Mặc dù đã được đánh tiếng kể từ triển lãm Photokina 2018, nhưng phải hơn 3 tháng sau, Panasonic mới chính thức trưng bày các sản phẩm này trước công chúng tại triển lãm CES 2019
Kể từ lúc này, chúng ta đã được chứng kiến một trong những hãng góp phần khai sinh ra mirrorless chính thức tham chiến, cạnh tranh với các đối thủ lớn như Canon, Nikon, Sony.
Không nằm ngoài dự đoán, cũng như các tin tức rò rỉ, thông số kỹ thuật của bộ đôi Panasonic S1 và S1R này vô cùng mạnh mẽ, đủ làm cho các đối thủ phải cảm thấy lo ngại.
Đáng chú ý, tại lần trưng bày này, Panasonic tiết lộ thêm 2 đặc điểm kỹ thuật khác, chưa từng có (mà có thể phải rất lâu nữa mới có) trên sản phẩm mirrorless fullframe của các hãng đối thủ.
Chúng bao gồm HLG và “chế độ phân giải cao“.
HLG là viết tắt của Hybrid Log Gamma. Theo đó, ở chế độ này, những hình ảnh mà máy chụp được sẽ có độ tương phản rất tốt, các chi tiết tại vùng ảnh sáng và tối vẫn được giữ lại đầy đủ. Kết quả ta có một bức ảnh HDR vô cùng sống động.
Để có thể thấy hết những gì mà bức ảnh mang trong mình, chúng ta sẽ phải xem ảnh trên các màn hình có thể hiển thị HDR.
Hybrid Log Gamma (hoặc chức năng tương tự với một cái tên khác) đang rất phổ biến trên các máy ảnh của Sony, Fujifilm, Panasonic như Sony a7 III, Fujifilm X-T3… Tuy nhiên chức năng này cho tới giờ chỉ được thiết kế cho quay phim mà không cho chụp ảnh tĩnh.
Bằng việc sử dụng HLG cho chụp ảnh, Panasonic giúp cho người dùng có thểm một cách để chụp ảnh HDR, cho chất lượng cực cao mà vô cùng sống động.
Thứ 2 là “chế độ phân giải cao“. Đây là tính năng không hề xa lạ trên các sản phẩm trang bị cảm biến m4/3 của Olympus và Panasonic (và 2 hãng này cùng nhau đưa công nghệ này lần đầu tiên lên máy ảnh ống kính rời).
Một cách ngắn gọn, khi sử dụng chế độ phân giải cao, máy sẽ kích hoạt bộ phận chống rung trong thân máy, dịch chuyển cảm biến trong thân máy để ghi hình tại các vị trí khác nhau. Sau đó, bộ xử lý của máy sẽ tự động ghép các tấm hình lại với nhau, cho ra bức hình có độ phân giải cực cao, kích thước lớn gấp nhiều lần so với bức ảnh chụp thông thường.
Vấn đề của chức năng này là cảm biến phải đủ nhỏ để trong máy có không gian cho việc di chuyển cảm biến. Do đó, khi kích cỡ thân máy không khác gì so với đối thủ, mà vẫn có không gian cho cảm biến fullframe di chuyển thì đây là sự đột phá của Panasonic trước các đối thủ.
Chế độ phân giải cao này vô cùng hữu ích cho thể loại ảnh phong cảnh hoặc ghi lại các tác phẩm hội họa, giúp người dùng có được những bức hình vô cùng chi tiết.
Với kinh nghiệm 10 năm thiết kế và sản xuất máy ảnh không gương lật, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng bộ đôi mới này của Panasonic sẽ trở thành ngôi sao sáng trong vũ trụ mirrorless fullframe, một lần nữa tạo ra xu thế mới cho thị trường thế giới.
Tuy vậy, trong hoàn cảnh Sony đang làm thị trường rất tốt với dòng a7, phủ từ phổ thông đến cao cấp, cùng 2 ông lớn hàng đầu Canon và Nikon đang ồ ạt “đổ quân” tham chiến, Panasonic dường như hành động khá trậm trễ.
Dù sao, muộn vẫn còn hơn không. Hiển nhiên, không ai muốn thấy mình tạo ra xu hướng mới cho thị trường, nhưng “đứa khác” lại làm công tác quảng bá tốt hơn.
2019 vừa bắt đầu được hơn 1 tuần, chúng ta vẫn còn 1 năm dài phía trước để chứng kiến cuộc tranh giành miếng bánh thị trường giữa các hãng máy ảnh . Hãy chờ xem!