Mặc dù phải chịu mang tiếng là bản rút gọn của EOS M5, nhưng M6 vẫn mang lại những điểm ấn tượng với mình trong suốt thời gian chụp bằng chiếc máy ảnh rất nhỏ gọn này.
Xem thêm: https://congngheviet.com/can-canh-may-anh-canon-eos-m6-vua-ra-mat/
Mình luôn quan điểm (hoặc có anh nhiếp ảnh gia nào đó nói) rằng một chiếc máy ảnh tốt với mình thì nó phải tạo được cảm xúc chụp ảnh và luôn sẵn sàng khi mình muốn chụp. Mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều dòng máy ảnh khác nhau, từ PnS đến DSLR đến Mirrorless, thật sự không nhiều chiếc camera khiến mình có cảm hứng chụp. Chiếc EOS M6 làm mình ấn tượng từ cái “cầm” đầu tiên, “dễ chụp” là từ đầu tiên mình dành cho nó. Trong bài này, có thể mình không nói nhiều đến các thông số kỹ thuật hay các thông số cấu hình, mình muốn chia sẻ nhiều về trải nghiệm và cảm nhận của mình đối với chiếc EOS M6 hơn.
Dành cho những bạn không có nhiều thời gian đọc thì mình có tóm gọn ý của mỗi phần và tô đậm trên cùng. Bạn nào rãnh thì có thể đọc hết 😀
Thiết kế
Thiết kế bên ngoài là điều quan trọng khiến bạn có đến với thiết bị đó không, với máy ảnh thì nó còn tuỳ “gu” của mỗi người nữa. Người thì thích kiểu retro như dòng các dòng rangefinder hay có người thích ống ngắm ở giữa, thậm chí có người thích một màn ngắm to 3″ như chiếc máy ảnh EOS M6 ở đây. Với chiếc máy ảnh này, cách chụp sẽ khác hơn, không phải nhíu mày cau mặt nữa, bạn có hẳn 1 viewfinder to đùng. Nhìn không chuyên nghiệp là vậy, nhưng ngắm qua cái to vẫn sướng hơn ngắm qua cái lỗ nhỏ xíu 😀 (quan điểm cá nhân).
Mình cho là dễ chụp vì cảm giác cầm rất tốt, bạn sẽ hoàn toàn thoải mái và đầm tay khi lần đầu cầm vào báng của chiếc máy M6. Mặc dù có ngoại hình nhỏ gọn nhưng M6 được ưu ái cho một báng cầm khá to so với kích thước tổng thể, điều này giúp bạn chụp lâu sẽ không thấy khó chịu. Về tổng quan thì chiếc EOS M6 có thiết kế đẹp mắt, đặc biệt là bản màu bạc như mình có ở đây.
Các phím setting trên máy ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình chụp, và M6 đáp ứng tốt hầu hết các thao tác, đặc biệt với những bạn đã quen sử dụng DSLR của Canon thì sẽ dễ làm quen hơn nữa. Duy có một điểm mình thấy chưa tốt chính là vòng xoay chỉnh +-EV, khá cứng, bạn sẽ khó khăn dùng ngón cái để chỉnh dễ dàng, mình toàn phải hạ máy xuống rồi dùng 2 ngón để vặn, hơi bất tiện và dễ vuột đi khoảnh khắc.
Màn hình xoay lật cũng là một ưu điểm lớn trong thiết kế, bạn có thể chụp những góc rất khó hoặc nó giúp bạn sáng tạo với những góc chụp lạ hơn, thậm chí bạn có thể selfie khi lật ngược lên. Màn hình kích thước 3″ có cảm ứng, bạn có thể chạm lấy nét hay chụp luôn. Với cá nhân mình đánh giá cao những máy ảnh có màn hình xoay lật, cảm giác thoải mái hơn khá nhiều để chụp khi ngồi hoặc trên cao xuống.
Tốc độ
Ở đây mình muốn nói chung về tốc độ thực thi và xử lý của máy, từ khi mở máy lên đến khi có bức hình sẽ mất bao lâu? Liệu có đủ nhanh để bắt kịp những chuyển động nhanh hay những khoảnh khắc? Trong suốt thơi gian mình sử dụng, cảm nhận của mình là thời gian máy khởi động khá chậm so với những máy khác cùng phân khúc, tốc độ lấy nét rất nhanh (mình sử dụng cả ống kit và ống 50mm f/1.8 thông qua ngàm), tốc độ lưu ảnh nhanh (mình xài thẻ lexar 633x).
Về cá nhân, mình không có một gu ảnh nào cố định, mình chụp đủ loại hình, thấy gì muốn chụp thì chụp, mình thích thì mình chụp. Thế nên mà đôi khi vấn đề tốc độ nó không quá là ảnh hưởng nhiều đến mình trừ khi muốn bắt khoảnh khắc gì đó hay hay, cái mình chụp nhiều nhất là sản phẩm thì chắc chẳng quan tâm luôn :D. Nhưng phải công nhận 1 điều rằng, chiếc EOS M6 có thời gian mở máy khá chậm, mình có đo thử thì từ khi mình bấm mở máy đến khi mình thấy preview của bức ảnh mất khoảng 2.5-3s.
Dù là vậy, nhưng bù lại tốc độ lấy nét của máy rất nhanh trong hầu hết các điều kiện ánh sáng. Có hôm mình đi chụp sau khi trời vừa trút một cơn mưa xuống Sài Gòn, trời lúc đó còn xám xịt. Nhưng trong tất cả những lúc mình lấy nét đều rất nhanh và chính xác, kể cả những tình huống khó như ngược sáng, chỉ 1-2 trường hợp bị trượt nét, rõ ràng công nghệ Dual-Pixel CMOS AF cho hiệu quả rất tốt. Khi trời thiếu sáng, hay trong trường hợp ánh sáng phức tạp thì xuất hiện trường hợp hunting nhiều hơn, cả với ống kit 14-45 hay với ống Canon 50mm f/1.8 thông qua ngàm.
Các máy Mirrorless ra mắt gần đây đều không gặp nhiều phàn nàn về việc trễ màn trập, và EOS M6 cũng được nhà sản xuất giải quyết tốt vấn đề này. Về tốc độ lưu ảnh nó còn tuỳ thuộc vào tốc độ loại thẻ nhớ của các bạn, như mình xài Lexar 633x thì thấy rất ổn, không hề có gì phàn nàn, kể cả khi lưu file ảnh chụp liên tục thì thời gian chờ vẫn chấp nhận được. (hoặc là do mình dễ dãi :P).
Chất lượng ảnh JPEG
Nếu bạn là người thường chụp RAW thì mục có thể không cần xem mục này,chuyển sang phần kế tiếp, nhưng với những người mới chơi hay những người dùng phổ thông nó lại rất đáng quan tâm.
Chất lượng một tấm ảnh phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng ảnh JPEG thì nó còn lại phụ thuộc nhiều vào khả năng bộ xử lý của nhà sản xuất. Với quan điểm của mình thì đẹp – xấu nó phụ thuộc vào cảm tính của mỗi người. EOS M6 xử lý và cho ra ảnh JPEG với mình là rất tốt, độ tương phản cao, màu sắc đẹp, tạo cảm xúc, độ nét và chi tiết vẫn còn tốt, nhìn hình JPEG mình cũng không biết chỉnh thêm gì nữa, hoàn toàn có thể dùng để chia sẻ ngay.
Màu sắc điều mình ấn tượng với ảnh từ EOS M6, màu đẹp nhưng hơn nữa là màu sắc nó trên chiếc máy ảnh này tạo cho mình một cảm xúc giống như xem những hình từ máy Film vậy, không hẳn – nhưng cố một chút gì đó… Khả năng tái tạo màu sắc của bộ xử lý Digic 7 là rất tốt, nếu bạn đã từng dùng các dòng máy ảnh Canon khác bạn sẽ thấy quen mắt, với những bạn từ các hãng khác thì có thể không quen bằng. Tuy nhiên với những màu khó như màu hồng tím của hoa giấy, hay hoa bên dưới thì chiếc máy vẫn không thể nào cho ra chính xác được. Hoặc có thể chụp RAW, về chỉnh lại cho giống, hoặc chấp nhận màu của máy cho ra. Ở những ảnh có nhiều màu sắc, điều đầu tiên nhìn vào là rất thích mắt, hẳn là vậy. Còn về độ tách bách và chuyển màu sắc, ảnh từ máy cho ra là rất tốt, chỉ một số trường hợp các chi tiết ở vùng chuyển bị lem màu.
Những bộ xử lý ảnh của Canon trước giờ thường không cho ra ảnh có độ nét gai, mà nó nhẹ nhàng hơn, dịu mắt hơn. Canon M6 cũng tiếp tục truyền thống này, độ nét luôn được kiểm soát ở mức vừa phải, không quá nét dẫn đến gai mắt, còn về độ chi tiết ảnh, mời các xem ảnh crop từ file Jpeg và tự rút ra đánh giá cho riêng mình. Với cá nhân mình, Canon không làm chiếc M6 dành cho những người chuyên nghiệp, hay dùng để chụp dịch vụ, khách hàng họ hướng đến là những người mới chơi hay người dùng phổ thông nhưng vẫn cần một chất lượng ảnh cao hơn các máy PnS.
Hiệu năng ISO và dải nhạy sáng (Dynamic Range)
Mình hay chụp chế độ Av (ưu tiên khẩu độ), tốc độ màn hình máy tự đo. Trên M6 mình để cả ISO Auto, nhờ đó mà nhận ra được máy có khả năng tự điều chỉnh mức ISO rất phù hợp. Với những ảnh ISO cao như 3200-6400, có thể nói là khả năng khử nhiều là rất tốt với máy có cảm biến APSC, mức 12.800 sẽ nhiễu khá nặng và mất chi tiết. Dải nhạy sáng của Canon M6 là rất tốt, nhiều tấm mình chỉa thẳng vào mặt trời nhưng các chi tiết ở vùng shadow vẫn lên khá tốt.
Những chiếc máy ảnh Mirrorless giờ được trang bị rất nhiều công nghệ và rất thông minh. Nên mình thường giao các việc tính toán thông số lại cho nó. Auto ISO là một tính năng mà gần đây các hãng thường trang bị trên máy ảnh của họ, nó cho phép mình đỡ phải lo lắng thêm 1 thông số nữa (tất nhiên trong những trường hợp khó thì vẫn phải manual hết :D). Về khả năng hoạt động thì chiếc máy ảnh này làm việc rất tốt, các mức ISO tự động đều rất phù hợp, mình chưa gặp trường hợp tính sai.
Về hiệu năng, với dải ISO từ 100-1600, dù sẽ xuất hiện nhiễu dần, nhưng rất rất ít, chất lượng ảnh vẫn rất tốt. Từ 1600-6400, chất lượng ảnh suy giảm tương đối nhưng không đến mức quá nhiễu hạt và bết chi tiết. Từ 12800-25600 thì nhiễu nặng, chi tiết bết lại, rất có thể không dùng được, nhưng rất rất ít phải rời vào trường hợp này. Cá nhân mình cũng ít khi nào để ISO quá 6400, thậm thí là mức 6400 cũng rất ít.
Dải Dynamic Range là tốt, với một chiếc máy cảm biến APSC chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều về việc có chi tiết tốt cả vùng sáng lẫn tối. Các bạn sẽ có 1 vùng chi tiết tốt và 1 vùng khá. Mời các bạn xem một số ảnh bên dưới.
Ảnh RAW
Ảnh RAW từ EOS M6 là rất tốt, theo quan điểm của mình. Chất ảnh là rất nhiều, bạn có thể chỉnh mức phơi sáng đến +-5 nhưng vẫn còn chi tiết ảnh.
Mình không chụp nhiều ảnh RAW vì với mình ảnh Jpeg là rất tốt rồi. Nhưng phải thừa nhận rằng file RAW này chỉnh sửa rất đã, bạn có thể thoải mái kéo mà không sợ giảm chất lượng. Có một điều lưu ý là đến thời điểm mình viết bài này thì Lightroom vẫn chưa hỗ trợ file RAW của EOS M6, dùng Camera RAW của Photoshop thì được.
Kết luận
Canon EOS M6 có thể không là chiếc máy tốt nhất nếu so với các đối thủ khác, nhưng không phủ nhận rằng chất lượng ảnh từ nó là rất tốt. Và đặc biệt nó tạo được cảm hứng cho mình chụp, nhỏ gọn dễ mang theo và luôn sẵn sàng khi mình muốn chụp. Nhiều ưu điểm về tốc độ lấy nét cũng như màu sắc rất có cảm xúc, những vẫn có những điểm chưa tốt về thiết kế.
Ngoài ra Canon vẫn trang bị cho M6 rất nhiều cách kết kết nối với các thiết bị ngoại vi khác. Bạn có thể kết nối bằng Wi-Fi, Bluetooth với điện thoại để chép hình nhanh up facebook, để điều khiển chụp khi muốn chụp chung với bạn bè, HDMI kết nối ra màn hình ngoài,…
Một chiếc máy ảnh đắt đến đâu cũng chưa chắc phù hợp với tất cả mọi người, mỗi người sẽ có “gu” riêng, chiếc EOS M6 sẽ phù hợp với những bạn mới tập chơi, hay chơi lâu rồi muốn chuyển qua một chiếc máy nhỏ gọn cao cấp, hay cũng có thể máy backup cho những anh đang dùng máy to,… Chúc các bạn chọn được máy ưng ý. 😀