (chưa rõ con số) và phím lại cứng nên cảm giác gõ có phần hơi hụt hẫng cũng như là ‘hơi kì kì’, trước đây với các sản phẩm Gaming mà bàn phím có độ cứng nhất định như Acer họ đã tinh chỉnh lại hành trình phím có phần dài hơn cảm giác nhấn đủ lực và đi hết hành trình cho mức độ thoải mái cao, còn trên G7 thì nó lại khá là hụt hẫng.
Việc bạn nhấn lại vừa cần đủ lực để phím bắt đầu hành trình không thì tay bạn sẽ có phần hơi cong ra do bị thừa lực nhấn, kèm đó tiếng của phím lại khá là đanh (không ồn lắm) nên sử dụng để chơi game cũng ổn nhưng cũng cần phải làm quen một thời gian dài vì nó hoàn toàn khác hẳn với những bàn phím gaming thường thấy.
Touchpad được trang bị trên G7 khá thuận tiện để sử dụng, mặc dù được đặt lệch về bên trái tuy nhiên thì đây là cách để tay phải người dùng ít chạm vào hơn việc sử dụng bàn phím sẽ không gặp phải vấn đề nhận diện nhầm thao tác, bề mặt được phủ nhám với phím chuột trái phải được đặt ngay bên dưới, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng cử chỉ Windows Precision để thực hiện thao tác chuột mà không phải nhấn mạnh vào touchpad.
Về phần màn hình, là dạng màn hình 15.6-inch được phủ lớp nhám chống loá có độ phân giải Full HD sử dụng tấm nền IPS cho góc nhìn rộng và màu sắc tốt, có chiều sâu dùng khá thoải mái ở môi trường ánh sáng phức tạp. Tuy nhiên có một vài lưu ý như việc mức giá khoảng 41~ triệu nhưng tấm nền này lại không hổ trợ tần số làm tươi cao, là một trong những thiệt thòi lớn nhất khi so sánh với các sản phẩm từ các hãng khác ngay cả khoảng giá ~25 triệu đã có màn hình đã có được tính năng này.
Trải nghiệm
Với cấu hình cho bản Core i7 và GTX 1060 Max-Q giá tham khảo ~41 triệu đồng, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là phiên bản đắt nhất, còn một phiên bản khác với cấu hình Core i9 tuy nhiên giá có thể sẽ đội lên khá nhiều.
CPU | Intel Core i7 8750H |
---|---|
Hệ điều hành | Windows 10 SL 64 Bit, kèm Microsoft Office 365 |
RAM | DDR4 16GB (2 x 8GB) 2400 MHz; 2 slots, up to 32GB |
GPU | GeForce GTX 1060 6GB Max-Q |
Màn hình | 15.6″ FHD (1920×1080), IPS |
Ổ cứng SSD | 256GB SSD NVMe M.2 PCIe Gen 3 x4 |
Ổ cứng HDD | 1TB HDD 5400 rpm |
Ổ đĩa quang | No ODD |
Lan | Gigabit Ethernet |
Wireless Lan | 802.11ac 2×2 Wi-Fi |
Các cổng kết nối | 3 x USB 3.1 Ports; 1 X Noble lock Slot; 1 X 3.1 Gen 2 USB Type-C (w/Thunderbolt 3 support ); 1 x HDMI 2.0; 1 x SD Card Slotl; 1 x Headset/Mic Jack; 1 x GbE |
Bàn phím |
|
Pin | 6 Cell |
Kích thước | 389 x 274 x 24.95 mm |
Trọng lượng | 2.65 kg |
Cá nhân mình nghĩ rằng vì là một dòng sản phẩm mới sau khi thay đổi tên nên Dell vẫn chưa chăm chút kĩ cho G-Series, điển hình là việc bạn sẽ không có một ứng dụng trung tâm nào kiểm soát các thông số thiết lập trên máy, từ nhưng thông số cơ bản như là tốc độ quạt, turbo phần cứng mà hoàn toàn là tự động.
Trong khoảng thời gian sử dụng thì mình cũng có thử nghiệm qua một số bài test cũng như là chơi các tựa game, tuy nhiên vì các bài Stress test hầu như nó không đánh giá được khả năng tản nhiệt của toàn bộ hệ thống và phải trực tiếp thông qua các tựa game thì mới có cái nhìn đúng nhất nên mình đã bỏ qua các phần mềm Stress test thông dụng.
Tiếp đến với các tựa game như PUBG, CSGO, F1 2015. Với kiến trúc Max-Q trên nền GTX 1060, tuy có hiệu năng thấp hơn đôi chút nhưng vẫn đáp ứng được các thiết lập cấu hình cao cho mức FPS đủ để người dùng có được trải nghiệm tốt nhất.
Về phần nhiệt độ có thể nói nhờ ưu thế từ Max-Q mà nhiệt độ của card đồ họa rời luôn ở mức khá tốt ~80 độ và để tăng lên được mức 80 này cũng phải mất một thời gian chứ không lên ngay lập tức. Còn CPU là một con chip khá mạnh nên dù hoạt động chỉ 10-30% nhưng nhiệt độ luôn >80 ổn định nhất ở khoảng 85 và hệ thống quạt tản nhiệt đã hoạt động hết công suất, như mình đã nói ở trên vì đây là một thiết không hổ trợ thêm ứng dụng điều khiển trung tâm nên bạn không thể hoàn toàn kiểm soát được mọi thông số nên mọi thứ đã thiết lập ở mặc định, kèm theo đó thay vì như các thiết bị khác ngay khi tắt một tác vụ nặng nào đó trên máy thì quạt vẫn sẽ quay thêm một chút nữa mặc dù nhiệt độ đã giảm xuống mức rất thấp, và có thể đây là tính năng để giúp máy đạt được nhiệt độ ổn định sau các tác vụ nặng chứ không hẳn là tắt quạt ngay khi về mức nhiệt thấp.
Một vài thứ khác
Không có cái này thì có cái khác, thay vì là một trung tâm kiểm soát thông số thì Dell lại có một trung tâm khác nhưng là hổ trợ mang tên SupportAssist, với tính năng chủ yếu là khắc phục các sự cố trên máy tính, liên tục đề xuất việc giữ máy tính ở tình trạng hoạt động tốt nhất bằng cách cập nhật lên các Drivers phiên bản mới, quét các files rác, cả tối ưu lại đường truyền mạng đang kết nối, có vẻ như cũng khá là hữu ích nhưng mình nghĩ thêm một cái trung tâm kiểm soát thông số phần cứng cũng sẽ giúp ích người dùng khá nhiều trong việc kiểm soát được chiếc máy tính của mình.
Trải nghiệm loa của G7 mang lại ở mức ổn, vì không có loa Sub nên âm ra thiếu Bass khá hụt hẫng trong nghe nhạc nhưng bù lại có âm lượng lớn và có độ chi tiết cũng như hữu dụng trong các game bắn súng mặc dù nó không mang đến độ dữ dằn cho nhịp độ trận đấu nhưng vẫn ổn để dùng hàng ngày, phần mềm Waves MaxxAudio Pro trên G7 được tích hợp mang đến những thay đổi nhỏ trong chất lượng âm thanh mà người dùng cần sử dụng tai nghe mới có thể phát huy tốt được, với nhiều tuỳ chọn thiết lập để người dùng chọn ra chất lượng phù hợp với mình nhất.
Kế đến là độ ồn, với quạt tản nhiệt là nguyên nhân chính còn tiếng ‘đanh’ từ bàn phím chỉ là phụ bởi bạn vẫn có thể kiểm soát được nó. Trong môi trường bình thường với các tựa game như PUBG thì quạt đã chạy hết công suất và hầu như là quạt chạy với tiếng ồn chỉ cảm thấy khó chịu trong khoảng 2 mét đổ lại còn với người dùng bạn chỉ cần đeo tai nghe lên là mọi chuyện sẽ được giải quyết.
Khả năng nâng cấp của G7 là khá đáng kể, bên cạnh những thông số khủng ra thì RAM trong trường hợp cần thiết bạn vẫn có thể nâng cấp lên tối đa 32GB (16×2) bởi bản G7 16GB tuỳ chọn 8×2 nên bạn có có đôi chút hơi khó khăn để giải quyết cặp RAM này. Cùng đó trên máy cũng được trang bị một ổ HDD, và với việc sở hữu vi xử lí thế hệ thứ 8 bạn có thể sử dụng công nghệ Optane để tuỳ biến lại thiết bị theo ý muốn của mình, với dung lượng siêu lớn và tốc độ cũng không kém phần kinh ngạc.
Tổng kết lại cho G7 7588
Sau một thời gian trải nghiệm G7 7588, cá nhân mình nghĩ nếu bạn là một fanboy của Dell và yêu thích những chiếc máy có phần ‘nạc’ hay chỉ đơn thuần là muốn nâng cấp từ dòng 7567 trước đó thì đây cũng là một sự lựa chọn trong trường hợp bạn đã loại bỏ đi tuỳ chọn xách tay từ hãng con là Alienware. Với điểm trừ theo mình là đến từ bàn phím không được tốt cho trải nghiệm thường ngày, về lâu dài có thể bạn sẽ quen và chấp nhận nó thì sao mình cũng không chắc cùng đó điểm trừ khác là màn hình tuy là có tấm nền tốt hiển thị màu sắc khá nhưng lại không hổ trợ tần số quét cao thì nó cũng là một thiệt thòi khi đem giá cả ra so sánh.
Còn về cấu hình thì không phải bàn rồi mạnh và rất mạnh, mạnh ở đây là GPU 1060 Max-Q và rất mạnh ở đây là con chip Core i7 6 nhân 8750H bạn sẽ không cần lãng phí thêm tiền để nâng cấp lên một vi xử lí mạnh hơn mà ngay cả con chip này đã quá thừa rồi, trong hầu hết các tựa game mình chơi thì vi xử lí này chỉ hoạt động dưới <40% công suất nên trong trường hợp bạn muốn thì có thể sài GPU rời bằng cách sử dụng cổng USB-C là một giải pháp tận dụng triệt để sức mạnh từ thiết bị.
Vậy điểm mấu chốt là gì ở G7 7588? Bàn phím và ‘nạc’ đây là 2 yếu tố chính bạn cần cân nhắc khi lựa chọn thiết bị này, nếu bạn ngại giá cả thì vẫn có những phiên bản G7 với cấu hình GTX 1050Ti để giảm giá thành.