Đối với bất kì người biết sử dụng máy tính nào, thương hiệu hệ điều hành Microsoft Windows đã trở thành một huyền thoại khó lòng lãng quên. Và ở bài viết này, chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian để xem, huyền thoại này đã đi lên như thế nào.
Chú ý: Bài viết này sẽ chỉ giới hạn ở các phiên bản Windows dành cho PC chứ chưa đề cập đến các phiên bản khác như Windows Server
MS-DOS (1981)
Mặc dù Microsoft khởi đầu Altair BASIC, nhưng đây lại không phải là nền tảng của hệ điều hành Windows ngày hôm nay. Phải đến năm 1981, với sự ra đời của MS-DOS (thời đó gọi là 86-DOS) do Tim Paterson lập trình, nền tảng đầu tiên của Microsoft Windows mới được hình thành.
Nói thêm về 86-DOS, hệ điều hành này được lập trình bởi Tim Paterson, lúc bấy giờ đang làm việc cho công ty sản xuất máy tính Seattle Computer. Nói ngắn gọn, 86-DOS là một bản thể của hệ điều hành CP/M do hãng Digital Research phát triển, nhưng nó vượt trội hơn do hỗ trợ vi xử lý x86 và là hệ điều hành đầu tiên cho phép định dạng FAT12. Thấy được tiềm năng của nền tảng này, Microsoft đã mua lại 86-DOS và tuyển dụng Paterson để tiếp tục phát triển 86-DOS. Sau đó, nó được đổi tên thành MS-DOS, lúc này vẫn còn thuộc quyền sở hữu của IBM (IBM là bên đặt hàng xây dựng nền tảng này cho thế hệ máy tính mới của họ).
Thực chất, MS-DOS thời bấy giờ không hề nổi bật nếu xét về mặt chức năng hay giao diện người dùng mà nó vượt trội ở 2 điểm. Đầu tiên, nó là hệ điều hành đầu tiên hỗ trợ vi xử lý x86, thứ sau này trở thành nền tảng vi xử lý chính của máy tính. Thứ hai, do được ra đời bởi một hợp đồng giữa Microsoft và IBM, một lượng cực lớn các phần mềm được lập trình dành riêng cho nó đã xuất hiện, điều này gộp với điều đầu tiên đã trở thành nền tảng cho hệ điều hành MS-DOS thống trị thị trường máy tính trong nhiều thập kỷ tiếp theo.
Windows 1.0 (1985)
Ngay sau khi MS-DOS được ra mắt, Microsoft đã bắt đầu thai nghén thế hệ Windows đầu tiên của mình. Ở phiên bản đầu tiên, Windows 1.0 hầu như không hề có gì đột phá ngoài giao diện đồ hoạ GUI thay thế cho giao diện dòng lệnh cứng nhắc của MS-DOS và chức năng bộ nhớ ảo . Ngoài giao diện đó ra thì Windows 1.0 không còn gì nhiều để khen… còn để chê, tuy đã được trang bị một giao diện đồ hoạ nhưng chính bản thân Windows 1.0 lại không thể chạy các phần mềm trên giao diện ấy mà lại phải sử dụng giao diện MS-DOS. Tuy sau này Microsoft đã giới thiệu một hàm API để các lập trình viên có thể phát triển các phần mềm sử dụng giao diện đồ hoạ này nhưng cũng không khả quan hơn do số lượng các phần mềm truyền thống vẫn chiếm đa số.
Ngoài ra, Windows 1.0 còn trình làng một chức năng hoàn toàn mới là bộ nhớ ảo cho phép hệ điều hành sử dụng bộ nhớ ổ cứng làm RAM tạm thời. Về lí thuyết thì RAM ảo này có tốc độ chậm hơn RAM thật nhiều lần nhưng đối với một số ứng dụng lớn đòi hỏi dụng lượng RAM lớn thì chức năng này sẽ là một cứu cánh lớn cho người dùng.
Windows 2.0 và Windows 2.1
Đến với Windows 2.0, Microsoft đã đại tu Windows 1.0 với hàng loạt các cải tiến về giao diện cũng như bổ sung vài chức năng cải thiện trải nghiệm người dùng như cho phép các cửa sổ xếp chồng lên nhau, cho phép việc làm việc đa cửa sổ dễ dàng hơn và tiết kiệm diện tích màn hình.
Từ Windows 1.0 lên Windows 2.0 chỉ là một bản cập nhật nhỏ nhưng khi lên đến Windows 2.1 lại là một bản cập nhật lớn. Windows 2.1 được tối ưu để sử dụng các chức năng mới của dòng chip Intel 80286 và Intel 80386 thế hệ mới. Một trong những chức năng lớn nhất của Windows 2.1 là sự xuất hiện của HIMEM.sys, cho phép hệ thống truy cập một lượng bộ nhớ lớn hơn. Ngoài ra, Windows 2.1 còn hỗ trợ chế độ bảo vệ trên chip Intel 80386, cho phép chạy nhiều chương trình song song nhau. Trước khi chức năng này xuất hiện, người dùng chỉ có thể chạy một phần mềm một lúc, những phần mềm khác sẽ bị tạm dừng.
Và Windows 2.1 cũng là hệ điều hành đầu tiên yêu cầu phải có ổ đĩa cứng. Sau này, Windows 2.1 được thay thế bằng Windows 2.11, hỗ trợ AppleTalk và cải thiện các drivers.
Windows 3.0 (1990) và Windows 3.1 (1992)
Windows 3.0 ra mắt bao gồm nhiều cải tiến so với Windows 2.11. Giao diện người dùng được trau chuốt lại, hỗ trợ hệ hình ảnh 16 màu. Ở chế độ phân giải thấp (VGA), hệ điều hành cho phép dựng lên đến 256 màu cùng một lúc. Ngoài ra, còn có chế độ an toàn cải tiến cho phép dễ dàng truy cập một lượng lớn hơn bộ nhớ hệ thống. Và đây cũng là phiên bản hệ điều hành đầu tiên được bán cùng trò chơi Solitaire.
Hai năm sau Windows 3.0, Windows 3.1 ra mắt với các cải tiến. Đầu tiên, sự biến mất của chế độ địa chỉ (Real mode), tuy bị hạn chế chỉ chạy trên các dòng chip 80286 hoặc mới hơn, nhưng nó đã cải thiện hiệu năng hệ thống một cách đáng kể. Thứ hai, hệ điều hành lần đầu hỗ trợ định dạng font Truetype, khiến Windows hữu dụng hơn khi chỉnh sửa văn bản và tài liệu. Thứ ba, định mức RAM tối đa được nâng lên 4GB.
Windows NT 3.1
Năm 1993, Microsoft cho ra mắt phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows NT. Được đặt tên là Windows NT 3.1 tương tự Windows 3.1 vừa được ra mắt trước đó.
Dù Windows NT trông tương tự Windows 3.1 nhưng thực sự chúng khá khác nhau. Khác với Win 3.1, Win NT 3.1 được xây dựng lại hoàn toàn trên nền tảng 32 bit. Được khởi đầu là một bản thiết kế lại của hệ điều hành OS/2 của IBM nhưng sau đó bản thiết kế đã bị lỗi và được chỉnh sửa khá nhiều, điều này đã cho phép Win NT chạy được các phần mềm của Windows, MS-DOS và cả OS/2.
Tuy là một bản nâng cấp và vượt trội hơn so với Windows 3.1 nhưng Win NT có doanh số bán khá thấp và không thành công như mong đợi.
Windows 95
Sau sự kiện ra mắt Windows 3.1, Microsoft chuyển sang một hướng đi mới, giảm thiểu phát triển các hệ điều hành nền DOS. Và sự ra đời của “Cairo”, một phiên bản hệ điều hành thân thiện người dùng hơn đã thúc đẩy Microsoft đi theo con đường này. Windows 95 ra mắt.
Ban đầu, mục đích thiết kế của Windows 95 là tạo ra một môi trường hoạt động 32 bit thân thiện cho người dùng, dễ dàng cài đặt và ổn định hơn và Windows 95 trở thành hệ điều hành đầu tiên có sự xuất hiện của thanh Start huyền thoại và sử dụng Windows Explorer.
Về cơ bản, Windows 95 vẫn tương tự Windows 3.1, vẫn là một hệ điều hành nền DOS nhưng nó hoạt động độc lập hơn về nhiều mặt như kiến trúc cũng như cách vận hành. Minh chứng cho điều này là độ ổn định của hệ thống được tăng lên đáng kể nhờ vào việc sử dụng hàng loạt các máy ảo chạy ngầm, làm giảm sự ảnh hưởng của các phần mềm bị xung đột, ngoài ra còn có một lớp nền giữa phần mềm và phần cứng ngăn việc phần mềm xung đột khiến cả hệ thống bị ngừng hoạt động.
Windows 2000
Windows 2000, tuy mang tên 2000 nhưng nó được ra mắt vào năm 1999, là một hi vọng của Microsoft nhằm hợp nhất những điều tinh tuý nhất trên Windows 98 và Windows NT.
Ở Windows 2000, Microsoft đã gói trong nó những chức năng chưa từng xuất hiện trên bất kì phiên bản nào trước đó như hỗ trợ USB, các phần cứng mới, chức năng bảo vệ hệ thống File Protection và bộ công cụ sửa lỗi cải thiện hiệu năng hệ thống cũng như tăng tính bảo mật.
Windows XP
Có thể nói đây là phiên bản hệ điều hành huyền thoại của Microsoft với số lượng người dùng kỉ lục và đây cũng là phiên bản đầu tiên hỗ trợ nền tảng 64 bit. Tuy nhiên do một số hạn chế về tính tương thích CPU, Windows XP đã bị ngừng hỗ trợ vào năm 2005.
Windows Vista
Được kì vọng sẽ là bản thay thế xứng đáng cho Windows XP vốn đã quá già cỗi nhưng hoá ra đây lại là một thảm hoạ đáng quên của Microsoft, góp phần kéo dài sự sống cho Windows XP.
Windows Vista được thiết kế với giao diện hoàn toàn mới với hàng loạt các cải tiến về trải nghiệm cũng như bảo mật. Nhưng trớ trêu thay, bảo mật lại chính là yếu tố khiến Windows Vista rơi vào dĩ vãng. Ngoài ra, Windows Vista còn bị phàn nàn là tốc độ chậm hơn Windows XP và dễ gặp lỗi hơn.
Windows 7
Lại là một bản thay thế, lần này là thay thế cho Windows Vista vốn đã quá bị ghét bỏ bởi người dùng. Tương tự Windows Vista, Windows 7 cải thiện hầu như tất cả các vấn đề tồn đọng trên Windows Vista và thậm chí còn làm chúng tốt hơn.
Với hiệu năng được cải thiện đáng kể cùng hàng loạt các chức năng mới tăng độ ổn định, Windows 7 trở thành hệ điều hành thành công thứ 2 của Microsoft, đứng sau Windows XP.
Windows 8 và Windows 8.1
Với sự thống trị trên thị trường máy tính để bàn, Microsoft bắt đầu chuyển hướng sang thị trường máy cầm tay, bắt đầu bằng việc cho ra đời hàng loạt các phiên bản hệ điều hành nhỏ gọn hơn cho các thiết bị di động, đỉnh điểm là sự ra đời của Windows 8 kết hợp cả hai nền tảng di động và để bàn. Và Windows 8 cũng là phiên bản đầu tiên mang giao diện phẳng hoàn toàn và bỏ đi thanh Start vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Tuy nhiên, với giao diện mang hơi hướng của các thiết bị cảm ứng, Windows 8 đã không được người dùng đón nhận vì độ phức tạp cuả nó, khiến Microsoft một lần nữa lại phải ra tay với sự ra đời của Windows 8.1 cùng nhiều cải tiến.
Được ra mắt chỉ 1 năm sau Windows 8 và là một bản cập nhật miễn phí, Windows 8.1 mang trong mình nhiều cải tiến, hay nói chính xác hơn là sự cải thiện cho Windows 8. Windows 8.1 mang thanh Start trở lại, cho phép người dùng sử dụng chuột và phím linh hoạt hơn trong môi trường phẳng. Tuy nhiên, với giao diện mới không mấy thân thiện dù đã được cải tiến nhiều, Windows 8 và 8.1 đã không thể vượt qua được cái bóng của những phiên bản tiền nhiệm thành công như Windows XP hay Windows 7.
Windows 10
Là phiên bản hiện tại của dòng Windows, với rất nhiều cải tiến cả về hiệu năng lẫn giao diện. Windows 10 mang hơi hướng truyền thống hơn so với Windows 8 và 8.1 với thanh Taskbar, Start và giao diện cửa sổ với các nút điều hướng.
Ngoài ra, Windows 10 còn mang lại một vài tính năng mới, như trợ lý ảo Cortana điều khiển bằng giọng nói, trình duyệt mới Microsoft Edge, nhanh hơn bảo mật hơn thay thế Internet Explorer đầy tai tiếng.
Tuy nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều nhưng Windows 10 hiện vẫn đang nhận được khá nhiều phản hồi tốt từ phía người dùng.