Các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc đang đua nhau mở rộng đầu tư ở Việt Nam với nỗ lực xây dựng cơ sở sản xuất mới tại đây.
Mới đây, theo hãng thông tấn Yonhap, nguồn tin trong ngành tiết lộ công ty Seoul Semiconductor đã được cấp phép đầu tư 300 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn tại miền Bắc Việt Nam. Tuần trước, tỉnh Hà Nam “bật đèn xanh” cho Seoul Semiconductor xây cơ sở sản xuất rộng 750.000m2, trong đó có một nhà máy bán dẫn và một dây chuyền lắp ráp đi-ốt phát quang (LED).
Theo bản kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp này, tổng cộng 300 triệu USD sẽ được đổ vào nhà máy đến năm 2019 để tiến hành các nghiên cứu và sản xuất bán dẫn. Một quan chức Seoul Semiconductor phát biểu: “Việt Nam được lựa chọn vì giúp chúng tôi đáp ứng được nhu cầu toàn cầu về LED và đảm bảo cạnh tranh về chi phí sản xuất”.
Nguồn tin dự báo động thái của Seoul Semiconductor nhằm cung cấp linh kiện cho các hãng công nghệ Hàn Quốc khác cũng đang tìm đường vào Việt Nam.
Theo nguồn tin, Samsung đang sản xuất khoảng 40% đến 50% smartphone tại hai nhà máy đặt tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên. Đầu năm 2015, Samsung bắt đầu xây dựng khu phức hợp sản xuất điện tử tiêu dùng tại miền Nam TP Hồ Chí Minh. Khu này có nhiệm vụ sản xuất tivi, máy điều hòa không khí, máy giặt, tủ lạnh và các đồ gia dụng khác. Dây chuyền lắp ráp tivi đã bắt đầu hoạt động vào đầu năm nay. Bên cạnh đó, Samsung còn lên kế hoạch phân bổ lại một số dây chuyền sản xuất tivi tại Malaysia và tủ lạnh tại Gwangju (Hàn Quốc) sang khu phức hợp.
Nguồn tin cũng cho hay Samsung sẽ mở rộng quy mô đầu tư từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD đến năm 2020. Ngược lại, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ưu đãi thuế cho Samsung.
Nhà máy sản xuất LED Lumens có trụ sở tại Seoul sẽ bắt đầu vận hành nhà máy đặt tại Bình Dương vào tháng 9/2016. Hiện nhà máy vẫn trong quá trình thi công. Lumens đang sản xuất đi-ốt phát quang được dùng cho nhiều sản phẩm khác nhau từ tivi đến smartphone. Công ty còn hợp tác với cả Samsung.
LG Electronics, tập đoàn điện tử lớn thứ hai Hàn Quốc, cũng mở một cơ sở sản xuất mới tại Hải Phòng và sản xuất các sản phẩm quan trọng để xuất khẩu. Khu sản xuất rộng 800.000m2 cho phép LG sản xuất các thiết bị điện tử giá cạnh tranh, trong đó có smartphone và tivi. Hãng dự định chi 1,5 tỷ USD cho khu phức hợp đến năm 2028. Trong khi đó, LG Display, một công ty thuộc tập đoàn, đang lên kế hoạch xây dây chuyền sản xuất mới tại Hải Phòng với số vốn 1 tỷ USD và bắt đầu hoạt động vào năm sau.
Yonhap nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn vì mức lương tối thiểu hàng tháng chỉ bằng 59% của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người và 60% trong độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn.
Ông Park Byung Book – Giám đốc chi nhánh KOTRA tại Hà Nội – cho biết: “Việt Nam có các điều kiện để đầu tư rất tốt như giá nhân công rẻ, 54 triệu người là tầng lớp lao động. Các doanh nghiệp công nghệ đang đẩy nhanh việc tìm đường vào Việt Nam, đất nước vốn được các công ty dệt may ưa chuộng trong quá khứ”. Theo ông Park, chính phủ Việt Nam cũng đang có nhiều nỗ lực để hấp dẫn đầu tư từ Hàn Quốc.