Bỏ qua mặt trận cảm biến Full Frame đang bị giành giật quyết liệt, Fujifilm đánh vào phân khúc cảm biến Medium Format vốn những cái tên đi trước như Phase One, Hasselblad, Pentax tỏ ra đủng đỉnh đến mức chậm chạp.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Usman Dawood từ Petapixel
Tôi đã có bài viết nói việc Fujifilm quyết định đặt chân vào mảng máy ảnh cảm biến Medium Format (MF) là sai lầm. Nhưng sau những gì diễn ra gần đây (sự kiện hãng giới thiệu chiếc GFX 50R và thông báo đang phát triển chiếc máy ảnh độ phân giải 100 MP), ý kiến của tôi là hoàn toàn sai?
Trong ngắn hạn là KHÔNG bởi vì thị trường máy ảnh cảm biến Full Frame (FF) ngày càng lớn và có được những sản phẩm ngày càng gần với những gì mà hệ máy ảnh cảm biến MF làm được.
Fujifilm quyết định không đặt một chân vào thế giới FF, thay vào đó là hãng muốn biến những chiếc máy ảnh cảm biến lớn hơn (MF) trở nên gần gũi với người dùng cuối hơn bao giờ hết. Với cá nhân tôi đánh giá dòng GFX của hãng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện điều đó.
Thêm sự lựa chọn dành cho người dùng chuyên nghiệp
Chiếc máy ảnh Fujifilm GFX 50S là một chiếc máy ảnh dành cho giới chuyên nghiệp? Điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Phần lớn người mua sản phẩm này không thuộc giới chuyên nghiệp mà là những người coi nhiếp ảnh là đam mê, sở thích. Phần đông các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ không coi đây là lựa chọn đáng cân nhắc cho tới những cải tiến gần đây. Tất nhiên trước đó cũng có những người dùng GFX 50S để làm việc nghiêm túc, nhưng chỉ là số ít.
Vậy điều gì khiến mọi thứ thay đổi? Đó là việc được hỗ trợ trên ứng dụng Capture One
Rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá Capture One là lựa chọn tốt hơn cho công việc của họ hơn là Lightroom của Adobe. Có thể bạn sẽ không đồng ý nhưng sự thật là vậy. Ứng dụng từ Phase One tốt hơn nhiều thứ từ khả năng kiểm soát màu sắc, tốc độ, kết nối Tethering cho đến giao diện người dùng.
Ở các phiên bản Capture One trước không hỗ trợ dòng GFX của Fuji khiến người dùng không thể tạo nên những profile ICC hay những thông số hiệu chỉnh ống kính (Lens Cast Calibration) cần thiết. Đây là thiếu sót đối với nhiều người, trong đó có tôi là vô cùng lớn.
Người dùng máy ảnh cảm biến MF luôn đòi hỏi chất lượng hình ảnh tốt nhất và màu sắc là phần rất quan trọng trong việc làm nên một bức ảnh tuyệt vời. Khi ấy không quan trọng dải tương phản động (Dynamic Range) tốt tới đâu, độ chi tiết do ống kính mang lại là bao nhiêu, màu sắc mới là yếu tố được chú trọng nhiều nhất.
Với profile ICC trong Capture One, người dùng chuyên nghiệp không chỉ có thể kiểm soát và đảm bảo độ chính xác màu sắc tốt hơn mà còn khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn. Việc sử dụng Lightroom với khá ổn với nhiều nhiếp ảnh gia nhưng tốc độ rùa bò của nó khiến Capture One rõ ràng là một lựa chọn đáng giá hơn nhiều trong mắt những người làm việc chuyên nghiệp.
Độ phân giải 100 MP thực sự rất hấp dẫn
Fujifilm thông báo đang phát triển chiếc GFX 100S với độ phân giải lên tới 100 MP. Chiếc máy ảnh này thực sự là một điều đáng ngạc nhiên với hệ thống chống rung cho cảm biến. Fujifilm sẽ là nhà sản xuất máy ảnh đầu tiên làm được điều này dành cho hệ máy ảnh cảm biến MF và rõ ràng hiệu quả nó mang lại trong quá trình tác nghiệp là vô cùng to lớn.
Chưa dừng lại ở đó, hãng còn công bố chiếc máy ảnh dòng GFX sắp tới sẽ có công nghệ lấy nét theo pha. Khả năng lấy nét tự động là điểm thua kém của các máy cảm biến MF khi so sánh với các máy cảm biến nhỏ hơn nhưng với chiếc GFX 100S, Fujifilm có thể sẽ thay đổi được sự thật này.
Nhìn Sony với công nghệ lấy nét theo pha đã làm nên những chiếc máy ảnh cảm biến FF mạnh mẽ thế nào, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng GFX 100S cũng có thể làm được điều tương tự. Ngoài ra, máy ảnh đầu bảng của Fuji cũng có công nghệ lấy nét vào mắt chủ thể (giống với Eye Detection trên máy Sony hiện tại) giúp đây là lựa chọn lý tưởng cho những tình huống chụp cần tốc độ lẫn hiệu quả lấy nét cao.
Cuối cùng, GFX 100S có khả năng quay phim độ phân giải 4K bằng toàn bộ các điểm ảnh trên cảm biến. Công nghệ cảm biến IBIS và lấy nét theo pha cũng góp phần tạo nên một chiếc máy ảnh cảm biến MF đầu tiên sở hữu được thông số kỹ thuật như thế này.
Hỗ trợ dòng máy ảnh GFX của Fujifilm, liệu Phase One có sai lầm?
Trong trao đổi giữa tôi với Phase One, hãng cho biết sẽ không làm bất kỳ máy ảnh cảm biến dạng Crop Medium Format nữa (ý nói đến kích thước cảm biến trên Fujifilm GFX 50S/GFX 50R, Hasselblad X1D, Pentax 645Z) vì thế họ không coi dòng máy ảnh đầu bảng của Fuji là đối thủ đối với các sản phẩm đang kinh doanh.
Vấn đề là hệ máy xài cảm biến Crop Medium Format không còn là mảnh đất để bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể cạnh tranh hiệu quả nữa. Chính nhờ phần lớn ở giá thành rẻ hơn nhiều khiến cảm biến MF nhỏ hơn trên dòng GFX của Fujifilm trở nên dễ tiếp cận và phổ biến hơn với nhiều người, trong khi dòng cảm biến Full Frame Medium Format mà Phase One hay Hasselblad đang theo đuổi có giá tới hàng chục ngàn USD.
Trong ngắn hạn, Phase One có thể kiếm thêm tiền từ việc hỗ trợ dòng máy ảnh của Fujifilm. Tuy nhiên hãng máy ảnh Nhật Bản đã tính cho đường dài phía trước với những lợi điểm về giá thành lẫn công nghệ của dòng GFX sở hữu. Và tôi tin Fujifilm sẽ là nhà sản xuất thống trị mảng máy ảnh cảm biến MF.
Ống kính của Fujifilm luôn được đánh giá rất cao về chất lượng, cộng thêm cảm biến IBIS càng giúp tôi tin tưởng vào khả năng tái tạo màu sắc tốt trên máy ảnh cảm biến MF của hãng. Phase One đang đánh giá sai Fujifilm khi đây rõ ràng là một đối thủ đáng gờm.
Ở góc nhìn của người dùng, đây thực sự là một tin vui trong khi đó với Phase One, đây vẫn là một thị trường chưa thực sự thành hình rõ ràng. Sự khác biệt giữa chất lượng hình ảnh giữa máy ảnh cảm biến Crop Medium Format và Full Frame Medium Format là hoàn toàn có thể thỏa hiệp được đối với ngay cả những nhiếp ảnh gia khắt khe nhất.
Sản phẩm từ Fujifilm còn cho phép sử dụng được một số ống kính dành cho hệ máy DSLR hiện tại thông qua ngàm chuyển mà vẫn có khả năng lấy nét tự động. Điều đó càng làm cho hệ thống máy ảnh cảm biến MF của hãng trở nên triển vọng.
Kết
Fuji là một hãng lớn với nhiều nguồn lực để có thể tạo nên những chiếc máy ảnh cảm biến MF có giá hấp dẫn. Con số giá trị vốn hóa thị trường lên tới 19,8 tỷ USD của Fuji hiện tại so với 7,58 tỷ USD của Nikon đủ để thuyết phục người dùng về khả năng hiện thực hóa tham vọng đó.
Nếu đi tìm một cái tên đủ tiềm năng để biến máy ảnh cảm biến lớn trở nên phổ biến hơn nữa thì hẳn đó phải là Fujifilm. Con số 4.499 USD của GFX 50S có thể còn xa với số đông người sử dụng máy ảnh hiện tại nhưng chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự khởi đầu của ngày càng nhiều hãng máy ảnh trong mảng cảm biến MF khi nhìn thấy lợi ích mà chúng mang lại. Và lúc này Fujifilm trở thành cái tên khả dĩ nhất khi nhắc đến một chiếc máy ảnh cảm biến lớn. Không khó hiểu khi hãng sẽ là người chiến thắng trong phân khúc máy ảnh cảm biến MF thời gian tới.